Trẩu là loại cây bản địa mọc nhiều tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, với sức sống khỏe, cây tự rụng hạt rồi mọc hoang tươi tốt trong rừng, ven đường đi, quanh vườn nhà. Từ khi giá trị sử dụng của loại cây này được nghiên cứu, khai thác triệt để đã mở ra hướng đi mới cho người trồng rừng tại khu vực đất cằn cỗi. Hiện gỗ trẩu được dùng làm nguyên liệu trong công nghiệp và giá thể sản xuất nấm ăn, hạt dùng trong công nghiệp sơn, chất dẻo, da nhân tạo, thuốc chữa bệnh.
Ưu điểm vượt trội của cây trẩu là dễ trồng, chi phí đầu tư ban đầu thấp, không tốn công chăm sóc, đặc biệt cây sinh trưởng mạnh trên đất khô cằn, bạc màu, phù hợp với trồng rừng phòng hộ, sản xuất. Sau 5 năm trồng có thể thu hoạch quả lấy hạt.
Qua thực tế phát triển cây trẩu ở các xã có địa hình đồi núi dốc, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra tình trạng khô hạn tại Si Ma Cai, Mường Khương, Văn Bàn đã cho kết quả, vừa phủ xanh đất trống, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Ông Sùng Seo Lao, xã Lùng Thẩn (Si Ma Cai) cho biết: Tôi đã trồng thử cây mỡ, quế nhưng với địa hình đất dốc, khô cằn tại địa phương thì chỉ có cây trẩu là phù hợp nhất. Hiện gia đình duy trì hơn 1 ha trẩu, ngoài bán gỗ thì hạt trẩu mang về cho gia đình nguồn thu vài chục triệu đồng mỗi năm.
Toàn tỉnh hiện có hơn 6.000 ha trẩu, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mường Khương, Si Ma Cai, Bát Xát, Bảo Yên. Cây trẩu cho thu hoạch gỗ khoảng 16 m3/ha/năm và từ 15 - 17 tấn quả/ha/năm, đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm/ha cho người dân.
Theo ông Hảng Seo Toán, Chủ tịch UBND xã Lùng Thẩn, qua phát triển cây trồng bản địa trên địa bàn những năm gần đây cho thấy, đây là hướng đi bền vững, vừa góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nâng tỷ lệ che phủ rừng, vừa mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Ở nhiều địa phương trong tỉnh, cây màng tang đang đem lại nguồn thu nhập tăng thêm cho người dân tại những mảnh nương sau canh tác bạc màu, cằn cỗi. Ngoài thu hoạch gỗ, quả và lá màng tang còn là nguyên liệu để chiết xuất tinh dầu dùng trong y học, mỹ phẩm. Ông Lý Văn Thắng, xã Cốc Lầu (Bắc Hà) cho biết: Gia đình hiện có hơn 2 ha rừng có phân bố cây màng tang từ 2 - 5 năm tuổi, khi được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cây phát triển nhanh, cho nhiều quả. Mỗi năm gia đình thu khoảng 20 triệu đồng từ bán hạt.
Màng tang là loại cây thân gỗ, phân bố tự nhiên và phát triển tốt trên diện tích đất nương đồi khô, cằn, chịu được khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là trên đất nương bạc màu, có nguy cơ sa mạc hóa mà ít loại cây nào sống được. Về giá trị kinh tế, theo tính toán của các ngành chuyên môn, cây màng tang cho thu hái quả từ tháng 4 đến tháng 9, rễ và lá thu quanh năm. Với mật độ từ 200 đến 300 cây/ha, năng suất bình quân đạt 6 đến 10 kg quả/cây/năm. Giá bán từ 8 nghìn đến 10 nghìn đồng/kg quả tươi, sẽ đem lại từ 20 đến 30 triệu đồng/ha/năm.
Năm 2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh triển khai mô hình trồng rừng và chiết xuất tinh dầu cây màng tang, phục hồi rừng sau canh tác nương rẫy có nguy cơ sa mạc hóa cao. Việc triển khai mô hình không chỉ góp phần bảo tồn một loài lâm sản, mà còn thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, thêm mô hình sinh kế cho đồng bào dân tộc vùng cao, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Cây bản địa là những loại cây phát triển và phân bố tự nhiên tại địa phương, phù hợp với đất đai, khí hậu và gần gũi với cuộc sống người dân bao đời nay. Bảo vệ và phát triển vốn rừng, trong đó có cây bản địa góp phần hạn chế được nhiều loại hình thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu xảy ra trên địa bàn. Tại các huyện: Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn, thị xã Sa Pa… rừng nguyên sinh với những cây gỗ bản địa quý như nghiến, bách tán đài loan, pơ mu, thông đỏ, vân sam, đỗ quyên… được bảo vệ nghiêm ngặt, tạo cảnh quan tươi đẹp, phù hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, thu hút khách tham quan.