Nhiều năm trước, chị Phương Ly (thành phố Lào Cai) làm nghề dịch thuật tự do nên thường xuyên đến thư viện. Chị Ly cho biết: Đến thư viện tìm kiếm thêm tài liệu phục vụ công việc mặc dù rất hiệu quả nhưng lại mất nhiều thời gian. Mặt khác, nếu nhu cầu tìm kiếm phát sinh ngoài giờ hành chính thì việc tiếp cận dịch vụ là không thể. Tuy nhiên, những năm gần đây, Thư viện tỉnh có kho dữ liệu được số hóa, lưu giữ tài liệu trực tuyến nên tôi và nhiều độc giả có thể tiếp cận dễ dàng, thuận lợi và chủ động hơn tại bất cứ thời gian, địa điểm nào.
Thư viện Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai hiện là 1 trong 7 thư viện đầu tiên trên địa bàn tỉnh đưa vào sử dụng phần mềm quản trị thư viện Vietbiblio. Thông qua phần mềm này, nhân viên thư viện dễ quản lý tài liệu và áp dụng công nghệ thông tin vào xử lý nghiệp vụ, giới thiệu sách, góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học của nhà trường.
Được cán bộ Thư viện tỉnh hỗ trợ cài đặt và hướng dẫn sử dụng phần mềm quản trị thư viện VietBiblio, chúng tôi bước đầu đã thực hiện các quy trình nghiệp vụ: In và dán nhãn mã vạch biên mục tài liệu trực tiếp trên hệ thống ứng dụng phần mềm VietBiblio. Hiện tại, thư viện đã biên mục hơn 1.000 bản sách (sách tham khảo và sách giáo khoa) nhập vào cơ sở dữ liệu của thư viện trường.
Bà Phạm Thị Bích Dung, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình chuyển đổi số ngành thư viện tỉnh, nhằm tăng cường chia sẻ vốn tài liệu trên nền hạ tầng mạng lưới công nghệ thông tin, góp phần đa dạng hóa hình thức phục vụ bạn đọc. Phấn đấu đến năm 2025, Lào Cai có 100% thư viện công cộng cấp huyện và 60% thư viện tại các cơ sở giáo dục được trang bị phần mềm quản trị thư viện dùng chung VietBiblio, đảm bảo thực hiện liên kết, chia sẻ các tài nguyên thông tin dùng chung giữa các thư viện.
Đến thời điểm hiện tại, Thư viện tỉnh đã số hóa được khoảng 275.000 trang sách, tài liệu, tương đương khoảng 1.000 cuốn. Tổng số vốn tài liệu có trong Thư viện tỉnh là 184.756 bản sách (trong đó có hơn 2.000 bản tài liệu dư địa chí); 322 tài liệu dạng đĩa VCD và khoảng 170 loại báo, tạp chí. Thư viện tỉnh đã chia sẻ kho tài liệu trên trang thông tin điện tử của các thư viện huyện, thành phố, thị xã, giới thiệu đến người sử dụng những cuốn sách hay, bổ ích, phục vụ từ xa cho người đọc không có điều kiện tiếp xúc với sách...
Hiện nay, mạng lưới thư viện công cộng của tỉnh có 1 thư viện tỉnh, 9 thư viện huyện, thị xã, thành phố và hơn 400 thư viện cơ sở giáo dục (tiểu học, THCS, THPT). Đối với những thư viện ở cơ sở còn khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi số, Thư viện tỉnh đã cử cán bộ đến tận nơi hỗ trợ, từng bước đưa vốn tài liệu lên không gian mạng, qua phần mềm VietBiblio, giúp việc tổ chức, quản lý và khai thác thông tin được nhanh chóng và hiệu quả.
Bên cạnh việc sử dụng trang thông tin điện tử để quảng bá và truyền tải thông tin đến người sử dụng, thư viện còn trưng bày, triển lãm giới thiệu ấn phẩm, tư liệu trực tuyến trên các kênh truyền thông của đơn vị như fanpage, zalo với nội dung triển lãm trực tuyến các ấn phẩm, tư liệu về Lào Cai hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam; triển lãm trực tuyến các ấn phẩm, tư liệu với chủ đề “Lào Cai - 115 năm xây dựng và phát triển”; triển lãm ảnh trực tuyến với chủ đề “Thư viện - nơi để học tập suốt đời”…
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thư viện là tiến trình lâu dài, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Do vậy, kết hợp được những lợi thế sẵn có của thư viện và công nghệ mới sẽ góp phần đưa hoạt động của thư viện phát triển, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng trong tương lai.