Tháng 2 ở vùng cao Mường Khương vẫn rét căm căm, người già và trẻ em bị ảnh hưởng sức khỏe đến bệnh viện điều trị nhiều hơn bởi mắc bệnh về hô hấp và bệnh mãn tính trở nặng. Nhịp độ làm việc của những cán bộ y tế Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương tất bật hơn ngày thường. Có mặt tại khoa từ sớm, bác sỹ Vàng Văn Sủ phụ trách Khoa Nhi đi thăm khám, nắm tình hình từng buồng bệnh. Những bệnh nhân nhi điều trị ở đây đã quen thuộc với người bác sỹ hiền từ, gần gũi nên các em rất hợp tác.
Trở thành bác sỹ để cống hiến, giúp người dân ở quê hương vốn là ước mơ từ thủa ấu thơ của bác sỹ Vàng Văn Sủ. Chính vì vậy, anh luôn tích cực tham gia các khóa đào tạo, học hỏi đồng nghiệp và không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực chuyên môn để từ y sỹ trở thành bác sỹ chuyên khoa I giàu kinh nghiệm.
Không chỉ vậy, bác sỹ Sủ còn kết nối hỗ trợ quần áo, đồ dùng cho trẻ sơ sinh.
Hoặc trường hợp em Sần Thị Linh ở thôn Suối Thầu, xã Bản Sen (huyện Mường Khương) bị thiếu máu huyết tán, suy dinh dưỡng và nhập viện trong tình trạng lách to, yếu. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình em, bác sỹ Sủ báo cáo lãnh đạo bệnh viện phát động quyên góp hỗ trợ em 6 triệu đồng và giúp đỡ gia đình em gọi xe cấp cứu để chuyển viện. Mới đây, bố em Linh đã liên lạc với bác sỹ Sủ báo tin vui rằng em được hỗ trợ mổ cắt lách tại Hà Nội và sức khoẻ đã ổn định. Nghe tin, ánh mắt bác sỹ Sủ ánh lên niềm vui, động lực trong nghề.
Chị Hoàng Thị Hiệp, nữ hộ sinh Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên được biết đến là cán bộ y tế tận tụy với nghề. Những sản phụ khi đến “vượt cạn” đều ấn tượng với chị bởi sự cởi mở, chu đáo. Giàu kinh nghiệm trong nghề, chị Hiệp đã giúp hàng trăm ca vượt cạn an toàn, đồng thời tư vấn, chăm sóc tận tình cho bà mẹ, trẻ sơ sinh.
Nhiều sản phụ sau sinh nhưng người nhà chưa có mặt, chị Hiệp cũng không quản ngại bế người mẹ chuyển giường và đưa về phòng bệnh, vậy nên chị thường nói vui rằng “làm nữ hộ sinh không chỉ cần có chuyên môn mà còn cần có sức khỏe”. Ai cũng biết rằng “sức khỏe” mà chị nói đến chính là sự tận tâm với người bệnh, sẵn lòng giúp đỡ khi bệnh nhân cần.
Chị Đỗ Thị Lương ở thôn Củm Hạ 1, xã Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai) đã gắn bó với công tác y tế thôn và là cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình gần 20 năm. Chị Lương luôn nhận được sự tin tưởng, yêu quý của người dân trong thôn.
Khi có người dân trong thôn yêu cầu giúp đỡ, chẳng quản ngại đêm tối hay mưa gió, chị Lương luôn sẵn sàng có mặt. Chị đến nhà, đo huyết áp, tư vấn sức khỏe ban đầu để người dân đi khám bệnh kịp thời, sẵn sàng sơ cứu những trường hợp bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động…
Trong những năm qua, thôn Củm Hạ 1 không có dịch bệnh lớn xảy ra là nhờ cán bộ y tế như chị Lương luôn sát sao giám sát dịch bệnh. Khi có trường hợp bị thủy đậu, chân - tay - miệng, đau mắt đỏ… chị tuyên truyền người dân trong thôn cách phòng tránh, hướng dẫn người bệnh cách ly, cách chăm sóc và kịp thời báo với cán bộ trạm y tế xã.
Với tinh thần trách nhiệm, chị Lương thường xuyên thăm các hộ, tuyên truyền các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp, không sinh con thứ 3, không lựa chọn giới tính khi sinh và các gia đình không tổ chức tảo hôn.
Sự nhiệt tình, hết mình vì công việc chung của chị Lương khiến người dân trong thôn luôn quý mến và tôn trọng. Năm 2023, người dân thôn Củm Hạ 1 đón niềm vui thôn được công nhận là thôn kiểu mẫu và trong nỗ lực chung của cán bộ, Nhân dân, có đóng góp không nhỏ của y tế thôn Đỗ Thị Lương tham gia thực hiện tiêu chí khó như y tế, môi trường.
Đối với mỗi cán bộ y tế gắn bó với nghề dù ở cương vị nào, bác sỹ hoặc điều dưỡng, nhân viên y tế ở cơ sở… họ luôn cống hiến hết mình, trở thành những tấm gương y đức tỏa sáng hằng ngày, hằng giờ, lặng thầm chăm sóc sức khỏe, mang hạnh phúc cho mọi người.