Ông Nguyễn Văn Hiển, sinh năm 1949, ở bản Nà Luông, xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên), nhập ngũ năm 1968, tham gia chiến đấu tại chiến trường B5 Quảng Trị và bị phơi nhiễm chất độc da cam. Sau năm 1975, ông Hiển ra quân trở về địa phương, xây dựng gia đình, sinh được 3 người con. Người con đầu của ông Hiển bị nhiễm chất độc da cam từ bố, đã chết khi còn nhỏ. Người con thứ 2 là Nguyễn Văn Hồng, sinh năm 1980, bị tâm thần nặng.
Trường hợp của gia đình ông Hiển chỉ là một trong nhiều gia đình ở Bảo Yên do hậu quả của chất độc da cam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Bảo Yên có hàng nghìn người con lên đường tham gia chiến đấu ở các chiến trường B, C, K - nơi Mỹ tiến hành phun rải chất độc hóa học.
Toàn huyện có gần 200 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam; 188 gia đình với gần 300 người là nạn nhân; 105 nạn nhân là con đẻ (thế hệ 2) và cháu nội - ngoại (thế hệ thứ 3) bị di chứng bẩm sinh khuyết tật nặng. Hầu hết xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Ông Hoàng Tân Khoa, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Bảo Yên cho biết: Nhằm kịp thời động viên những khó khăn, thiệt thòi mà nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện đang phải gánh chịu, từ năm 2017 đến nay, hội đã vận động được hơn 1,1 tỷ đồng để chăm sóc, ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.
Hiện toàn tỉnh có 1.545 đối tượng phơi nhiễm chất độc da cam đang được thụ hưởng chính sách của Nhà nước, trong đó có 1.167 người thuộc thế hệ thứ nhất, còn lại là thế hệ thứ hai, thứ ba, thậm chí có cả thế hệ thứ tư… Các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương nắm rõ số lượng nạn nhân để có kế hoạch chăm sóc, giúp đỡ kịp thời.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách và hoạt động thiết thực, ý nghĩa để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Trong đó tập trung vào các nội dung như hỗ trợ vốn sản xuất, xây nhà tình nghĩa, khám - chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà, tặng xe lăn, xe lắc...
Chị Trương Thị Liên, xã Bản Sen (huyện Mường Khương) là con đẻ của nạn nhân chất độc da cam. Hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm qua gia đình chị phải sống trong ngôi nhà xuống cấp. Được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện, cấp ủy đảng, chính quyền xã Bản Sen, cùng sự giúp đỡ của các đoàn thể, người thân trong gia đình, làng xóm, sau hơn 3 tháng thi công, ngôi nhà xây với tổng diện tích 100 m2, kinh phí hơn 200 triệu đồng (trong đó Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng) đã kịp bàn giao cho chị Liên trước mùa mưa bão.
Trong những năm qua, hàng chục ngôi nhà tình nghĩa như thế đã được xây dựng và sửa chữa, giúp vơi bớt khó khăn cho các gia đình hội viên nạn nhân, giúp họ ổn định cuộc sống. Riêng trong năm 2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ các gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin làm mới và sửa chữa 6 ngôi nhà, trị giá gần 300 triệu đồng, trong đó phần lớn kinh phí được huy động từ cộng đồng.
Từ năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh đã vận động được gần 2 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới, sửa chữa 11 nhà tình nghĩa; tặng 20 xe lăn, xe lắc; hỗ trợ 10 trường hợp vay vốn sản xuất với số tiền 100 triệu đồng. Trong các ngày lễ, tết, ngày vì nạn nhân chất độc da cam hằng năm, hội đều dành hơn 1.500 suất quà với trị giá hàng trăm triệu đồng tặng các nạn nhân. Những phần quà, sự động viên của các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm là nguồn động viên để các nạn nhân da cam vươn lên trong cuộc sống.
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam bằng những việc làm thiết thực là nghĩa cử cao đẹp, đạo lý nhân văn tốt đẹp của mỗi người dân Việt Nam, giúp các nạn nhân vượt qua nỗi đau tinh thần và thể xác, vững tin vào cuộc sống.