Đời bố mình do nghèo quá, lại bị tục thách cưới cao nên mãi mới lấy được vợ. Đến đời mình, ông dặn, khi nào trưởng thành, lo được cái ăn, cái mặc cho gia đình thì hãy nghĩ đến chuyện lấy vợ. Thế rồi, cuộc sống vẫn cứ khó khăn, mình trở thành “gã ế” của bản…
Chuyện xưa “ế vợ” của hai cha con từng ám ảnh giờ lại thành chuyện vui mà ông Liềm khà khà cười mỗi lần nhớ lại. Cũng chính câu chuyện ấy đã giúp ông có cái nhìn rõ hơn về những hủ tục và khao khát cởi sợi dây đã quấn lấy người Dao ở thôn.
Sinh ra trong gia đình có 5 người con, trong đó có 3 con trai, 2 con gái, ông Liềm may mắn khi bản thân và một người em trai được đi học, biết đến mặt chữ. Ngày ấy, trong khi bạn bè cũng trang lứa đã lấy vợ ở cái tuổi 15, 16 thì chàng thanh niên Chảo Duần Liềm đang tích cực tham gia hoạt động xã hội ở thôn. Thấy ông nhanh nhẹn, biết ăn nói, nên được địa phương phân công làm phó thôn, thôn đội trưởng, bí thư chi đoàn.
Dù hăng hái là vậy nhưng nhiều người vẫn thương cảm và cũng có không ít lời xì xào về “gã ế” ở thôn khi tuổi đã đôi mươi vẫn chưa lấy được vợ. Năm 23 tuổi, ông mới lập gia đình, sau đó chuyển về xã Bản Xèo sinh sống cho tới nay.
Nghĩ về chuyện đã qua, ông Liềm trầm ngâm: “Sống ở bản, mình hiểu những hủ tục như tảo hôn, thách cưới, ma chay rình rang… đã cản bước vươn lên của đồng bào. Nếp sống ấy bào mòn đi những khát khao vươn lên mà thay vào đó là sự chấp nhận, cam chịu. Trong câu chuyện xót xa ấy, phụ nữ người Dao vất vả lắm! Mẹ và các em gái mình đều chưa một lần đi học, cả đời cứ cặm cụi với việc nhà, ruộng nương. Sau này mình lấy vợ, vợ cũng không biết chữ. Rồi những hủ tục như trọng nam khinh nữ, phải có con trai, phụ nữ không được giỏi hơn chồng… Nhiều lúc mình tự hỏi, đến bao giờ phụ nữ Dao mới được giải thoát bởi những hủ tục, gánh nặng vô hình?”. Lời giải cho câu hỏi ấy đã được ông cần mẫn đi tìm và thực hiện trong suốt mấy chục năm qua.
Hơn một tháng sau mưa lũ, tuyến đường lên vùng cao Bản Xèo vẫn còn ngổn ngang với vô số điểm sạt lở. Trận mưa từ đêm trước khiến nhiều người thấp thỏm khi thiên tai vừa qua chưa lâu, vậy nhưng khi nghe tin các ngành chức năng tổ chức hội nghị tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ông Chảo Duần Liềm chẳng ngần ngại mà thu xếp công việc để lên xã dự họp.
Với ông Liềm, dường như cuộc tập huấn, tuyên truyền nào liên quan đến vấn đề này ông vẫn luôn tích cực tham gia trong nhiều năm. Mỗi lần đến nghe, ông lại có thêm nhiều thông tin, kỹ năng, tiếp thu nhiều văn bản mới và đây cũng là dịp để ông kịp thời phản ánh về những vấn đề tiềm ẩn ở địa phương.
Ngược dòng thời gian về trước, sau khi chuyển về thôn Pồ Chồ, xã Bản Xèo sinh sống, năm 2009, ông Liềm được bà con tín nhiệm, suy tôn trở thành người có uy tín của thôn có 100% hộ đồng bào dân tộc Dao. Ngày ấy, đời sống ở nơi này lắm gian nan, đường đi lại còn gập ghềnh đất đá, cuộc sống của các hộ cả năm cứ quanh quẩn với lúa, ngô trồng trên núi cao. Vậy nhưng cản trở lớn nhất lại do những hủ tục tồn tại từ lâu trong cộng đồng, đó là tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Một vòng tròn luẩn quẩn khi những đứa trẻ mới chỉ 13, 14 tuổi đã làm vợ, làm chồng rồi làm cha, làm mẹ. Một phần cũng xuất phát bởi quan niệm xưa kia của người Dao rằng lấy vợ, chồng sớm cho con để gia đình có thêm người làm, ruộng nương có thêm người cấy hái.
Dù ở quê hương cũ hay nơi ở mới, ông Liềm vẫn giữ được sự nhiệt tình trong mọi phần việc và được bà con, địa phương tín nhiệm, tin yêu. Minh chứng là khi ở thôn Pồ Chồ, ông Liềm tiếp tục 3 năm làm bí thư chi đoàn thôn, 8 năm làm công an viên, là đại biểu HĐND xã 2 khóa và hơn 8 năm gắn bó với công tác mặt trận, cùng với đó là trọng trách người có uy tín trên vai. Sau này, khi thôn Pồ Chồ sáp nhập với thôn Thành Sơn, ông vẫn luôn phát huy tinh thần trách nhiệm của người đảng viên và làm tròn vai trò người có uy tín.
Để phụ nữ có cơ hội vươn lên, để thế hệ trẻ có cơ hội phát triển, ông tích cực vận động bà con, thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải tạo hủ tục, xây dựng nếp sống mới, về bình đẳng giới… Cách thức tuyên truyền của ông khi thì lồng ghép trong các buổi họp thôn, khi là những câu chuyện cùng bà con đi làm nương, khi là lời động viên trong những bữa cơm của thôn…
Nhà ông Liềm có 2 con trai, nhà tôi có 2 con gái. Trước đây, mỗi lần ở thôn có việc, trong mâm cơm cỗ, nhiều người nói ra nói vào với tôi về việc phải có con trai nối dõi tông đường, thế nhưng ông Liềm với sự từng trải lại động viên tôi, giờ giới trẻ khác mình ngày xưa, con nào cũng quý. Điều quan trọng là vợ chồng phải biết bảo ban nhau làm ăn, nuôi dạy con thành người. Nhờ đó, những suy nghĩ không rõ ràng của tôi được gỡ bỏ.
Ông Liềm còn có một vai trò khác, một cách thức khác để giúp đồng bào Dao không chỉ ở thôn, xã mà ở các địa phương khác, bởi ông còn là thầy cúng có tiếng trong vùng. Nhiều gia đình đến nhờ ông xem lá số cho con, sau khi hỏi năm sinh, biết đứa trẻ chưa đến tuổi lấy vợ, gả chồng, ông sẽ khéo léo nói rằng ở thời điểm đó, nếu lấy nhau đôi trẻ không hợp. Cách đây hơn chục năm, có gia đình đến nhờ ông làm chủ hôn cho một cặp đôi kết hôn cận huyết thống, ông Liềm khéo léo khuyên bảo và thông tin đến chính quyền để can thiệp. Gần đây nhất, khi có gia đình ở xã bên đến nhờ ông xem giúp, biết bé gái mới 13 tuổi, ông liền từ chối và khuyên gia đình chấp hành theo quy định của pháp luật.
Để bà con tin và làm theo, ông lấy gia đình mình làm gương khi các con ông đều lập gia đình khi đã trưởng thành, đủ tuổi quy định. Vợ chồng ông cũng được bà con yêu quý bởi lối sống giản dị, gần gũi, biết chia sẻ việc nhà cùng nhau, nỗ lực trong phát triển kinh tế.
Nhìn cuộc sống hôm nay của cộng đồng người Dao nói riêng, đồng bào các dân tộc ở thôn nói chung, ông Liềm mừng vui khi nhận thức của bà con đã có nhiều thay đổi. Những cuộc họp thôn khi xưa gần như chỉ đàn ông của thôn mới tham gia, giờ đây, chị em đi họp chiếm quá nửa và tích cực đóng góp ý kiến. Trong mọi phần việc của gia đình, thôn, xã đều có sự tham gia của chị em. Và những đứa trẻ - tương lai của thôn được quan tâm đến việc học hành.
Ông Liềm là người trách nhiệm, biết nói cái lý đi đôi với cái tình để đồng bào hiểu, nghe và làm theo. Nhiều năm liền gia đình ông Liềm đạt gia đình văn hóa. Về chuyện vui ở thôn thì trong suốt hàng chục năm qua, ở thôn không có trường hợp nào tảo hôn. Từ năm 2018 trở lại đây, ở thôn không có gia đình sinh con thứ 3. Sự vươn lên của cộng đồng người Dao nói riêng, bà con của thôn nói chung có sự góp sức không nhỏ của người có uy tín Chảo Duần Liềm.