Bảo tàng tỉnh Lào Cai hiện lưu giữ, bảo quản, trưng bày hơn 20.000 hiện vật, trong đó nhiều hiện vật có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và khoa học. Đặc biệt, có hàng nghìn hiện vật được phát hiện sau khi tỉnh Lào Cai được tái lập, như bộ trống đồng Đông Sơn đời đầu gồm 12 chiếc được phát hiện tại khu vực đầu đường Ngô Quyền, phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) vào năm 1993 - thời điểm thị xã Lào Cai (cũ) bắt đầu giai đoạn xây dựng, mở rộng…
Thuyết minh viên Thu Thủy đã có hơn 14 năm làm công việc này. Chị cho biết, công việc của thuyết minh viên đòi hỏi không chỉ có kiến thức lịch sử - văn hóa - xã hội tốt, hiểu biết sâu sắc về hiện vật được trưng bày tại bảo tàng… mà còn rất cần sự linh hoạt, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng kể và dẫn dắt câu chuyện, bởi mỗi đoàn khách đến bảo tàng có những độ tuổi và trình độ khác nhau, nên thuyết minh viên phải biết chọn lọc phương pháp truyền đạt phù hợp. Ví dụ, học sinh tiểu học rất hiếu động, nên việc thu hút sự chú ý của các em sẽ khó hơn. Do vậy, thuyết minh viên phải kể những câu chuyện ngắn gọn, kết hợp với những hiện vật được trưng bày, bố trí hợp lý, giúp các em tập trung và dễ hiểu. Còn với đoàn khách lớn tuổi, nhu cầu nghiên cứu thì thuyết minh viên sẽ đi sâu hơn vào các nguồn tư liệu.
Không chỉ chị Thủy, mà tất cả thuyết minh viên đang công tác tại Bảo tàng tỉnh đều trăn trở làm thế nào để truyền đạt được đầy đủ kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội… của 25 dân tộc đang chung sống tại vùng đất biên cương Lào Cai đến khách tham quan.
Để biến những thông tin mình biết thành những câu chuyện mà khách muốn nghe là kỹ năng quan trọng nhất mà các thuyết minh viên phải hoàn thiện.
Số lượng hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai luôn được bổ sung, vì vậy các thuyết minh viên phải thường xuyên trau dồi, cập nhật kiến thức cho bản thân. Cùng với các cán bộ bảo tàng và nhà khảo cổ, các thuyết minh viên thường dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, đến tận nơi phát hiện ra hiện vật tìm hiểu từ thực tế, từ người hiến tặng và nhân chứng lịch sử, trên cơ sở đó bổ sung, hoàn thiện kiến thức cho mình, giúp truyền đạt đến công chúng những câu chuyện có sức thuyết phục hơn.
Công việc thuyết minh viên đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm, thường rất khó đối với các bạn trẻ mới ra trường, nhưng đó không phải là vấn đề với thuyết minh viên “gen Z” Dương Thị Tuyết (sinh năm 1999). Lúc mới vào công tác tại Bảo tàng tỉnh, chị Tuyết gặp nhiều khó khăn khi nhận ra việc học tại trường đại học và khi đi làm thực tế có nhiều khác biệt. Sau khi trải nghiệm công việc thực tế, cùng với học hỏi ở những người đi trước, rồi nghiên cứu tài liệu, sách, báo chuyên ngành, chị đã rút ra được nhiều bài học cho bản thân.
Lần đầu tôi dẫn đoàn là một kỷ niệm đáng nhớ. Do còn trẻ nên tâm lý của tôi chưa được vững, có chút lo lắng, sau đó tôi phải bình tâm lại để dáng đi được tự tin và giọng nói trôi chảy nhất có thể. Thật may mắn, lần đầu tiên tôi đã trải qua suôn sẻ
Không còn “đóng mình” trong khuôn viên bảo tàng, các hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai được các thuyết minh viên mang đến gần hơn với công chúng qua các bài viết, bài nghiên cứu được đăng trên fanpage, website của Bảo tàng tỉnh và trên các tạp chí chuyên ngành. Bên cạnh đó, các trường phổ thông trên địa bàn phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức các buổi học, thuyết minh viên thường mang một số hiện vật đến giảng dạy trực quan cho học sinh, giúp các em hứng thú hơn với môn Lịch sử.
Với tình yêu công việc, các thuyết minh viên tại Bảo tàng tỉnh đã làm “sống dậy” và truyền tải những câu chuyện, thông điệp lịch sử, văn hóa qua các hiện vật, góp phần quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người Lào Cai đến với nhiều người.