Sau 5 năm triển khai Luật Lâm nghiệp năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019), Lào Cai đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tuynh ở thôn Cù Hà, xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng) có gần 30 năm phát triển kinh tế rừng. Hiện gia đình có 30 ha rừng kinh tế, trong đó chủ yếu là quế và mỡ, nhiều cây mỡ to hơn 1 người ôm đang được bán với giá 4 - 4,5 triệu đồng/cây. Hằng năm, chỉ tỉa bán cây to cũng mang về cho gia đình ông khoảng 500 triệu đồng.
Theo chia sẻ của ông Tuynh, năm 2019, ông được cán bộ kiểm lâm tới tuyên truyền Luật Lâm nghiệp mới. Sau khi biết luật mới liên quan đến quyền lợi trong phát triển kinh tế nên ông đã nghiên cứu để áp dụng thực tế của gia đình.
“Thực hiện Luật Lâm nghiệp mới đã giúp gia đình thuận lợi trong việc phát triển kinh tế rừng. Trước đây, mỗi khi khai thác rừng trồng, tôi mất nhiều thời gian hoàn thiện các loại giấy tờ, thủ tục, khai báo… Hiện nay, tôi chỉ cần tự kê khai và thông báo với kiểm lâm địa bàn để kiểm soát là có thể khai thác” - ông Tuynh cho biết.
Đi vào hoạt động từ năm 2021, mỗi năm, cơ sở thu mua và chế biến lâm sản của gia đình chị Đặng Thị Thắm, thôn Nam Hải, xã Sơn Hải (huyện Bảo Thắng) thu mua, chế biến 120 tấn quế tươi; sản xuất cây giống quế cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Việc triển khai Luật Lâm nghiệp mới không chỉ giúp thuận lợi cho cơ sở trong việc thu mua, chế biến mà còn đơn giản hơn các thủ tục về vận chuyển và bán cho các doanh nghiệp lớn thu mua hoặc xuất khẩu.
Ông Phạm Văn Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng cho biết, thi hành Luật Lâm nghiệp mới đã giúp phát triển thế mạnh trong kinh tế rừng tại huyện. Cùng với đó là nâng tỷ lệ trồng rừng, tỷ lệ che phủ rừng của huyện từ 55,1% (năm 2019) lên 58,81%, vượt chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng mà Đảng bộ huyện đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025.
5 năm qua, huyện Bảo Thắng đã trồng 4.440 ha rừng, khai thác rừng trồng đạt 104.649 m3, mang lại nguồn thu 177,9 tỷ đồng cho người dân.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, triển khai Luật Lâm nghiệp mới tại Lào Cai đã mang lại những hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt, như: Lào Cai đã quy hoạch đất lâm nghiệp đến năm 2030 với 417.122 ha (trong đó rừng phòng hộ 144.821 ha, rừng đặc dụng 85.644 ha, rừng sản xuất 186.657 ha); công tác giao rừng, cho thuê rừng, chuyển loại rừng được triển khai đồng bộ với giao đất, cho thuê đất. Việc tổ chức quản lý rừng, xây dựng và tổ chức phương án quản lý rừng, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đóng cửa rừng tự nhiên được triển khai, trong đó Lào Cai triển khai nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên.
Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, gây nuôi động vật rừng, xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp được tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai nghiêm. Từ năm 2019 đến năm 2023, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý 841 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 10,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác phát triển rừng, sử dụng rừng và phát triển kinh tế rừng theo đúng mục đích, giúp ổn định đời sống người dân, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ vùng cao. Từ năm 2019 đến 2023, việc khai thác rừng trồng toàn tỉnh đạt 556.789 m3 gỗ và thu từ lâm sản ngoài gỗ (cành, lá quế, sa nhân, lá giang…) mang lại tổng nguồn thu hơn 2.200 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, Luật Lâm nghiệp mới xác định lâm nghiệp là một ngành kinh tế kỹ thuật, từ đó có quy định về chuỗi kinh tế lâm nghiệp, giúp việc phát triển kinh tế lâm nghiệp tại Lào Cai trở thành hàng hóa và thế mạnh trong phát triển kinh tế rừng, dịch vụ môi trường rừng… Luật quy định rõ về việc quản lý tốt cho rừng tự nhiên, việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng rừng được thực hiện đúng theo quy trình, tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh những kết quả, việc triển khai Luật Lâm nghiệp mới cũng không tránh khỏi những vướng mắc, hạn chế. Báo cáo thi hành Luật Lâm nghiệp tại tỉnh Lào Cai gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra những hạn chế, đồng thời có một số đề xuất, sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, như: Quy định cụ thể trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng; đối tượng được giao rừng, thuê rừng, loại rừng giao, cho thuê thống nhất với quy định của Luật Đất đai (sửa đổi); phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng cho địa phương, để chủ động trong triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Đề nghị bổ sung các quy định cụ thể về việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án điều tra rừng theo chuyên đề ở địa phương; quy định về việc bồi thường rừng, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi rừng trong các trường hợp theo quy định của luật; quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh các phân khu trong rừng đặc dụng; quy định cụ thể đối với các trường hợp được chuyển loại rừng; bổ sung quy định về định mức điều tra, kiểm kê rừng, định mức giao rừng, cho thuê rừng.
Bổ sung và làm rõ khái niệm về kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng; quy định cụ thể công trình nào thuộc hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng; quy định cụ thể việc thực hiện kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; không phải thực hiện quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế…