Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã quan tâm chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó thiên tai, nhất là công tác xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai; rà soát, phát hiện những vị trí có nguy cơ cao về thiên tai, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; chủ động sơ tán, di chuyển dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn khi có dự báo mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất...
Trước khi bão số 3 (Yagi) di chuyển vào đất liền nước ta, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác phòng ngừa thiên tai. Xác định bão số 3 rất mạnh, với địa hình đồi núi cao, chia cắt mạnh, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, nâng cấp kịp thời, khả năng chống chịu trước thiên tai kém, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nên tỉnh đã chủ động cập nhật diễn biến thời tiết, rà soát, điều chỉnh phương án phòng, chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế.
Theo đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, ưu tiên di chuyển, sơ tán người, tài sản đang trong khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn. Tăng cường kiểm tra, đánh giá, rà soát, quản lý việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước, khu hầm lò, khai thác mỏ, khu dân cư, khu vực ven sông, suối. Kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập trọng điểm, xung yếu, những vị trí có cung trượt; chủ động thực hiện các phương án, kịch bản, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả thiên tai. Chuẩn bị tốt các điều kiện phòng ngừa, ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiệt hại thấp nhất có thể.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị cao nhất trong ứng phó thiên tai nhưng do Lào Cai trong vùng “báo động đỏ” về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất do hoàn lưu của bão số 3 nên vẫn chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tính chung 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 26 đợt thiên tai, giá trị thiệt hại ước tính trên 7.000 tỷ đồng, gấp 6,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tỉnh đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc và huy động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh để khắc phục hậu quả thiên tai, với khoảng trên 25.000 lượt người tham gia. Tỉnh và các địa phương đã thành lập các sở chỉ huy tiền phương tại khu vực bị ảnh hưởng lớn; lực lượng tìm kiếm đã sử dụng chó nghiệp vụ, máy xúc và các thiết bị khác để hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân với tinh thần khẩn trương nhất. Kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị nạn, hộ bị mất nhà, hộ nghèo, khó khăn. Chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả đợt thiên tai vừa qua, sớm ổn định đời sống Nhân dân, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai.
Bên cạnh một số nơi thiên tai có diễn biến quá bất thường, ngoài mọi dự báo, ứng phó của cơ quan chức năng và người dân, như thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, Bảo Yên), thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, Bắc Hà), thôn Hòa Sử Pán 1 (xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa) thì phần lớn địa phương đã ứng phó kịp thời, xử lý đúng kịch bản, góp phần giảm nhẹ thiệt hại đến mức tối đa.
Câu chuyện di chuyển 17 hộ dân, với 115 nhân khẩu đến nơi an toàn tại thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu (Bắc Hà) là minh chứng cho sự chủ động của chính quyền và cộng đồng trong thích ứng với thiên tai. Được biết, ngay khi hoàn lưu bão gây mưa trên địa bàn, trưởng thôn Kho Vàng đã tập hợp người dân ứng trực, tuần tra quanh thôn. Khi phát hiện vết nứt lớn sau thôn có nguy cơ sạt lở đất, anh đã quyết đoán và kịp thời đưa toàn bộ người dân trong thôn đi lánh nạn.
Hay như tại xã Mường Hum (Bát Xát), bảo đảm an toàn tính mạng Nhân dân, ngày 8/9 chính quyền và lực lượng chức năng xã đã khẩn cấp di chuyển 142 giáo viên và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS và THPT Bát Xát ra khỏi dãy nhà bán trú (trong diện nguy hiểm có nguy cơ sạt lở từ đồi phía sau). Rạng sáng 9/9, quả đồi phía sau trường đã sạt xuống, gây đổ sập hoàn toàn dãy nhà bán trú; giáo viên và học sinh tại đây đã bảo toàn được tính mạng nhờ di chuyển kịp thời.
Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều sự chủ động của cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cộng đồng dân cư và Nhân dân trong ứng phó với thiên tai. Những bài học được rút ra trong đợt thiên tai vừa qua cho thấy, công tác dự báo, cảnh báo từ sớm, từ xa, cùng với việc ứng phó kịp thời, linh hoạt, quyết đoán trong xử lý tình huống đã giúp hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người.
Xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai là một trong những nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch số 288-KH/TU ngày 18/9/2024 của Tỉnh ủy Lào Cai về thực hiện Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Với chủ trương xuyên suốt “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”; “từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi”, Tỉnh ủy Lào Cai đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Trước hết là tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chấp hành chính sách pháp luật về quản lý tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, tiếp tục kiện toàn, củng cố bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp tục xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Tăng cường quản lý tài chính, tích cực tìm kiếm nguồn lực cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.