Anh Đặng Văn Toàn, chị Bàn Thị Nhàn, thôn 1 Nhai Tẻn, xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên lập gia đình và ở riêng từ sớm. Cuộc sống biết bao tất bật, lo toan, nhưng chẳng mấy khi vợ chồng anh Toàn, chị Nhàn to tiếng. Khi chúng tôi đến thăm gia đình, chị Nhàn có việc đi vắng, anh Toàn ở nhà chăm sóc 2 con. Dường như đã quen với nhịp sinh hoạt và chăm sóc trẻ nên anh Toàn rất vui vẻ. Ở bên bố, con gái lớn 9 tuổi và cậu con trai út chưa đầy 2 tuổi hồn nhiên nô đùa.
Gắn bó với nghề nông ở bản người Dao Nhai Tẻn, vợ chồng anh hiểu những vất vả mưu sinh, quanh năm tất bật, lo lắng với vụ mùa. Những đứa trẻ ra đời, niềm vui lớn nhưng cũng là nỗi lo toan trong hành trình nuôi dạy con. Anh Toàn, chị Nhàn bàn với nhau, “đồng vợ, đồng chồng” thì việc khó thành dễ, những đứa trẻ được chăm sóc bởi thương yêu của bố mẹ sẽ được vui vẻ lớn khôn.
Từ quan điểm ấy, anh Toàn, chị Nhàn bảo ban nhau làm ăn và vun vén hạnh phúc. Lúc anh Toàn đi chăm rừng quế thì vợ ở nhà chăm con. Khi chị Nhàn có việc thì anh sẽ bố trí thời gian đưa đón con đi học, tắm gội, cơm nước. Thậm chí, từ ngày có con nhỏ, anh Toàn ít khi đi làm xa để giúp vợ gánh vác việc nhà.
Trước đây, cộng đồng người Dao ở thôn vẫn còn có định kiến về giới. Phần lớn đồng bào nơi đây vẫn quan niệm đàn ông làm việc lớn, phụ nữ lo việc nhà, chăm sóc chồng con. Nhưng giờ đây, nhiều đổi thay đã đến, đàn ông trước đây vốn chỉ lo việc lớn của gia đình, dòng họ giờ đã biết sẻ chia việc nhà cùng vợ, đắp xây hạnh phúc gia đình từ những điều nhỏ nhất.
Chị Lý Thị Như Loan, Trưởng thôn 1 Nhai Tẻn góp vui: Giờ đàn ông bản mình biết thương vợ, thương con lắm. Nhiều anh có khi chăm con khéo, nấu ăn ngon hơn cả chị em đấy!
Tiếp tục câu chuyện sẻ chia việc nhà, chúng tôi có dịp đến thăm một gia đình ở tổ 2, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai. Căn nhà khang trang, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp là tổ ấm của vợ chồng nhà giáo Lương Ngọc Duy và Đặng Thị Lành.
Đây cũng là gia đình tiêu biểu được mời đến tham gia trao đổi tại chương trình giao lưu mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc” do Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6).
Vợ chồng chị Lành đều là giáo viên giảng dạy tại xã Quang Kim, huyện Bát Xát. Có lẽ, việc cùng chung nghề giáo đã giúp anh chị thấu hiểu, biết sẻ chia với nhau hơn trong mọi việc, trong đó có việc chăm sóc gia đình.
Chị Lành cảm thấy may mắn khi luôn được chồng quan tâm, chia sẻ từ những việc nhỏ. Những việc như nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo… luôn được chồng chị làm cùng kể từ khi anh chị nên vợ, thành chồng.
“Chia sẻ việc nhà - gia đình hạnh phúc” là thông điệp được định hướng tại Chiến lược truyền thông về bình đẳng giới của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Giờ đây, trong mỗi mái ấm, sự bình đẳng của vợ và chồng đã được thể hiện rõ nét hơn trong chăm sóc, nội trợ cho gia đình. Đó là nền tảng để vợ chồng cùng nhau thấu hiểu, sẻ chia và vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc.