Cuối tháng 3/2023, Huyện đoàn Bắc Hà phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tổ chức hội chợ việc làm với sự kết nối các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với đoàn viên, thanh niên và người dân trong huyện.
Trước đó, đầu tháng 3/2023, tại huyện Bảo Thắng, 487 học sinh, người lao động trên địa bàn 14 xã, thị trấn đã tham gia ngày hội việc làm. Tại đây, đoàn viên, thanh niên được tư vấn, định hướng việc làm; được truyền đạt thông tin, chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, dạy nghề, thông tin tuyển dụng lao động trong và ngoài nước.
Tại huyện Bát Xát, năm 2022 đã tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm với 598 người tham gia; mở 2 lớp đào tạo trồng rau an toàn tại xã Trịnh Tường và trồng - chế biến chè tại xã A Mú Sung với tổng số 67 học viên; qua đó giải quyết việc làm cho 1.084 người.
Cũng trong năm 2022, huyện Si Ma Cai có hơn 8 nghìn lao động địa phương đi làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong đó có hơn 3 nghìn lao động được đóng bảo hiểm.
Qua những phiên giao dịch việc làm do các cấp bộ đoàn phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức đã có nhiều lao động tìm được việc làm phù hợp với mức lương ổn định. Như trường hợp chị Lù Thị Dí (thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai) được nhận vào làm tại một công ty ở tỉnh Bắc Giang với mức lương cơ bản hơn 5 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn được thưởng tiền làm ngoài giờ, ngày lễ, tết, với thu nhập bình quân 8 - 9 triệu đồng/tháng. Trước đây ở nhà, chị Dí chỉ làm nông nghiệp, thu nhập rất thấp. Từ khi có việc làm ổn định, cuộc sống của chị Dí đỡ vất vả hơn. Chị Lù Thị Dí cho biết: Với người vùng cao chúng tôi, thu nhập 9 triệu đồng/tháng là cao rồi.
Trên địa bàn tỉnh, trong 5 năm qua đã có hơn 15 nghìn thanh niên được giới thiệu việc làm tại những doanh nghiệp, công ty uy tín với mức lương ổn định. Không chỉ được nhận vào làm tại các khu công nghiệp, đoàn viên, thanh niên còn được hỗ trợ tiếp cận kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hoàn toàn có thể lập nghiệp ở quê hương bằng những mô hình phát triển kinh tế thu lãi vài trăm triệu đồng/năm. Đó là những giải pháp tạo việc làm cho đoàn viên, thanh niên thời gian qua được các cấp bộ đoàn trong tỉnh triển khai.
Chị Giàng Thị Mai, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên được các cấp bộ đoàn triển khai đa dạng, tập trung vào đối tượng tốt nghiệp THPT, THCS thông qua các hoạt động phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo tổ chức tư vấn mùa thi, định hướng nghề nghiệp, sinh hoạt ngoại khóa và tổ chức ngày hội tư vấn, ngày hội việc làm. Trong 5 năm qua, các cấp bộ đoàn đã tư vấn hướng nghiệp cho gần 97 nghìn lượt thanh thiếu niên, giới thiệu việc làm cho hơn 15 nghìn thanh niên.
Bên cạnh đó, việc tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng công nghệ hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế được chú trọng. Các mô hình hợp tác xã thanh niên được duy trì, nhân rộng với 16 mô hình thanh niên tham gia tái cơ cấu nông nghiệp tại các xã xây dựng nông thôn mới; ứng dụng công nghệ thông tin để đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức cho thanh niên, hỗ trợ thanh niên tìm việc làm, nhất là sau dịch Covid-19. Trong đó, Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp tỉnh đã thành lập riêng bộ phận đào tạo, truyền thông; tổ chức các hoạt động đào tạo trực tuyến thông qua các nền tảng họp trực tuyến. Tỉnh đoàn cũng ra mắt Cổng thông tin điện tử vieclamlaocai.vn để đăng các thông tin tuyển dụng, mô tả thông tin về các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đem đến cơ hội việc làm cho đoàn viên, thanh niên.
Toàn tỉnh hiện có 460 nghìn người từ 15 tuổi trở lên, chiếm gần 62% số dân và trung bình mỗi năm có 8 - 10 nghìn người bước vào độ tuổi lao động. Dự báo đến năm 2025, dân số trong độ tuổi từ 15 tuổi trở lên tại Lào Cai đạt gần 500 nghìn người và sẽ có khoảng 5 nghìn doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh. Nhu cầu việc làm lớn, các vị trí tuyển dụng cũng phong phú. Ngay từ bây giờ, các cấp bộ đoàn với vai trò là cầu nối cần triển khai các giải pháp tư vấn, giới thiệu cho thanh thiếu niên việc làm phù hợp với năng lực, thu nhập ổn định để có thêm cơ hội thoát nghèo, làm giàu, tránh xa các tệ nạn xã hội.