Trên nền vải lanh còn nguyên nước hồ, đôi tay tỷ mẩn vẽ lên những hình ảnh tươi đẹp từ sáp ong. Theo quan niệm của người Mông, ngoài cách thêu chỉ thì cách vẽ các họa tiết trên nền vải để trang trí các bộ trang phục hoặc đồ dùng trong nhà bằng sáp ong là một trong những yếu tố cho thấy sự đảm đang, khéo léo của phụ nữ.
Tùy theo ý tưởng của từng người, những hình ảnh được vẽ có dáng điệu, màu sắc khác nhau, nhưng tựu chung sẽ là hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, như chim muông, ong bướm. Không chỉ họa lên cho đẹp mắt, những hoa văn uốn lượn ấy còn là nét đẹp văn hóa truyền thống, phản ánh đời sống tinh thần phong phú, tình yêu, sự gắn bó tha thiết với thiên nhiên của đồng bào Mông.
Để tạo “mực” vẽ, người dân thường chọn loại sáp ong rừng cho sắc nét và bền lâu. Những mảng sáp ong được chọn sẽ đem vắt lấy mật, lọc hết cặn bã và đem tinh chế thành thứ dung dịch đặc biệt có màu vàng nâu, mùi thơm ngầy ngậy. Để lưu giữ loại “mực” này, người dân thường chưng cất cho cô đặc, khi có việc cần dùng thì lấy lượng vừa đủ rồi đun sôi trên bếp lửa.
Loại bút vẽ sáp ong cũng rất đặc biệt. Khác với những loại bút thông thường có ngòi nhỏ, bút vẽ sáp ong là phần lưỡi của 3 mảnh nhôm ghép lại dài khoảng 1 cm. Mỗi khi bút chấm sáp, mực ngậm đều phần lưỡi và dồn về phần góc chụm, ấy là nơi mực được trải đều trên mặt vải. Không phải loại vải nào cũng có thể dùng để vẽ sáp ong. Phụ nữ người Mông thường kỳ công se sợi lanh rồi dệt nên loại vải lanh riêng có.
Những hoa văn được chọn vẽ rất đa dạng. Ví như hình vẽ trên vải để may áo nam giới sẽ khác với vải may áo của nữ giới; hình trên vải may áo cũng khác với hình vẽ trên vải dùng làm khăn, làm chăn, đồ trang trí... Trên những bộ trang phục ấy, những hình ảnh thân quen như núi đồi, ruộng nương, cây hoa, chim muông luôn được các nghệ nhân họa lên. Tấm vải lanh sau khi được vẽ sáp ong với thời gian vừa đủ thì đem đi nhuộm chàm nhiều lần rồi phơi khô. Phơi khô xong lại được luộc qua nước sôi. Gặp nhiệt độ cao của nước, sáp ong sẽ tan hết, tạo thành những hoa văn trắng trên nền vải nhuộm chàm xanh.
Vừa tỉ mỉ đưa nét bút trên nền vải trắng, bà Lù Thị Mấy, năm nay hơn 70 tuổi ở xã Hoàng Liên tâm sự: Trước đây, phụ nữ trong thôn ai cũng biết vẽ sáp ong trên nền vải lanh, tuy nhiên, do việc làm cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mẩn, nhiều công sức nên dần dần ít người còn theo nghề.
Mong muốn lưu giữ nét đẹp của dân tộc mình, giới thiệu với du khách gần xa, gia đình bà Mấy mở dịch vụ trải nghiệm nghề vẽ sáp ong của đồng bào Mông tại khu du lịch Cát Cát. Hằng ngày, gian hàng nhỏ của bà luôn tấp nập khách du lịch đến tham quan, chiêm ngưỡng các công đoạn của nghề vẽ sáp ong, đồng thời, dưới sự hướng dẫn của bà, du khách được trải nghiệm hoạt động thú vị của người bản địa.
Là một trong số ít người còn biết và theo nghề vẽ sáp ong, bà Lù Thị Mấy luôn trăn trở làm thế nào để nghề của cha ông không mai một. Trong ý tưởng của mình, bà dự định cùng những phụ nữ khác biết nghề vận động giới trẻ học và truyền dạy cho họ.
Bà Mấy tâm sự: Không thể để nghề của ông, cha mai một và mất đi, nên tôi sẽ dạy cho lớp trẻ, bắt đầu từ con gái, con dâu trong nhà và anh em, họ hàng. Tôi tin khi biết làm, hiểu về cái hay và cái đẹp của nghề, mọi người sẽ yêu và gìn giữ mãi mãi.