Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp cho rằng, ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, chưa thể giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến tồn dư các chất bảo vệ thực vật, kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi… Để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường thì việc phát triển một nền nông nghiệp xanh, an toàn là mối quan tâm lớn không chỉ của ngành nông nghiệp mà còn của tỉnh.
Khởi đầu của nông nghiệp xanh tại Lào Cai chính là các mô hình sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn như VietGAP, hữu cơ… Đến nay, diện tích sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn trên địa bàn tỉnh Lào Cai bao gồm 932 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP (chè, chuối, dứa, quýt, rau, quả su su), 210 ha dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO; 5.368 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ (4.123 ha quế, 1.142 ha chè, còn lại là măng, nấm, hồng không hạt); 46 nhãn hiệu tập thể, 17 nhãn hiệu chứng nhận, 2 chỉ dẫn địa lý; 197 sản phẩm chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.
Không chỉ sản xuất theo các tiêu chuẩn quy chuẩn, những năm gần đây, việc “tuần hoàn” trong sản xuất nông nghiệp cũng luôn được quan tâm. Các mô hình tận dụng các phụ phẩm sau sản xuất nông, lâm nghiệp thành một dạng vật tư đầu vào không chỉ giảm việc xả thải ra môi trường mà còn giảm chi phí sản xuất. Trong chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp theo hình thức kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng với những quy mô khác nhau; chất thải từ chăn nuôi được xử lý, tận dụng làm phân bón cho cây trồng.
Thực hiện kế hoạch phát triển cây atiso theo hướng dẫn thực hành trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO), công ty liên kết với hơn 160 hộ nông dân thị xã Sa Pa duy trì vùng trồng hơn 65 ha cây atiso, mục tiêu niên vụ đạt hơn 2.500 tấn lá tươi. Hằng năm, công ty đều tổ chức tập huấn cho nông dân về kỹ thuật thu hạt giống, làm đất, thực hiện khung thời vụ gieo trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, thu hái và bảo quản sau thu hoạch theo quy chuẩn..., từ đó các hộ nông dân đã thay đổi phương thức canh tác, bởi vậy mà sản phẩm lá atiso luôn đảm bảo về chất lượng theo yêu cầu và được công ty bao tiêu toàn bộ với giá thu mua ổn định.
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh năm qua đối mặt với không ít khó khăn khi thiên tai diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng mạnh.
Tuy vậy, với điều kiện tự nhiên hiện có và định hướng phát triển các cây trồng chủ lực theo Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, ngành nông nghiệp Lào Cai đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Theo ông Đỗ Văn Duy, mục tiêu là lấy giá trị, thu nhập sản xuất là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả của ngành nông nghiệp. Do đó, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp xanh và bền vững, ngành phối hợp với các địa phương quy hoạch, phát triển tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung 6 ngành hàng chủ lực, 2 lĩnh vực là phát triển kinh tế đồi rừng và ngành hàng tiềm năng; chuyển đổi diện tích sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả (ngô, sắn...) sang các loại cây trồng chủ lực có hiệu quả kinh tế cao hơn và khuyến khích liên kết, tập trung đất đai tạo vùng sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm chế biến sâu để tham gia, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các mặt hàng chủ lực của tỉnh như quế, chè… sang thị trường các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… Đổi mới và phát triển các hình thức kinh tế tập thể, nhất là các hợp tác xã gắn với các vùng sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực; phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP đáp ứng cả về số lượng, chất lượng phục vụ nhu cầu thị trường. Chủ động lồng ghép các nguồn lực tại địa phương để triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình, dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn…
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp năm 2023
- Giá trị sản phẩm/ha đất canh tác đạt 95 triệu đồng.
- Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 9.102 tỷ đồng.
- Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt 3,23%.
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,5% (tăng 0,8% so với năm 2022).
- Toàn tỉnh có 62/127 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, 5 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn huyện nông thôn mới.