Nhiều năm qua, âm nhạc đã được mang tới để xoa dịu nỗi đau cho người bệnh thông qua những chương trình như “Blouse trắng - âm nhạc kết nối những yêu thương”; “Hát vì nụ cười người bệnh”... được tổ chức tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Những thanh âm từ trái tim của cán bộ y tế giúp người bệnh cảm nhận được sự chân thành, có thêm niềm vui, động lực để chiến thắng bệnh tật. Mới đây, các bác sỹ tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đã đưa âm nhạc trở thành một phương pháp trị liệu cho trẻ khiếm khuyết.
Tiếng nhạc rộn ràng vang lên trong phòng trị liệu của Khoa Nội - Nhi. Cán bộ y tế đã thiết kế hoạt động âm nhạc dành riêng cho trẻ đặc biệt, giúp trẻ khắc phục các khó khăn về thể hiện cảm xúc và giao tiếp, khả năng tập trung, tương tác, phát triển vận động thô, vận động tinh… Trong không gian âm nhạc, các bác sỹ, kỹ thuật viên giúp trẻ cảm thụ bằng việc lắng nghe, vận động theo nhịp điệu, giao lưu với trẻ bằng ánh mắt, nụ cười... Những em bé hòa mình vào giai điệu, hứng thú, vui tươi, phối hợp trong các bài tập. Phụ huynh cũng được trải nghiệm giờ học của con để hiểu và áp dụng khi về nhà.
Bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng khoa Nội - Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh là người tiếp cận và tham mưu việc đưa âm nhạc vào trị liệu cho trẻ. Chị Hạnh chia sẻ: Hoạt động âm nhạc là liều thuốc tinh thần có thể tác động tới các giác quan của trẻ khuyết tật như khả năng nghe đối với trẻ khiếm thị, khả năng quan sát đối với trẻ khiếm thính và khả năng tập trung, quan sát, phát triển ngôn ngữ hoặc khả năng ghi nhớ, gần gũi bạn bè đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ… Thông qua các hoạt động âm nhạc, chúng tôi hướng dẫn trẻ làm quen với việc nghe nhạc, học hát, nhảy múa theo nhạc, tham gia trò chơi.
Có thể nhận thấy rõ ràng nhất hiệu quả của tiết học trị liệu bằng âm nhạc ở trẻ tự kỷ. Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong giao tiếp, việc nghe nhạc sẽ hỗ trợ trẻ tập trung chú ý và nâng cao khả năng ghi nhớ. Trẻ được giải phóng cơ thể, kiểm soát được cảm xúc khi hòa mình vào giai điệu du dương. Trong ánh mắt trẻ ánh lên niềm vui, tâm trạng thoải mái mỗi khi giờ học bắt đầu.
Kỹ thuật viên Vũ Thị Thanh Tư cho biết: Chúng tôi đang thực hiện can thiệp cho hơn 100 trẻ. Với từng trẻ, cán bộ y tế sẽ thiết kế những bài học riêng, lồng ghép tiết học âm nhạc vào quá trình can thiệp. Chúng tôi hướng dẫn trẻ những hoạt động đơn giản như tạo âm thanh từ thanh gỗ, xúc xắc, giấy, túi bóng... giúp trẻ cảm thụ nhịp điệu, thanh âm. Kỹ thuật viên dễ tiếp cận với trẻ hơn khi trẻ hứng thú, sẵn sàng chia sẻ cảm xúc với bạn bè, cô giáo. Bên cạnh những tiết học đơn, chúng tôi cũng thiết kế các tiết học tập thể để trẻ hòa nhập.
Để có những tiết học trị liệu âm nhạc hiệu quả, những bác sỹ, kỹ thuật viên không chỉ nỗ lực trang bị thêm kiến thức, kỹ năng nhằm tạo nên những tiết học hấp dẫn, mà còn dành tâm huyết, tình yêu thương vào từng phút dạy. Những điều diệu kỳ đã và đang được tạo nên bằng thanh âm sẽ được nhân lên để lấp đầy những khiếm khuyết cho những trẻ đặc biệt, giúp các em có một tương lai tươi sáng và hạnh phúc.