Từ trung tâm xã Trịnh Tường, vượt qua chặng đường quanh co dốc núi, nhiều đoạn gập ghềnh sỏi đá do mặt đường bị xuống cấp tôi mới đến được thôn Lao Chải. Tuy nhiên, từ đây phải đi thêm chừng 3 cây số nữa về phía thôn Phìn Hồ, xã Y Tý mới đến lán của gia đình ông Lý Giá Xe. Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi đi trên đường đất nhỏ dẫn vào phía rừng già ngập trong sắc hoa đào. Lại càng bất ngờ hơn khi thấy ngôi nhà tường đất nằm bình yên giữa một vùng bạt ngàn hoa đào, hoa lê đang khoe sắc đẹp như trong truyện cổ tích.
Trời nắng đẹp, ông Lý Giá Xe cùng vợ và các con tất bật với công việc trồng cây sâm đất trên mỏm đồi sau nhà. Trong khi nhiều người đang du xuân ngắm cảnh sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn thì gia đình ông Xe đã bắt tay ngay vào sản xuất đầu năm.
Nhìn những mầm cây sâm đất đã nhú lên xanh, ông Lý Giá Xe lau mồ hôi trên trán, tươi cười: Sau tết là vào mùa trồng sâm đất rồi, phải tranh thủ trồng để khi có mưa xuân cây nảy mầm và phát triển tốt. Sâm đất là cây trồng lấy củ, cần nhiều chất dinh dưỡng, nhất là phân bón tổng hợp, phân chuồng hoai mục.
Người đàn ông Hà Nhì gương mặt đầy nếp nhăn của tuổi tác nhưng đôi mắt ông vẫn sáng, mái tóc đen nhánh. Dáng người thấp nhưng chắc nịch như cây gỗ lim, hai bàn tay ông Xe chai sần, nứt nẻ do công việc ruộng nương. Nhà chính ở trung tâm thôn Lao Chải nhưng mấy năm nay vợ chồng ông Lý Giá Xe chủ yếu ở lán trong rừng để trồng trọt, chăn nuôi...
Giữa núi rừng hoang vắng, ngày nào cũng như ngày nào, ông Lý Giá Xe lấy công việc làm vui. Người dân thôn Lao Chải gọi ông Xe là “vua sâm đất”, bởi tuy tuổi cao nhưng năm nào ông cũng trồng và thu hoạch nhiều sâm đất nhất thôn. Năm 2023, ông Lý Giá Xe thu hoạch khoảng 30 tấn củ sâm đất. Ngoài bán củ sâm ăn, ông còn cung cấp giống sâm đất cho thương lái bán đi nhiều nơi. Từ cây sâm đất, gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng.
Đứng ở nương sâm đất nhìn xuống có thể quan sát toàn cảnh trang trại của gia đình ông Xe với bạt ngàn đào, lê đang khoe sắc. Buổi chiều, nắng chiếu nghiêng sườn đồi, những vạt hoa đào ánh lên màu hồng rực rỡ. Dù đi nhiều nơi, ngắm hoa đào khắp các bản làng vùng cao nhưng tôi vẫn phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của hoa đào trên vùng đất này.
Đào ở đây bông to, cánh dày, màu hồng đậm khác hẳn giống đào phai ở nhiều nơi. Ông Lý Giá Xe bảo những ngày giáp tết rất nhiều thanh niên người Mông từ tận Sa Pa sang đây hỏi mua cành đào mang xuống phố bán. Ông bán đi gần trăm cành đào, mỗi cành giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng. Có cây đào đẹp khách trả 2 triệu đồng nhưng ông không bán, ông bảo để cho đẹp.
Xung quanh ngôi nhà nhỏ giữa núi rừng, ông Xe có 400 cây đào và khoảng 200 trăm cây lê từ 4 - 5 năm tuổi. Ngoài ra, ông còn trồng thêm nhiều cây nhỏ trên khắp những mỏm đồi gần xa. Cùng với trồng sâm đất, đào, lê, những năm qua, ông Lý Giá Xe còn trồng một số cây dược liệu như xuyên khung, đương quy và chăn nuôi gà, lợn. Có năm tổng nguồn thu từ trồng trọt, chăn nuôi của gia đình ông Xe được hơn 300 triệu đồng. Học theo mô hình kinh tế của ông Xe, nhiều hộ dân thôn Lao Chải đã dần thoát nghèo, có cuộc sống ấm no hơn.
Khi được hỏi sao ông tuổi cao, không nghỉ ngơi thì ông Xe tươi cười bảo mình còn sức khỏe thì còn phải lao động sản xuất chứ không nên dựa hết vào các con. Điều mà bà con thôn Lao Chải nể phục ông Lý Giá Xe nhất không chỉ là tinh thần lao động mà còn là sự chăm lo cho các con ăn học đầy đủ, có việc làm ổn định.
Ông Xe có 3 người con có trình độ đại học, cao đẳng đang công tác tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện Bát Xát. Gia đình ông Xe hiện có 4 đảng viên. Năm 2017, ông Lý Giá Xe là một trong số ít già làng, người có uy tín tiêu biểu của huyện Bát Xát được đi dự hội nghị ở Thủ đô Hà Nội và được gặp Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Ông Lý Giá Xe luôn phát huy vai trò tuổi cao, gương sáng, gương mẫu trong cuộc sống để bà con học hỏi, làm theo.
Trình bày: Hoàng Thu