Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ

Cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ

Trong suốt dặm dài lịch sử, mỗi vùng đất, mỗi thế hệ sẽ đều có những bước đi, những lựa chọn mang tính cốt tử nhằm thích ứng với điều kiện, bối cảnh cụ thể, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc và mục tiêu phát triển của riêng mình.

0:00 / 0:00
0:00

Lào Cai và Yên Bái cũng vậy, đó là 2 vùng đất không chỉ liền kề về địa lý, mà đã gắn bó cùng nhau như một sự lựa chọn tất yếu của lịch sử.

111.jpg
1.png

Chúng ta đã từng cùng nhau chung một mái nhà Hoàng Liên Sơn, dù chỉ 16 năm ngắn ngủi, nhưng là khúc tráng ca trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trong khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh. Ngày ấy, có biết bao gia đình ở Yên Bái đã rộng mở vòng tay đón thêm thành viên mới, là phụ nữ, người già, trẻ nhỏ lui về hậu cứ, bát cơm chia nửa, để những người ở lại Lào Cai yên tâm chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất non sông.

yen-bai-va-lao-cai-la-vung-dat-lien-ke-ve-dia-ly.png

Bối cảnh lịch sử đã tạo ra một Hoàng Liên Sơn trung dũng, kiên cường, cũng chính bối cảnh lịch sử đã đưa đến quyết định của Quốc hội khóa 8 về việc chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái vào ngày 12 tháng 8 năm 1991.

Cuộc chia tay lịch sử ấy có cả nước mắt lẫn nụ cười, bởi ân tình sâu nặng: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”. 34 năm trôi qua, Lào Cai, Yên Bái đều đã tạo dựng được cho riêng mình một vị thế xứng đáng, một tương lai tươi đẹp ở khu vực Tây Bắc của Tổ Quốc. Và trong suốt cuộc hành trình, dù lúc sáp nhập hay khi chia tách, thì vùng đất và con người 2 tỉnh vẫn luôn yêu thương, trọng nghĩa, vẹn tình, cùng nhau bước qua mọi khó khăn, thử thách, để nuôi dưỡng, kiến tạo và chạm tay đến ước mơ.

Ngày chia tách, Lào Cai, Yên Bái là 2 trong số 6 tỉnh nghèo nhất của cả nước. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội hầu như không có gì, an ninh lương thực không đảm bảo, mọi thước đo phát triển đều thấp kém. Hơn 30 năm là quãng thời gian không dài trong lịch sử, nhưng là một cuộc vật lộn đúng nghĩa của cả hệ thống chính trị và Nhân dân 2 tỉnh để thoát khỏi nỗi ám ảnh đói nghèo và lạc hậu. Yên Bái hôm nay đang vững vàng hướng đến mục tiêu phát triển “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, còn Lào Cai được Trung ương xác định là một cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam của Trung Quốc.

Thực trạng phát triển của Lào Cai, Yên Bái đã góp thêm những mảng màu tươi sáng vào bức tranh đất nước, với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao. Tuy nhiên, Đảng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng: những khó khăn, thách thức, nguy cơ tụt hậu về kinh tế vẫn đang hiện hữu, một lần nữa đặt đất nước trước ngưỡng cửa của sự lựa chọn. Và dân tộc Việt Nam, với tất cả sự tự tôn, niềm tin và kiêu hãnh đã lựa chọn một cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, bỏ cấp huyện, với tinh thần “phải nhẹ đi thì mới có thể bay cao”. Trong cuộc cách mạng ấy, 2 tỉnh Lào Cai, Yên Bái được dự kiến sẽ sáp nhập thành một tỉnh mới, nhằm tạo ra những thay đổi đột phá về không gian, động lực và cơ hội phát triển.

bbb.jpg

Theo cách rất tự nhiên, cuộc gặp gỡ, làm việc đầu tiên có tính lịch sử giữa lãnh đạo 2 tỉnh để bàn về sáp nhập đã trở thành điểm hẹn của tư duy và ý tưởng kiến tạo tương lai. Phép cộng giữa 2 thực thể sáp nhập, giữa những tiềm năng, lợi thế của mỗi bên sẽ không cho kết quả như thuật toán, mà được kỳ vọng mang đến thành công theo cấp số nhân.

Vào lúc 23 giờ ngày 10 tháng 4, tức là chỉ một ngày sau cuộc làm việc giữa lãnh đạo 2 tỉnh, cũng là lần đầu tiên kế hoạch sáp nhập được công khai, gõ từ khóa “Lào Cai - Yên Bái sáp nhập” trên công cụ tìm kiếm thông dụng nhất là Google, trong vòng 0,17 giây, công cụ này cung cấp trên 2,6 triệu kết quả, điều đó cho thấy mức độ quan tâm đặc biệt của báo chí và truyền thông xã hội đối với câu chuyện sáp nhập của Lào Cai, Yên Bái. Cụm từ “cỗ xe tam mã” cũng xuất hiện rất nhiều trên mặt báo, là phép ẩn dụ khi nói về động lực, tương lai phát triển của 2 tỉnh sau hợp nhất.

yen-bai-va-lao-cai-la-vung-dat-lien-ke-ve-dia-lyzip-10.jpg

Nếu là phép cộng thuần túy thì sau khi sáp nhập, tỉnh mới sẽ có diện tích rộng 13.257 km2, dân số 1.656.500 người, quy mô kinh tế ước đạt gần 130.000 tỷ đồng. Hai tỉnh với nhiều nét tương đồng, nhưng cũng không thiếu những lợi thế so sánh sẽ là sự bổ trợ hoàn hảo cho nhau trong phát triển. Lào Cai có điều kiện thuận lợi và đang phát triển rất mạnh về thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế cửa khẩu và công nghiệp, trong khi Yên Bái có tiềm năng và đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nông - lâm sản và năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Nhưng đó mới chỉ là những con số, những mảng miếng của lắp ghép cơ học, chưa thể hiện được hết những tiềm năng và dư địa phát triển vô cùng to lớn của Lào Cai, Yên Bái khi về chung một mái nhà.

11.png

Tỉnh mới nằm ở Trung tâm của khu vực Tây Bắc và Đông Bắc, có vị trí chiến lược cả trong kết nối dọc và kết nối ngang của vùng, liên vùng và liên kết quốc tế. Đây là điều kiện đặc biệt thuận lợi để phát triển thương mại, dịch vụ logistics và kinh tế cửa khẩu.

yen-bai-va-lao-cai-la-vung-dat-lien-ke-ve-dia-lyzip-12.jpg

Tỉnh được bao bọc bởi dãy Hoàng Liên Sơn kỳ vĩ, là lá phổi xanh khổng lồ của khu vực và cả nước. Có 2 dòng sông lớn là sông Hồng và sông Chảy, cung cấp phù sa và nguồn nước dồi dào cho phát triển nông nghiệp, năng lượng điện và giao thông thủy.

Yếu tố địa hình cùng với quá trình kiến tạo địa chất cũng hình thành tại đây hàng trăm điểm mỏ khoáng sản có giá trị công nghiệp, đặc biệt là vàng, sắt, đồng, apatit, đá quý và đất hiếm.

Lào Cai, Yên Bái cũng là những địa phương rất giàu có về văn hóa tộc người, đang sở hữu hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, độc đáo bậc nhất ở khu vực Tây Bắc và cả nước. Yếu tố này kết hợp với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ sẽ là nguồn tài nguyên tuyệt vời cho phát triển kinh tế du lịch.

13.png

Chiến lược, ý tưởng, quy hoạch, kế hoạch phát triển hiện nay của 2 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái cũng có khá nhiều điểm tương đồng, như là 2 nửa đã sẵn sàng khớp lại với nhau để hình thành nên một không gian phát triển mới, rộng lớn và sống động, với 1 trục và 2 cánh hình thành rõ nét.

yen-bai-va-lao-cai-la-vung-dat-lien-ke-ve-dia-lyzip-14-3386.jpg

Cả 2 tỉnh Lào Cai - Yên Bái đều xác định lấy sông Hồng làm trung tâm để tạo sức lan tỏa, vì vậy, đây sẽ là trục động lực phát triển chính của tỉnh mới. Điểm đầu của trục động lực là huyện Bát Xát và thành phố Lào Cai, nơi có khu kinh tế cửa khẩu rộng gần 16 nghìn héc ta - 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của cả nước. Điểm cuối là vùng trung tâm tỉnh Yên Bái, gồm thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên, Văn Yên.

Ngoài 2 đô thị lớn ở 2 đầu Nam - Bắc thì dọc theo sông Hồng đã hình thành một chuỗi các đô thị vệ tinh, khu kinh tế và các khu - cụm công nghiệp. Hệ thống giao thông kết nối của tỉnh mới cũng gần như trùng khớp với trục động lực sông Hồng, sẽ trở nên hoàn hảo và hiện đại sau 5 năm nữa, bao gồm 4 loại hình là đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường thủy và đường hàng không.

yen-bai-va-lao-cai-la-vung-dat-lien-ke-ve-dia-lyzip-15-19.jpg

Nếu quy hoạch trục động lực sông Hồng được đầu tư phù hợp, khai thác hiệu quả các ngành kinh tế tổng hợp, logistics, thương mại, du lịch, xuất - nhập khẩu và công nghiệp thì dự kiến đến năm 2030 có thể mang lại giá trị kinh tế chiếm khoảng 70% GRDP của tỉnh, nắm giữ vai trò đầu kéo, lan tỏa phát triển tới toàn tỉnh và là trung tâm kết nối của hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Cùng với trục động lực sông Hồng nằm ở gần như chính giữa theo trục Bắc - Nam thì ở phía Đông và phía Tây của tỉnh sẽ hình thành 2 cánh cung bổ trợ phát triển, dựa trên những tiềm năng và thế mạnh riêng biệt.

Nhìn một cách tổng thể, khu vực phía Đông có địa hình thấp hơn, đất đai màu mỡ, phì nhiêu, rất thuận lợi cho phát triển nông - lâm nghiệp. Khu vực này là địa bàn cư trú xen kẽ giữa người dân địa phương và đồng bào các tỉnh miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Vì vậy, bà con có trình độ canh tác ở mức cao và tương đối đồng đều. Tại các huyện như Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên hiện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, nổi bật là dược liệu, cây ăn quả, chè, quế và dâu tằm. Sau sáp nhập, cánh cung phía Đông của tỉnh sẽ là vùng dâu tằm lớn nhất ở khu vực miền Bắc và là vùng quế lớn nhất trong cả nước.

yen-bai-va-lao-cai-la-vung-dat-lien-ke-ve-dia-lyzip-16.jpg

Khu vực phía Tây chạy dọc theo sườn dãy núi Hoàng Liên - nơi tập trung các điểm mỏ khoáng sản. Ngoài ra, khu vực này có khí hậu độc đáo, phân theo tiểu vùng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và còn lưu giữ các yếu tố văn hóa tộc người, vì vậy cần được định hướng khai thác, phát triển phù hợp và bền vững, đặc biệt là về kinh tế du lịch. Với những địa danh đã rất nổi tiếng như Sa Pa, Y Tý, Mường Lò, Suối Giàng, Mù Cang Chải…, nếu được đầu tư đúng mức, cánh cung phía Tây của tỉnh, kết nối thêm với các khu, điểm du lịch ở phía Đông như khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, khu du lịch tâm linh ở Bảo Yên, hay cao nguyên trắng Bắc Hà, thì sẽ tạo ra một hành trình đặc biệt hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

yen-bai-va-lao-cai-la-vung-dat-lien-ke-ve-dia-lyzip-8.jpg

Bên cạnh giá trị kinh tế, việc phát triển 2 cánh cung Đông - Tây theo hướng xanh, hài hòa và hạnh phúc còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an sinh xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đây là những địa bàn trọng yếu, nhưng mức độ phát triển còn có khoảng cách khá xa so với các khu vực trung tâm, vì vậy cần được tập trung đầu tư về hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục và các thiết chế văn hóa, xã hội để hướng tới sự cân đối, hài hòa giữa các khu vực, vùng miền dọc theo 2 cánh cung rộng lớn, trải dài từ cửa ngõ Tây Bắc đến biên giới quốc gia.

Nhìn về tương lai, có thể khẳng định chủ trương sáp nhập 2 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, hợp nhất những tiềm năng thế mạnh và giá trị tốt đẹp của 2 vùng đất sẽ tạo ra nguồn năng lượng vô hạn để hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng vươn mình.

yen-bai-va-lao-cai-la-vung-dat-lien-ke-ve-dia-lyzip-6-7002.jpg
222.jpg

Đối với mỗi người, quê hương, hay nơi mình đang công tác và gắn bó thì chỉ một. Nơi đó dù giàu hay nghèo, thuận lợi hay còn nhiều khó khăn thì cũng vẫn trọn vẹn một tình yêu sâu nặng. Trong quá trình sáp nhập tỉnh, việc đặt tên cho tỉnh mới hay quyết định lựa chọn vị trí trung tâm hành chính có thể sẽ mang đến những bâng khuâng, nuối tiếc cho hàng ngàn, hàng vạn con người, nhất là với những ai đã từng được sống và cống hiến cho quê hương mình trong những ngày gian khó nhất, từ khi khổ tận đến ngày cam lai.

Những cảm xúc ấy rất con người, cần được nhìn nhận theo cách nhân văn nhất, để tuyên truyền, giải thích, rằng mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị hay cả một địa phương đều phải sẵn sàng đón nhận những thiệt - hơn, dù là vật chất hay cảm xúc, để vun đắp cho lợi ích chung, cho tương lai phát triển của quê hương, đất nước mình.

aa.png

Ước mơ không phải là những gì sẵn có, nhưng lại là điều mà con người hoàn toàn có thể hướng đến và nỗ lực tạo ra. Với tình cảm nặng sâu như nước Hồng Hà, với ý chí quyết tâm cao như núi Hoàng Liên, Đảng bộ và Nhân dân 2 tỉnh Lào Cai - Yên Bái sẽ về chung một mái nhà, cùng nhau bước đi, cùng nhau kiến tạo, để chạm tay đến ước mơ về một quê hương mới phát triển mạnh giàu, phồn vinh và hạnh phúc!

* Bài viết sử dụng một số ảnh của nhà báo Ngọc Bằng; Báo Yên Bái và ảnh tư liệu tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai.

Trình bày: Hoàng Thu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ các hộ dân khắc phục hậu quả sạt lở đất tại xã Xuân Ái

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ các hộ dân khắc phục hậu quả sạt lở đất tại xã Xuân Ái

Sáng 14/7, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của Ban Chỉ huy phòng thủ Khu vực V- Mậu A và Đại đội Công binh phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương xã Xuân Ái hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả do sạt lở đất gây ra.

Triển khai tốt mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy nhanh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long

Triển khai tốt mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy nhanh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 13/7, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm và Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bảo đảm hiệu quả vận hành bộ máy ủy ban kiểm tra các cấp sau hợp nhất, sáp nhập

Bảo đảm hiệu quả vận hành bộ máy ủy ban kiểm tra các cấp sau hợp nhất, sáp nhập

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo theo thẩm quyền, rà soát việc phân công, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động hiệu quả, thông suốt, không chậm trễ, không bỏ sót việc.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, tặng quà các gia đình chính sách và kiểm tra hoạt động tại các xã, phường

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, tặng quà các gia đình chính sách và kiểm tra hoạt động tại các xã, phường

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), chiều 12/7, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng tại phường Nghĩa Lộ và kiểm tra tình hình hoạt động sau sáp nhập tại các xã, phường trên địa bàn.

“Vượt nắng, thắng mưa” thực hiện nhiệm vụ A80

“Vượt nắng, thắng mưa” thực hiện nhiệm vụ A80

Với tinh thần “Vượt nắng, thắng mưa”, khẩn trương, nghiêm túc, cùng với hàng nghìn quân nhân trong cả nước, 13 quân nhân thuộc Bộ CHQS tỉnh Lào Cai đang quyết tâm phấn đấu, vượt mọi khó khăn tham gia tập luyện diễu binh, chuẩn bị cho Lễ Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2025) (gọi tắt là nhiệm vụ A80).

Tinh thần đoàn kết, tạo động lực để bộ máy hoạt động thật sự hiệu quả

Tinh thần đoàn kết, tạo động lực để bộ máy hoạt động thật sự hiệu quả

Cuộc cải cách tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị lần này có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử lớn lao, được kỳ vọng khơi thông những điểm nghẽn trong quá trình phát triển, khơi dậy tiềm năng các vùng, miền và tạo động lực tăng trưởng mới cho đất nước với nhiều việc khó, khẩn trương, chưa có tiền lệ.

Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục xây dựng tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính 2 cấp bảo đảm thông suốt, hiệu quả

Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục xây dựng tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính 2 cấp bảo đảm thông suốt, hiệu quả

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú ký ban hành Kết luận số 177-KL/TW ngày 11/7/2025 về tiếp tục xây dựng tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính 2 cấp bảo đảm thông suốt, hiệu quả.

fb yt zl tw