Bà Lù Thị Máy, trú tại thôn San 2, xã Hoàng Liên (thị xã Sa Pa) thường xuyên bắt con là Thào Thị P phải địu cháu Thào Minh B đi bán hàng rong trên các tuyến đường thuộc trung tâm thị xã Sa Pa vào các ngày cuối tuần để kiếm tiền.
Nhận thấy hành vi bắt con lao động trước tuổi của bà Máy gây ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển của trẻ em, UBND thị xã Sa Pa đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 22 triệu đồng đối với bà Lù Thị Máy theo điểm c, khoản 3, Điều 23, Nghị định 130 ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.
Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Lào Cai không có trường hợp trẻ em lao động sớm trong môi trường lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn những trường hợp trẻ có hoàn cảnh khó khăn phải tham gia lao động từ sớm, chủ yếu các em phụ giúp công việc gia đình, phụ bán các quán ăn, quán cà phê… Toàn tỉnh hiện có hơn 230.000 trẻ, trong đó có hơn 147.000 trẻ là người dân tộc thiểu số và có khoảng 8.553 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Đây là nhóm trẻ có nguy cơ cao phải tham gia lao động sớm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em tham gia lao động sớm là hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ quan niệm rằng, cho trẻ làm việc từ nhỏ là tốt cho sự phát triển sau này. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, vận động phòng ngừa trẻ em tham gia lao động sớm chưa được quan tâm đúng mức.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, như: Kế hoạch 160 ngày 6/4/2021 về việc thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch 165 ngày 8/4/2021 về việc thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2030…
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội, nhất là cha mẹ và người sử dụng lao động; kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu lao động sớm ở trẻ em.
Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em năm nay với chủ đề “Công bằng xã hội cho tất cả mọi người. Hãy chấm dứt lao động trẻ em”, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, như tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”; tổ chức Diễn đàn trẻ em tỉnh Lào Cai…
Đặc biệt, trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, các cấp, các ngành, đoàn thể tổ chức với nhiều hoạt động, như: Chiến dịch truyền thông tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng về chung tay bảo vệ trẻ em; thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em…
Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm. Vậy nên, việc giảm thiểu lao động sớm, ngăn ngừa việc bóc lột sức lao động trẻ em cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp chính quyền, sự hỗ trợ của các tổ chức, gia đình và xã hội.
Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế, thế giới có khoảng 150 triệu lao động trẻ em, có mặt ở mọi lĩnh vực, ngành nghề. Việc trẻ em phải tham gia lao động sớm dù nguyên nhân gì cũng đều có những nguy cơ rủi ro về thể chất, ảnh hưởng học tập, phát triển trí tuệ của các em và chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.