Đầu năm 2024, phép màu đã đến với Yến khi em được Tỉnh đoàn, Huyện đoàn Bắc Hà kết nối với ứng dụng “IVIE - bác sĩ ơi” phẫu thuật miễn phí loại bỏ dị tật, đến nay tình trạng sức khỏe của Yến đã ổn định.
Nhà của Thào Thị Yến ở thôn Phìn Giàng, cách trung tâm xã khoảng 9 km, trong đó có 2 km đường mòn lên núi, trời mưa phải đi bộ. Căn nhà nhỏ cao nhất thôn là nơi Yến, bà nội, anh và chị ruột của Yến cùng 6 thành viên gia đình chú thím sinh sống. Trong căn nhà rộng chưa đầy 50 m2 ấy không có vật dụng gì giá trị, thứ giá trị nhất có lẽ là chiếc quạt có cánh màu cam, chỉ khi nào trời thật nóng mới được bật. Căn nhà trống hoác có 2 chiếc phản dài ghép lại thành chỗ ngủ của 10 thành viên. Vách nhà được đan bằng thân cây nứa đã mọt khiến những tia nắng lọt, chiếu rọi khắp nền nhà.
Trước đây, khi bố mẹ Yến còn sống thường sang Trung Quốc làm thuê, mang theo bà nội và chị em Yến lang thang nơi xứ người. Khi bố mẹ mất, Yến chưa đầy 1 tuổi và cũng chưa được làm giấy khai sinh. Sau đó, anh em Yến cùng bà nội chuyển về ở với chú thím. Sau thời gian nỗ lực, chú thím cũng làm được giấy khai sinh để sau này Yến được đến trường.
Gia đình chú thím thuộc diện hộ nghèo, đông con, giờ lại nuôi thêm 3 đứa cháu nên càng vất vả. Ngoài thời gian học bán trú ở trường, Yến cùng anh chị của mình giúp đỡ chú thím làm việc nhà. Yến nhỏ, sức khỏe không tốt nên được ưu tiên ngày nghỉ không phải đến trường thì ở nhà chăn trâu. Với công việc của mình, Yến luôn tự giác, không bao giờ để chú thím phải phiền lòng, 3 con trâu được chăn thả ở những bãi cỏ non nhất nên bụng lúc nào cũng căng tròn.
Hai vợ chồng trẻ nuôi 4 đứa con, 3 đứa cháu, lại thêm một mẹ già nên chú thím của Thào Thị Yến làm việc quần quật trên nương cả ngày, tối mịt mới về. Mỗi năm, gia đình chú thím thu hoạch 50 bao thóc, trồng 20 kg giống ngô, 3 ha sắn, ngoài ra còn trồng quế, trồng rừng như vậy mới đủ nuôi 7 đứa trẻ, mỗi năm tằn tiện sắm cho mỗi đứa 2 bộ quần áo mới.
Chị Ly Thị Hoa, thím của Thào Thị Yến tâm sự: Thấy gia đình tôi nghèo mà nhận nuôi cả 3 đứa cháu, người trong thôn bảo sao không để mỗi nhà nuôi một cháu (nhà bố mẹ Yến đông anh em) nhưng nhà nào cũng nghèo như vậy. Vợ chồng tôi nhận nuôi hết để anh em chúng được sống gần nhau, đói no co kéo rồi cũng qua.
Thào Thị Yến không chỉ thiệt thòi vì không được lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ mà em còn bị dị tật bẩm sinh với hội chứng dải da cổ hai bên. Cổ em không cử động bình thường được, gây khó khăn trong sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày. Chú thím Yến nhiều lần đưa cháu về bệnh viện tỉnh thăm khám tìm cách điều trị nhưng bác sỹ bảo muốn khỏi chỉ có cách phẫu thuật, mà phẫu thuật thì mất rất nhiều tiền. Với kinh tế của gia đình, chú thím đành nhìn cháu lớn lên với dải da ở cổ ngày càng phát triển.
Thế rồi may mắn cũng đến với Thào Thị Yến qua sự kết nối giữa Tỉnh đoàn, Huyện đoàn Bắc Hà với “IVIE - bác sĩ ơi” (ứng dụng chăm sóc sức khỏe chủ động) cùng với cơ sở y tế tuyến đầu tài trợ hoàn toàn kinh phí phẫu thuật dị tật bẩm sinh cho Yến.
Lúc đầu, khi đoàn khảo sát đến nhà, bà nội của Yến vẫn còn băn khoăn, chưa đồng ý cho Yến phẫu thuật vì theo quan niệm của bà, dải da ở cổ xuất hiện từ khi Yến sinh ra nên mang ý nghĩa tâm linh và không nên động dao kéo. Sau này nhờ đại diện nhà trường là thầy hiệu trưởng Vũ Văn Phiến, Trưởng thôn Giàng Seo Hảy, Phó Bí thư Huyện đoàn Bắc Hà Cư Thị Ngọc Linh nhiều lần đến tận nơi trực tiếp động viên gia đình thì bà nội của Yến cũng đồng ý.
Cuối tháng 3/2024, lần đầu tiên cô bé vùng cao Phìn Giàng Thào Thị Yến được đặt chân xuống Thủ đô Hà Nội nhưng không phải được bố mẹ cho đi tham quan các địa điểm nổi tiếng mà là cùng chú ruột nhập viện chuẩn bị cho ca phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức. Sau khi xét nghiệm các chỉ số đảm bảo, ngày 27/3/2024, Thào Thị Yến được các bác sỹ chuyên khoa đầu ngành của Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật thành công cắt bỏ hoàn toàn dải da dị tật ở cổ. 2 tuần điều trị sau phẫu thuật, Thào Thị Yến bình phục trở về nhà. Được nhà trường tạo điều kiện, các cô dành thời gian bổ trợ kiến thức ngoài giờ nên Yến nhanh chóng theo kịp các bạn.
Giờ đây, vết mổ của Thào Thị Yến chỉ như vết xước trên da, mọi hoạt động của Yến trở lại bình thường. Yến có thể chơi một số môn thể thao mà trước đó em không bao giờ nghĩ mình làm được. Sau phẫu thuật, cảm xúc của Thào Thị Yến rất hạnh phúc: Em cảm ơn các nhà hảo tâm, đơn vị tài trợ, đơn vị kết nối, nhà trường, thầy cô đã tạo điều kiện cho em được phẫu thuật. Em sẽ cố gắng học tốt để sau này có điều kiện giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như em.
Nhìn cô cháu gái trở về nhà khỏe mạnh, bà nội, chú thím và các thành viên trong gia đình ai cũng mừng vui. Bà nội vén mái tóc dài của cháu, bàn tay nhăn nheo sờ nhẹ vào vết sẹo hai bên cổ Yến, bất giác bà đã khóc - những giọt nước mắt hạnh phúc. Chị Ly Thị Hoa - thím của em Thào Thị Yến - tâm sự: Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vợ chồng tôi luôn động viên cháu Yến cố gắng học tập, sau này cuộc sống đỡ vất vả còn có điều kiện giúp đỡ gia đình, xây dựng quê hương. Gia đình tôi cảm ơn tấm lòng của các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm - những người xa lạ chưa bao giờ gặp mặt nhưng sẵn sàng trao cơ hội được phẫu thuật cho cháu Yến. Trong mơ gia đình cũng không nghĩ một ngày Yến được trở lại bình thường như bao đứa trẻ khác.
Trở về căn nhà nhỏ trên đỉnh Phìn Giàng, những ngày đi học bán trú của Yến cùng các bạn đầy ắp tiếng cười. Thầy cô, các bạn hỏi thăm sức khỏe, ai cũng mừng cho Yến. Thào Thị Yến cũng được các đơn vị quan tâm tặng học bổng và nhiều phần quà ý nghĩa. Cuộc sống của cô bé Thào Thị Yến giờ đây bước sang một trang mới, hạnh phúc và tươi sáng hơn.
Chị Cư Thị Ngọc Linh, Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Bắc Hà cho biết: Được sự quan tâm, tạo điều kiện kết nối từ Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh, thời gian qua, huyện Bắc Hà nhận được nhiều sự quan tâm, sẻ chia của các đơn vị dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ yếu thế. Chúng tôi cùng các đơn vị trực tiếp kết nối, khảo sát để những tấm lòng vàng đến tận tay hoàn cảnh cần được giúp đỡ. Chúng tôi mong những em kém may mắn bị dị tật bẩm sinh sẽ gặp được phép màu như em Thào Thị Yến.