Từ trung tâm xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, ngược dốc lên đến thôn Phìn Hồ, xã Y Tý chỉ khoảng 25 km. Nếu ở khu vực thôn Tả Cồ Thàng, Lao Chải của xã Trịnh Tường còn mù mịt trong sương thì đi qua khu rừng già chừng 5 km, vượt lên đỉnh dốc Phìn Hồ mở ra trước mắt là bầu trời trong xanh, nắng vàng rực rỡ. Đứng trên đỉnh dốc Phìn Hồ nhìn xuống là lòng chảo rộng lớn, được bao bọc bởi những đỉnh núi cao như núi Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San, xa xa là núi Ma Cha Va phía xã Ngải Thầu cũ.
Thôn Phìn Hồ địa hình khá bằng phẳng, có những quả đồi mâm xôi thoai thoải nối tiếp nhau chứ không cheo leo như các thôn khác. Cũng vì nơi đây có địa hình bằng phẳng, nên từ thời thực dân Pháp xâm lược, cai trị ở Lào Cai, khi bay trực thăng qua đây, chúng đã chọn bãi đất rộng trên vùng cao Phìn Hồ làm điểm hạ cánh. Vì thế, nhiều người dân địa phương còn gọi nơi đây là “sân bay Phìn Hồ”.
Ngay tại trung tâm thôn Phìn Hồ, những triền ruộng bậc thang cấy lúa và các dải đồi thấp trước đây chỉ để cho cỏ mọc thì giờ đây đã trở thành vùng trồng hoa ly rộng lớn. Hoa ly trồng giữa lòng chảo Phìn Hồ. Hoa ly leo cả lên những triền đồi thoai thoải, phủ kín những quả đồi mâm xôi. Từ xa nhìn lại, cả thung lũng Phìn Hồ như tấm áo choàng với nhiều ô màu khác nhau: màu vàng nâu của những thửa đất mới cày, màu đen của những vườn hoa ly mới trồng được che bằng lưới, màu xanh của những vườn hoa ly đã đến kỳ thu hoạch được cởi bỏ lưới phủ. Có những khu vườn mới làm đất xong được rải phân bón tạo thành những chấm trắng như một vườn hoa…
Ngay bên tuyến đường Trịnh Tường - Y Tý xuyên qua cao nguyên Phìn Hồ hôm nay, bầu không khí trở nên nhộn nhịp, hàng chục người dân đang tranh thủ thu hoạch hoa ly xếp lên ô tô chở về xuôi. Người thoăn thoắt dùng liềm dài cắt từng cành ly. Người ôm từng bó hoa ly chuyển về khu tập kết để bó thành từng bó nhỏ xếp lên xe. Tiếng nói cười rộn rã. Trong vườn, từng luống hoa ly đã đến kỳ thu hoạch đang vươn lên trong nắng gió. Nụ hoa đều tăm tắp như những ngón tay búp măng. Có bông hoa đã xòe cánh màu vàng, màu hồng, màu tím, tỏa hương thơm nức cả khu vườn, đẹp như những thiếu nữ Mông xúng xính trong bộ váy áo thổ cẩm đi chơi hội xuân.
Ông Trần Quang Quản, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoa Lợi nhìn những bó hoa ly đang được xếp đầy thùng xe bảo: “Tôi đã tham quan vùng trồng hoa ly ở nhiều nơi, nhưng Y Tý thực sự là vùng đất lý tưởng cho loại hoa này”. Năm nay Công ty Hoa Lợi trồng 20 ha hoa ly, hiện nay đang thu hoạch rộ. Hoa ly là loài hoa khó tính, đòi hỏi chăm sóc kỳ công, với nhiều khâu kỹ thuật cao. Loài hoa kiêu kỳ, sang chảnh ấy phải được trồng ở nơi đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, đủ ánh sáng, độ ẩm mới cho hoa đẹp. Những củ hoa ly được nhập từ nước ngoài về đưa lên cao nguyên Phìn Hồ trồng phù hợp với đất đai, khí hậu ở đây, lại được chăm sóc theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chú trọng phòng trừ sâu bệnh, nên bông nào cũng đẹp, rực rỡ, ngát hương. Hoa ly được trồng từ mùa xuân đến tháng 6, tháng 7 cho thu hoạch. Mùa đông giá lạnh, sương mù dày đặc, thân cây hoa ly héo khô, chỉ còn củ tươi vẫn ngủ trong lòng đất đến mùa xuân năm sau mới nảy mầm vươn lên.
Dạo quanh thung lũng Phìn Hồ hôm nay, chúng tôi chứng kiến sự đổi thay rõ nét. Những triền đồi dốc hai năm trước vẫn để cỏ mọc hoang, đến nay đã biến thành những vườn hoa, vườn rau xanh tốt. Tháng 7 vào vụ thu hoạch hoa ly, không khí trên những vườn hoa ly rộn ràng. Ở những khu vườn đã thu hoạch xong, bà con lại làm đất chuẩn bị cho lứa hoa ly mới. Mùa này, các vườn trồng rau bắp cải, cải thảo, súp lơ cũng đang vào vụ mới. Tiếng máy cày, máy lên luống đất nổ giòn tan trong nắng gió cao nguyên.
Chị Sùng Thị Dua, người dân thôn Phìn Hồ bảo: Khoảng 5 năm trở lại đây có các công ty lên thuê đất của người dân trồng rau trái vụ như bắp cải, củ cải, su hào, súp lơ… tạo thêm nhiều việc làm cho bà con. Gần đây, các nhà vườn trồng cả hoa ly, nên cần thuê nhiều lao động. Thời điểm này lúa trên ruộng bậc thang đã cấy xong, tôi và chồng tranh thủ đi làm thuê cho công ty, mỗi ngày công cũng được trên 200 nghìn đồng. Cũng nhờ đó, tôi được làm quen với các kỹ thuật làm đất, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho rau và hoa để về áp dụng trồng rau trong vườn nhà. Vào vụ trồng rau, hoa mới hoặc mùa thu hoạch rau, hoa ly, trong thôn có hàng chục người đi làm thuê cho công ty, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Trao đổi với chúng tôi về việc phát triển mô hình kinh tế mới tại địa phương, ông Nguyễn Văn Tài, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp, cá nhân phát triển nhiều mô hình mới tại Y Tý, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, đem lại thu nhập cho bà con.
Ngoài ra, có 50 hộ ở các thôn: Phìn Hồ, Trung Chải, Mò Phú Chải cho doanh nghiệp, cá nhân thuê đất trồng hoa ly. Nhờ đó, có thêm khoản tiền phát triển kinh tế gia đình. Điều quan trọng là qua đó đồng bào các dân tộc địa phương được tiếp cận với các phương pháp mới trong làm nông nghiệp để ứng dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình.
Hiện nay, mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cũng đang dần hình thành, tạo ra sản phẩm du lịch mới cho địa phương. Chúng tôi tin rằng những mô hình sản xuất mới sẽ hiện thực hóa ước mơ, khát vọng của bà con nơi đây, để cuộc sống người dân thêm ấm no. Thời gian tới, xã Y Tý sẽ tăng cường quản lý đất đai, xây dựng và tuyên truyền cho các công ty, doanh nghiệp chấp hành đầy đủ các quy định về việc thuê đất sản xuất tại địa phương, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái trong sản xuất nông nghiệp.
Từ cao nguyên Phìn Hồ, xã Y Tý trở về thành phố, chúng tôi không quên mang theo bó hoa ly thơm nức. Vậy là, vùng cao hoang vắng của những năm trước giờ đây đang trở thành một vùng rau, vùng hoa rộng lớn đem lại sự đổi thay cho cuộc sống của bà con nơi đây. Những ước mơ, khát vọng về một tương lai tươi sáng của đồng bào các dân tộc thiểu số dưới chân núi Lảo Thẩn đang trở thành hiện thực, tựa như những bông hoa ly đang bung nở đón ánh nắng mặt trời giữa một bình minh mới hôm nay.