Huyện Văn Bàn hiện có 810 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn (gồm trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ, trẻ thuộc hộ có điều kiện đặc biệt khó khăn và trẻ em khuyết tật...). Theo đánh giá của cơ quan chức năng huyện, nguyên nhân dẫn đến số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cao là do những năm trước nạn khai thác vàng trái phép và tệ nạn ma túy diễn ra phức tạp khiến nhiều gia đình lâm vào tình cảnh khốn khó. Trong khi đó, nhận thức của một số gia đình, cộng đồng về bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ. Đặc biệt, một số hộ người dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao vì điều kiện kinh tế khó khăn, việc làm không ổn định nên cha mẹ phải đi làm ăn xa, con cái ở nhà thiếu sự quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục...
![quan-tam-cong-tac-cham-soc-bao-vezip-2.png](https://cdn.baolaocai.vn/images/188e3eaf41c366b2bab493788d55d2089988b7efa87268d2f6f63260e12d7597b604ddd3b766d0695aaacc42850630ca44ab6fa8fda08db82e179d7a5f40757a621f429e51faeb3fc29a89da71eaaab9/quan-tam-cong-tac-cham-soc-bao-vezip-2.png)
Xã Minh Lương có 15 trường hợp là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cá biệt như trường hợp La Văn Hiệp (sinh năm 2007) ở thôn 2 Minh Hạ mất cả cha lẫn mẹ do tai nạn lao động nên em phải ở với bà ngoại. Để được đến trường học tập, Hiệp đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Vừa qua, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Lào Cai đã nhận đỡ đầu để em có thể thực hiện ước mơ đến trường. Tuy nhiên, số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn chưa được nhận đỡ đầu còn nhiều và đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng.
![quan-tam-cong-tac-cham-soc-bao-vezip-3.png](https://cdn.baolaocai.vn/images/188e3eaf41c366b2bab493788d55d2089988b7efa87268d2f6f63260e12d7597b604ddd3b766d0695aaacc42850630ca4162ceb18f64dbc58385a3d47fdfa32b621f429e51faeb3fc29a89da71eaaab9/quan-tam-cong-tac-cham-soc-bao-vezip-3.png)
Theo đại diện UBND xã Minh Lương, những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo và cận nghèo ở địa phương rất thiếu thốn trong cuộc sống hằng ngày về lương thực, điều kiện ăn ở và chi phí học hành. Hằng năm, xã đều vận động các nguồn để hỗ trợ thêm cho các cháu nhưng chỉ được phần nào. Trong thời gian tới, chính quyền xã rất mong nhận được sự quan tâm của các nhà hảo tâm để tiếp tục giúp đỡ trẻ.
Thực tế tại các địa phương khác trong huyện, việc quan tâm, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng gặp rất nhiều khó khăn và đặt ra nhiều vấn đề. Trên địa bàn huyện hiện có 27 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ được người thân trong dòng họ nuôi dưỡng, không có trẻ em phải nuôi dưỡng, chăm sóc ở các gia đình ngoài dòng họ. Hầu hết trẻ được nuôi dưỡng và đi học đầy đủ nhưng để tạo điều kiện cho trẻ có điều kiện cơ bản, yên tâm đến trường thì rất cần sự chung tay của cộng đồng.
![quan-tam-cong-tac-cham-soc-bao-vezip-4.png](https://cdn.baolaocai.vn/images/188e3eaf41c366b2bab493788d55d2089988b7efa87268d2f6f63260e12d7597b604ddd3b766d0695aaacc42850630ca353115cd3058a74b686cc52e7a381894621f429e51faeb3fc29a89da71eaaab9/quan-tam-cong-tac-cham-soc-bao-vezip-4.png)
Ngoài vấn đề đặt ra trong chăm sóc công tác bảo vệ trẻ em cũng rất “nóng” bởi tình trạng bạo lực đối với trẻ em vẫn tồn tại. Trong 2 năm (2023 và 2024), huyện có 6 vụ việc trẻ em bị xâm hại và có 20 trẻ em phải bỏ học kiếm sống khi chưa hoàn thành cấp học trung học cơ sở.
Ông Dương Văn Khu, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Văn Bàn cho biết: Hằng năm, phòng tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, trường học… tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại và bạo lực trẻ em. Đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức đoàn thể, các xã, thị trấn lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường phối hợp, làm tốt công tác xã hội hóa về chăm sóc, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gắn với các hoạt động cụ thể trong Tháng hành động vì trẻ em, tết Thiếu nhi, tết Trung thu, tết Nguyên đán...
Riêng trong năm 2024, thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, chính quyền các cấp và tổ chức đoàn thể tiếp tục vận động, đỡ đầu 104 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền hỗ trợ gần 100 triệu đồng; chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội Phụ nữ các xã, thị trấn đã nhận giúp đỡ, nuôi dưỡng 41 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, UBND các xã, thị trấn đã thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên đối với trẻ.
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em nhưng qua rà soát, đánh giá, huyện Văn Bàn vẫn còn 3.012 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; số lượng trẻ em bị tại nạn thương tích hằng năm còn cao (năm 2024 có 77 trẻ, trong đó 56 trẻ bị thương nặng, 6 trẻ tử vong) trong khi việc chăm sóc và giáo dục trẻ em tại địa phương vùng cao gặp khó bởi địa hình rừng núi hiểm trở, tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo lớn.
Theo ông Lương Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, trong những năm tới, để lấp “khoảng trống” trong công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhất là giảm thiểu tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, huyện sẽ tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong công tác quản lý nhà nước; nâng cao vai trò tham gia tuyên truyền, vận động, giám sát của MTTQ và sự chung tay của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc huy động nguồn lực hỗ trợ trẻ em.
![quan-tam-cong-tac-cham-soc-bao-vezip-5.png](https://cdn.baolaocai.vn/images/188e3eaf41c366b2bab493788d55d2089988b7efa87268d2f6f63260e12d7597b604ddd3b766d0695aaacc42850630ca39fec6fbe93c8f7aacd4f79a8012e648621f429e51faeb3fc29a89da71eaaab9/quan-tam-cong-tac-cham-soc-bao-vezip-5.png)
Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền huyện Văn Bàn cần chung tay, góp sức bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; thực hiện đúng, đủ, kịp thời những chế độ, chính sách của Nhà nước gắn với huy động mọi nguồn lực ngoài xã hội tham gia nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em có môi trường sống an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện.