Năm 1991, được tái lập từ tỉnh Hoàng Liên Sơn, khi đó Lào Cai phải đối diện với biết bao bộn bề, khó khăn chồng chất. Có tới 60% trẻ trong độ tuổi không được đến trường; tỉnh có 10 đơn vị hành chính thì 7 huyện chưa có điện lưới quốc gia; 77% đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; hơn 1/3 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 55%, số hộ thường xuyên thiếu đói chiếm hơn 30%; cán bộ xã có 1/3 thuộc diện mù chữ… Về kinh tế, thu ngân sách toàn tỉnh chỉ đạt 19 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người dân mới đạt 680 nghìn đồng/năm.
Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực, tỉnh Lào Cai đã có sự thay đổi nhanh chóng sau hơn 3 thập niên khi đứng trong top đầu 14 tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc với các tiêu chí như: Mức tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân của người dân, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tỉnh Lào Cai có nhiều năm giữ top đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, là miền đất hấp dẫn, thu hút những nhà đầu tư lớn với các dự án nhiều nghìn tỷ đồng, tạo động lực cho nền kinh tế địa phương bứt phá.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với phóng viên Báo Lào Cai, đồng chí Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy đã nhắc lại, cách đây hơn 20 năm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhận thức rõ về vị trí địa chiến lược của tỉnh với slogal mang thương hiệu của tỉnh hồi bấy giờ “Lào Cai - cầu nối với thị trường Tây Nam Trung Quốc”. Sau đó vài năm, dưới sự tài trợ tài chính và kỹ thuật của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) mới xác định rõ hành lang kinh tế Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) là một trong số hành lang kinh tế thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) và là 1 trong 3 hành lang kinh tế theo chiều Bắc - Nam của GMS. Hành lang kinh tế này còn là một bộ phận của chương trình hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam với Trung Quốc. Sau khi hành lang kinh tế được xác định, tỉnh Lào Cai đã có sáng kiến về cơ chế hợp tác giữa 5 tỉnh, thành phố, bao gồm tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh (Việt Nam) và định kỳ nhóm họp để trao đổi hợp tác, bàn nội dung hợp tác song phương, đa phương nhằm tranh thủ cơ hội, lợi ích từ sáng kiến “Hai hành lang, một vành đai”. Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức tháng 9/2004 tại Hà Nội, trong đó các bên đã thống nhất nhận thức Lào Cai là “tâm điểm”, là “vị trí cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế; đến nay, nhóm hợp tác đã tổ chức 9 kỳ hội nghị. Sau này, tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh còn xác định là “cửa ngõ” thông thương hàng hóa từ Việt Nam, các nước ASEAN với vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc, trong đó tỉnh Lào Cai tiếp tục giữ vai trò trung tâm kết nối.
Tư duy chiến lược, tầm nhìn xa, trông rộng từ các nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh gắn với sự đổi mới, sáng tạo luôn ứng với những sự đổi thay tích cực của tỉnh Lào Cai từ khi tái lập đến nay. Lào Cai cần khoảng 10 năm sau khi quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc bình thường hóa để định hình vị trí “trung tâm cầu nối” và cần chừng 10 năm tiếp theo để vận động các bộ, ngành Trung ương, thúc đẩy xây dựng tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và sau đó 1 thập niên là sự kiện khởi động xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa.
Trước đại dịch Covid-19 và những dấu hiệu suy thoái kinh tế thế giới nhưng lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai liên tục có mức tăng trưởng khá, giá trị kim ngạch cao nhất là gần 4 tỷ USD. Cửa khẩu Lào Cai thu hút 500 đến 600 doanh nghiệp thương mại từ các tỉnh, thành phố trong nước tới hoạt động. Trong đó, mỗi kỳ hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung được tổ chức thường niên lại có hàng chục cặp hợp đồng kinh tế giữa các đối tác trong nước và doanh nghiệp của Trung Quốc được ký kết với tổng giá trị lên tới hàng trăm triệu USD. Dòng hàng hóa trong nước và giữa các nước ASEAN vào thị trường các tỉnh vùng Tây Nam Trung Quốc và chiều ngược lại đang có dấu hiệu tăng nhanh trở lại sau đại dịch. Cơ hội bứt phá về kim ngạch hàng hóa 2 chiều qua Lào Cai sẽ càng lớn khi những dự án giao thông kết nối, trong đó có Dự án nâng cấp tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được khởi động và Dự án xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa hoàn thành, đưa vào khai thác.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Lào Cai trở thành tỉnh khá, đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển của cả nước. Để hiện thực hóa, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã cụ thể trong nhiệm kỳ bằng các nghị quyết chuyên đề, 18 đề án cùng với 24 mục tiêu, 7 nhiệm vụ trọng tâm, 9 nhóm giải pháp và 2 khâu đột phá. 1 trong 2 khâu đột phá là ưu tiên đầu tư hạ tầng với điểm nhấn là giao thông, đó vừa là huyết mạch phát triển nền kinh tế - xã hội của địa phương, vừa có tính chất kết nối, liên kết vùng nhằm phát huy hơn nữa vai trò, vị trí, tầm ảnh hưởng của Lào Cai trong khu vực.
Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ thăm tỉnh Lào Cai (23/9/1958 - 23/9/2023) của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Tỉnh Lào Cai cần tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; chủ động, sáng tạo hơn nữa, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, khơi dậy mọi tiềm năng, lợi thế của tỉnh, xây dựng Lào Cai trở thành cực tăng trưởng của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ; trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc”. Hơn thế, cực tăng trưởng của vùng, vừa là vai trò, trách nhiệm và cũng là niềm tự hào của mỗi người dân Lào Cai.