Những ngày hè tháng 7, cái nắng dường như gay gắt hơn, nhưng cũng nhờ vậy, mà những người chuyên sống bằng nghề bán sữa chua dạo như ông Châm, bà Ngoan thấy phấn khởi hơn bởi đây là thời điểm đông khách nhất. Ngày nào cũng vậy, hai vợ chồng ông bà ra khỏi nhà từ 8 giờ sáng rồi tối mịt mới trở về khi những thùng sữa chua túi đã được bán hết.
Ông Châm và bà Ngoan năm nay gần 70 tuổi. Tính đến nay, hai ông bà đã gắn bó với nghề bán sữa chua dạo được 15 năm. Ông Châm là người Yên Thế (Bắc Giang) còn bà Ngoan là người Hải Hậu (Nam Định), lên Lào Cai sinh sống và lập nghiệp từ năm 1976. Ông Châm từng làm trong ngành công an, còn bà Ngoan là nhân viên cấp dưỡng tại Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam.
Bà Ngoan kể: 15 năm trước, tôi học “mót” được nghề làm sữa chua túi từ người nhà ở Hà Nội, rồi thử làm bán cho trẻ em quanh xóm. Rảnh rỗi, tôi lại cho sữa chua túi vào thùng xốp, buộc sau chiếc xe đạp Thống Nhất, rồi bán dạo quanh thành phố. Chiếc xe cũ kỹ nhưng có sức hấp dẫn kỳ lạ với lũ nhỏ lúc bấy giờ. Đi đến đâu là chúng nhao nhao ùa ra mua sữa chua túi. Đứa lớn, đứa bé cố kiễng chân, nghển cổ để được ngó vào bên trong chiếc thùng xốp với sự tò mò và hào hứng.
Chỉ đơn giản là sữa chua pha loãng, rồi đóng túi, hương vị của món quà vặt này cũng chẳng phải quá nổi bật. Ấy vậy mà lũ trẻ ngày ấy và bây giờ vẫn mê cái vị chua chua, ngòn ngọt, thơm mùi sữa ấy lắm. Sữa chua túi ngày ấy bán có 1.000 đồng đến 2.000 đồng, giờ “sang” hơn thì cũng chỉ 3.000 đồng/túi.
Năm 2017, sau một tai nạn, ông Châm bị mất đôi chân, bà Ngoan cũng có tuổi, chân bị đau nên không đi xe đạp được. Thương bà phải lặn lội đi bán hàng rong nắng mưa, ông sắm chiếc xe ba bánh rồi ngày ngày cùng bà đi bán.
Hào hứng mở thùng xe khoe với tôi “gia tài” sữa chua túi, bà Ngoan tiện thể “quảng cáo”: Mỗi ngày, tôi bán được khoảng 1.000 chiếc. Để làm được từng đó, hai vợ chồng phải làm từ 20 giờ đến 24 giờ, nghỉ vài tiếng đồng hồ, từ 4 giờ đến 8 giờ lại tiếp tục, thời gian còn lại là đi bán dạo. Bà Ngoan chia sẻ: Sữa chua túi là món ăn tưởng đơn giản nhưng để đạt độ ngon, dẻo, ngậy lại cần sự khéo léo, từ chọn sữa đặc, đến nhiệt độ nước chuẩn, môi trường tiệt trùng và thời gian ủ sữa linh hoạt để sữa không bị chua quá cũng như loãng quá.
15 năm gắn bó với nghề bán sữa chua túi dạo, ông Châm, bà Ngoan cảm thấy hạnh phúc khi thứ đồ ăn vặt dân dã của mình không chỉ được trẻ con, mà còn được nhiều người lớn ưa chuộng. Ông Châm nói: Nếu lúc trước, sữa chua túi chỉ phục vụ trẻ con, thì ngày nay đây còn là thứ ăn giải khát cho nhiều người lớn. Nhờ đó, nghề làm sữa chua túi của tôi mới được duy trì đến ngày nay.
Để sữa chua thêm hấp dẫn, ông bà còn biến tấu thêm các vị khác, như nếp cẩm, chuối, cốm… Giờ kem, sữa chua được bày bán khắp nơi với đủ hình thức, mùi vị nhưng hương vị sữa chua túi của ông Châm, bà Ngoan vẫn được nhiều người yêu thích và tìm mua.
“Với chúng tôi, niềm hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại chính là hằng ngày được cùng nhau đi quanh thành phố, được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, được khách hàng tin yêu, ủng hộ. Cuộc sống như vậy là đủ đầy, hạnh phúc lắm rồi”.
Trời tắt nắng, ánh đèn đường bật sáng cũng là lúc ông Châm, bà Ngoan kết thúc một ngày bán hàng. Ông bà lại trở về để chuẩn bị cho hành trình mưu sinh tiếp theo, một hành trình đầy ắp tình yêu và tình nghĩa vợ chồng mà hơn 40 năm qua ông bà đã cùng nhau đồng hành qua bao thăng trầm cuộc sống...