Tham dự lễ hội có các đồng chí lãnh đạo huyện Văn Bàn, xã Dương Quỳ; đại diện các xã kết nghĩa với Dương Quỳ, đông đảo người dân và du khách thập phương.
Đây là một trong những hoạt động quan trọng được địa phương tổ chức thường niên hướng tới sản phẩm văn hóa du lịch cộng đồng. Sự kiện năm nay còn gắn với phiên chợ văn hóa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.
Dương Quỳ còn có tên gọi khác là Mường Chăn (tức Mường đẹp). Theo phong tục của đồng bào địa phương, cứ vào tháng 9 âm lịch hằng năm, khi bước vào vụ thu hoạch lúa chín, đồng bào dân tộc bày tỏ lòng biết ơn hạt thóc của trời đất ban cho, đồng thời dâng cúng tổ tiên những mâm lễ làm từ cốm, cầu cho mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc, đầy đủ.
Mùa cốm cũng là dịp để người dân trong bản, trong vùng gặp gỡ giao lưu văn hóa, ẩm thực thể hiện tinh thần đoàn kết của 5 dân tộc anh em: Tày, Thái, Kinh, Dao và Xá Phó trên địa bàn. Mỗi dân tộc có một sắc màu văn hóa riêng biệt tạo nên bản sắc dân tộc lung linh đa màu sắc.
Đến với Lễ hội cốm Dương Quỳ năm nay, Nhân dân và du khách thập phương sẽ được thưởng thức không gian văn hóa rực rỡ sắc màu của ngày hội với các khối diễu hành đường phố đại diện cho 5 dân tộc và khối công - nông; tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu quảng bá về đất và người Văn Bàn, phiên chợ văn hóa với các sản phẩm nông nghiệp phong phú của các vùng miền... Đan xen trong suốt chương trình là các hội thi, giao lưu văn nghệ, thể dục - thể thao. Đặc biệt, du khách sẽ được trải nghiệm giã cốm và các sản phẩm từ cốm, trải nghiệm không gian văn hóa nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày.
Tại đêm khai mạc, du khách đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc do các ca sỹ, diễn viên đến từ Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh và các diễn viên không chuyên của xã Dương Quỳ biểu diễn. Bức tranh văn hóa - đời sống đa sắc màu của đồng bào các dân tộc được tái hiện rõ nét qua từng tiết mục dàn dựng công phu, hấp dẫn, để lại nhiều cảm xúc cho khán giả.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sẽ diễn ra hết ngày 13/10.