Sơn kể: Tôi là người dân tộc Nùng, sinh ra lớn lên ở mảnh đất vùng cao Lào Cai. Ngay từ nhỏ, tôi đã thường bị cuốn hút bởi những chương trình biểu diễn thời trang trên tivi đặc biệt là những show diễn của châu Âu mang hơi hướng cổ điển. Tôi yêu thích những bộ quần áo cổ điển, sang trọng của những người mẫu nam và luôn mơ được một lần khoác lên mình “bộ cánh” ấy, thậm chí sẽ là một chủ tiệm thời trang bán những mặt hàng như vậy. Nhưng ước mơ ấy quá đỗi xa vời bởi văn hóa, nhận thức của người dân quê tôi còn chưa “vượt qua khỏi lũy tre làng”. Chính vì thế, tôi đã “gói ghém” lại ước mơ của mình.
Cơ duyên đến với lĩnh vực thời trang của Sơn bắt đầu sau khi anh tốt nghiệp Đại học Thủy lợi và xin vào làm cho một công ty tư vấn thiết kế. Tại đây, lần đầu tiên Sơn được biết đến ngành đóng giày da. Chiêm ngưỡng những đôi giày da được làm tinh xảo, tỉ mỉ đến từng đường kim, mũi chỉ khâu, chàng trai 25 tuổi khi ấy mê mẩn và tò mò. Về nhà, anh bắt đầu tìm kiếm các tài liệu về giày thủ công và hướng dẫn cách làm một đôi giày hoàn chỉnh. Càng tìm hiểu càng bị thu hút, Sơn quyết định xin nghỉ việc, vào Thành phố Hồ Chí Minh học và cùng một người anh mở xưởng đóng giày.
Sơn kể, lý do tôi lựa chọn mặt hàng này vì tôi nhận thấy tiềm năng phát triển của nghề đóng giày thủ công tại Việt Nam. “Những đôi giày Tây bắt nguồn từ nước Anh vào thế kỷ 19, rồi dần đưa ra những chuẩn mực của một đôi giày đẹp. Tuy nhiên tại Việt Nam nói chung và thị trường Lào Cai nói riêng không có nhiều nơi cung cấp mặt hàng này. Toàn bộ giày tại xưởng đều được làm khéo léo, tỉ mỉ bằng tay, sử dụng chất liệu da cao cấp. Chính vì vậy, mỗi đôi giày được xem như một mặt hàng mang tính nghệ thuật cao. Tôi hy vọng ngày càng nhiều người Việt được tiếp cận và sử dụng giày da chất lượng quốc tế.” - Sơn bộc bạch.
Những đôi giày sau khi hoàn thiện được Sơn chụp ảnh, mạnh dạn chia sẻ một số hội nhóm chuyên về giày thủ công và nhận nhiều lời khen từ người chơi cho đến các blog giày nổi tiếng trên thế giới. Điều này khiến lượng đơn đặt hàng tăng cao, thương hiệu giày của anh dần khẳng định tên tuổi được nhiều người biết đến. Đến nay, sau 8 năm, sản phẩm giày của Sơn đã có chỗ đứng tại thị trường trong và ngoài nước, chủ yếu được xuất thô sang các nước như Nhật, Úc. Mỗi đôi giày có giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng.
Trong không gian tiệm thời trang của mình, Ngọc Sơn say sưa tư vấn về chất liệu, kiểu dáng, rồi chính tay anh đo cho khách hàng. Sơn tâm sự: Từ thành công của xưởng đóng giày, tôi mạnh dạn lấn sân thêm sang lĩnh vực quần áo mặc dù đây chỉ là nghề “tay ngang”. Tất cả các thiết kế đều được tư vấn, đo và may theo một quy trình… Những sản phẩm dành cho nam giới hướng đến nhiều độ tuổi khác nhau nhưng nổi bật vẫn là các dòng sản phẩm dành cho giới trẻ. “Phong cách thời trang mà chúng tôi hướng tới là cổ điển châu Âu. Đây là phong cách có tầm ảnh hưởng và sức hút mạnh mẽ đối với thời trang hiện đại, mang đậm nét hoài cổ. Những sắc màu trầm ấm, đường nét tinh tế và gợi lên những gì thuộc về xưa cũ. Đặc biệt, khi thiết kế mỗi bộ đồ tôi đều gửi gắm câu chuyện của chính chủ nhân của nó.” - Sơn chia sẻ.
Hiện Sơn có 4 tiệm thời trang chuyên đồ Âu tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng) với 2 dòng sản phẩm chính là giày da và suit. Với đầu óc nhạy bén của một chàng trai có “máu” kinh doanh trong thời đại công nghệ số hóa toàn cầu, cộng với niềm đam mê với nhiếp ảnh, Sơn đã tự tay chụp ảnh các sản phẩm của mình đăng trên mạng xã hội. “Thời gian rảnh rỗi là tôi lại đầu tư thời gian cho việc sáng tạo ra những sản phẩm truyền thông như hình ảnh, video, nội dung content… Những bài viết cùng hình ảnh là chính những khách hàng của mình, Sơn nhanh chóng có được tệp khách hàng của riêng mình.
Ngoài sở hữu 1 xưởng đóng giày, 4 tiệm thời trang, Thền Ngọc Sơn còn là admin của group “Classic Storytellers” - nơi tụ hội của các bạn trẻ yêu thích phong cách thời trang Classic Menswear, với gần 100.0000 thành viên. Classic Storytellers dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “người kể chuyện cổ điển”. Ngoài định hình phong cách thời trang, gu thẩm mỹ, cộng đồng này còn xây dựng lối sống đẹp thông qua những câu chuyện đời, chuyện nghề của những người từng trải qua. Hiện nay, cộng đồng Classic Storytellers đã lan tỏa được hơn 15 tỉnh, thành phố trên cả nước và cả nước ngoài, hoạt động offline rất sôi nổi.