Đối Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, kể từ khi đi vào hoạt động từ tháng 11/2020 đến nay, toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, nhân viên Trung tâm đã đoàn kết, triển khai đồng bộ có hiệu quả quy trình, tác phong làm việc chuyên nghiệp theo hướng hiện đại, khoa học, hướng tới mục tiêu “Chuyên nghiệp - thân thiện - hiệu quả - minh bạch”.
Áp lực công việc của cán bộ tiếp nhận và trả kết quả tại các quầy giao dịch ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh rất lớn, nhất là cán bộ lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tư pháp, công an... khi mỗi người phải tiếp hàng chục lượt công dân mỗi ngày. Tuy nhiên, nhờ hệ thống công nghệ thông tin được đầu tư đồng bộ, đảm bảo kết nối liên thông dữ liệu nhanh chóng, cán bộ, công chức có thể xử lý hồ sơ nhanh chóng, tránh gây phiền hà khiến người dân phải chờ đợi. Minh chứng rõ nét là tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn tại Trung tâm đạt gần 99%; hầu hết các sở, ngành đều được công dân đánh giá mức độ hài lòng đạt mức cao nhất (5 sao).
Ông Phạm Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công cho biết: “Trung tâm lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động, phục vụ; thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp hoạt động với 27 cơ quan, đơn vị ngành dọc thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm để việc giải quyết thủ tục hành chính đạt hiệu quả”. Hằng tuần, Trung tâm thường tổ chức hội nghị giao ban nhằm đánh giá những kết quả đạt được cần phát huy và biểu dương, đồng thời chấn chỉnh, nhắc nhở, đôn đốc những công việc chưa làm tốt. Hằng tháng, cán bộ, nhân viên làm báo cáo tự đánh giá kết quả hoạt động. Căn cứ vào kết quả, hàng quý, Trung tâm nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ, nhân viên gửi về các sở, ban, ngành, cuối năm bình xét, thi đua thành tích cá nhân.
Là đơn vị sản xuất - kinh doanh, người lao động làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm, Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu Lào Cai (Công ty Xăng dầu Lào Cai) thời gian qua đã chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng, kỹ thuật. Năm 2023, đơn vị đã đầu tư 33,2 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 3 cửa hàng xăng dầu và công nghệ tự động hóa từ bể chứa nhiên liệu đến cột bơm xăng, dầu, tạo thuận lợi cho nhân viên bán hàng cũng như người mua hàng.
Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Lào Cai cho biết: Cải thiện môi trường làm việc luôn được đơn vị quan tâm, giúp cho người lao động yên tâm, gắn bó công tác lâu dài. Tại các cửa hàng xăng dầu, Công ty chú trọng đầu tư hệ thống phòng chức năng, công trình phụ trợ và đặc biệt là hệ thống phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Người lao động được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ, trang phục và trang bị đặc thù cho nhân viên công tác ở vùng cao, nhiệt độ giảm sâu vào mùa Đông.
Ông Trần Ngọc Sơn nhấn mạnh: “Đối với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh đặc thù của đơn vị, có tính chất độc hại, Công ty quan tâm tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động”. Thời gian qua, Công ty ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng như có bồn chứa nhiên liệu ngầm 2 lớp chống rò rỉ ra môi trường; thường xuyên kiểm tra, đo lường đánh giá chất lượng để kịp thời duy tu, bảo dưỡng và thay thế trang - thiết bị không còn đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng, chống cháy, nổ.
Không chỉ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hay Công ty Xăng dầu Lào Cai, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện các điều kiện làm việc, giúp người lao động bớt căng thẳng, áp lực khi khối lượng công việc ngày càng tăng, nguồn nhân lực giảm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thông tin: Xác định sức khỏe người lao động chính là tài sản của đơn vị, doanh nghiệp, vì thế các đơn vị đã linh hoạt thực hiện việc cải thiện môi trường, điều kiện làm việc tùy theo tính chất, nhiệm vụ công việc. Năm 2023, các đơn vị y tế đã triển khai khám sức khỏe định kỳ cho 81 đơn vị, cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng số hơn 8.000 người lao động; qua khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 13 đơn vị, cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng số hơn 2.000 lao động; thực hiện quan trắc môi trường lao động cho 36 đơn vị, cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng số 8.663 mẫu, theo đó 94% số mẫu đạt tiêu chuẩn cho phép.
Tại nơi làm việc, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đã chú trọng điều kiện làm việc hiệu quả thông qua đầu tư trang - thiết bị, máy móc hiện đại giúp người lao động hạn chế bàn giấy, tính toán thủ công, không đòi hỏi người lao động phải làm việc quá căng thẳng, nhịp độ quá khẩn trương và thực hiện những thao tác gò bó. Mặt khác, chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật, chế độ đối với lao động nữ, người cao tuổi, người tàn tật... cũng được quan tâm theo quy định và kịp thời giải quyết theo nguyện vọng cá nhân. Cùng với đó, vai trò của tổ chức công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp ngày càng được phát huy mạnh mẽ.
Trong năm 2023, các cấp công đoàn đã tư vấn cho 730 đoàn viên, người lao động về các chế độ chính sách. Nội dung tư vấn chủ yếu về chế độ thai sản, mức đóng bảo hiểm, chế độ nghỉ hưu, đăng ký nơi khám - chữa bệnh, trợ cấp thất nghiệp, bệnh nghề nghiệp, điều kiện an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở, chế độ nghỉ dưỡng sức. Các cấp công đoàn đã tham gia kiểm tra giám sát về thực hiện chính sách pháp luật, công tác an toàn vệ sinh lao động tại 390 đơn vị. Về cơ bản, chế độ, chính sách cho người lao động được đảm bảo, nhất là tiền lương, thưởng và các chế độ chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội.
Những việc làm cụ thể, thiết thực của các đơn vị, doanh nghiệp đã thể hiện sự quan tâm, đầu tư chăm lo cho người lao động. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động ngày càng được cải thiện, giảm bớt sự căng thẳng trong công việc. Người lao động còn được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và có cơ hội thăng tiến trong công việc, từ đó thêm yên tâm gắn bó, đồng hành với đơn vị, doanh nghiệp.