“Để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh thông tin, nhà báo nữ cần có sự năng động, linh hoạt, nhạy bén và cả sức khỏe, sự dẻo dai mới có thể hoàn thành tốt công việc luôn đầy áp lực này”, nhà báo Trương Thị Kim Thoa chia sẻ như vậy khi được hỏi về sự dấn thân với nghề.
10 năm gắn bó với công việc này, Kim Thoa hiểu rằng, phụ nữ làm báo có nhiều khó khăn hơn so với nam giới về khả năng cơ động trong khi tác nghiệp, sức khỏe và cả sự mạnh bạo lúc đối đầu với những tình huống hiểm nguy.
Ở Báo Lào Cai, nhà báo Lê Thanh Cường và nhà báo Phạm Thị Mai Hương đều đã có trên 20 năm làm báo. Các chị cho rằng, không chỉ nhà báo nữ, mà những ai yêu, quan tâm tới nghề này đều hiểu những khó khăn mà các nữ nhà báo phải trải qua. “Công việc và giờ giấc của một nữ phóng viên khiến những người thân yêu của tôi phải chịu nhiều thiệt thòi. Đơn giản như việc đưa, đón con đi học hằng ngày hoặc vào những ngày nghỉ lễ, tết là điều xa xỉ. Hiếm khi tôi dự được lễ khai giảng hay tổng kết năm học của con. Tôi thường xuyên nhận được câu hỏi của cô bác và chị em rằng: Đi nhiều thế còn thời gian đâu chăm lo cho gia đình? Không ít người tỏ vẻ ái ngại khi phụ nữ làm nghề báo”, nhà báo Thanh Cường chia sẻ.
Vẫn biết nghề báo vất vả, đi nhiều, gần như không giờ giấc sẽ là áp lực lớn nhất đối với phụ nữ, nhưng khi đã chọn nghề và nghề chọn mình thì vững tin vào bản thân để đi tiếp hành trình. Trong hành trình đó, các nữ nhà báo không đơn độc, bên cạnh họ là gia đình, là bạn bè, đồng nghiệp, là những người hỗ trợ, sẻ chia.
Làm nghề hay đi, lại là phóng viên ở một tỉnh miền núi nên có nhiều địa bàn xa xôi, trắc trở, có nơi nào gian khó mà bước chân các nhà báo nữ của Báo Lào Cai chưa từng trải qua? Ngay cả khi những nơi ấy đang phải chịu sự khắc nghiệt của thời tiết như lũ ống, lũ quét, mưa tuyết, cháy rừng, những bước chân ấy không ngại lên đường “lao” vào vùng hiểm nguy để kịp ghi lại những thông tin nóng hổi và chính xác nhất. Hoặc trong điều kiện dịch bệnh hoành hành, nhiều người “đóng cửa” cách ly thì những nữ nhà báo của Báo Lào Cai vẫn sẵn sàng trở thành “chiến sĩ” nơi tuyến đầu để thông tin đến bạn đọc các hoạt động phòng, chống dịch ở địa phương. Họ hăng hái cùng đồng nghiệp thâm nhập cơ sở, có mặt ở nhiều điểm nóng, tác nghiệp, đưa tin về dịch bệnh, giúp dòng tin tức về địa phương được “chảy mãi”, đồng thời kịp thời động viên, khích lệ các lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Nghề báo là nghề lắm gian nan, vất vả. Riêng đối với các nhà báo nữ, họ còn khó khăn, vất vả hơn nhiều để vừa có thể sống được với đam mê nghề nghiệp, vừa làm tròn vai trò người phụ nữ trong gia đình. Mặc dù vậy, khi đã chọn nghề, đã quyết tâm theo đuổi, thì những nữ nhà báo của Báo Lào Cai luôn tâm niệm phải chắc tay bút, thực hiện xuất sắc sứ mệnh “thư ký của thời đại”.