Có mặt tại vùng trọng điểm quế Bảo Yên vào thời điểm thu hoạch “vụ tám”, chúng tôi được hòa mình vào không khí rộn ràng ngày mùa của người dân địa phương. Trên các sườn đồi xanh ngát rộn rã tiếng nói cười của người dân đi thu hoạch quế. Trước sân nhà, dọc lối ngõ những thanh quế phơi được nắng cuộn tròn như ống sáo. Những bó quế khô được tuyển lựa theo hợp đồng, xếp gọn chờ xe tải đến thu mua, mùi thơm nồng của quế lan tỏa khắp các ngả đường…
Đang nhanh tay dở những thanh quế phơi trên sân cho đều nắng, kịp khô đóng gói xuất bán cho thương lái, bà Nguyễn Thị Thơm, thôn Khuổi Phường, xã Vĩnh Yên tươi cười: Từ đầu tháng 8 đến nay, trời nắng đều nên người dân dốc toàn lực thu hoạch, bởi 2 tháng nữa bước vào mùa đông, mưa phùn, sương muối, vỏ quế sít lại không bóc được. Gia đình tôi có gần 4 ha quế đang tuổi thu hoạch, từ đầu vụ đến nay thu được hơn 5 tấn vỏ, bán với giá 46.000 đồng/kg vỏ khô, thu về hơn 200 triệu đồng. Từ nay đến cuối vụ, dự tính sản lượng khai thác cũng tương đương. Nhờ trồng quế, gia đình đã xây dựng căn nhà khang trang, có điều kiện lo cho các con ăn học, làm nhà cho con ra ở riêng khi chúng lập gia đình.
Cùng chung niềm vui, chị Cổ Thị Đào (thôn Khuổi Phường) phấn khởi vì trồng quế giúp gia đình có nguồn thu ổn định. Gia đình chị Đào có hơn 2 ha quế, trong đó gần 1 ha đến tuổi khai thác, còn lại quế hơn 3 năm tuổi. Vừa rồi khai thác 0,5 ha quế, thương lái mua tại chân đồi với giá 21.000 đồng/kg vỏ tươi, gia đình thu về hơn 200 triệu đồng. Năm nay giá quế ổn định, thương lái thu mua tận nương, gia đình không mất chi phí vận chuyển.
Đến xã Nậm Lúc (Bắc Hà), những rừng quế bạt ngàn, xanh ngát cho thấy màu của sự no ấm. Từ khi cây quế được nhân rộng, người dân nơi đây có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng khấm khá. Chúng tôi gặp anh Vàng Văn Hiện đang vận chuyển quế vừa thu hoạch về nhà. Mặc dù khá mệt với bó quế trên vai nhưng khuôn mặt anh lộ rõ niềm vui, cho biết: "Gia đình tôi còn khoảng 2 ha quế đang cho thu hoạch. Từ đầu vụ đến nay, gia đình đã thu hoạch và bán được gần 100 triệu đồng".
Từng là xã khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo trong tốp đầu của huyện Bắc Hà, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã Nậm Lúc giảm nhiều, địa phương đang phấn đấu “về đích” nông thôn mới trong năm tới.
Từ vài chục cây quế bén duyên với các nương đồi của vùng cao Lào Cai hơn 50 năm trước, đến nay cây quế được nhân rộng ra hầu khắp các thôn, bản trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có gần 60.000 ha quế, quế phủ khắp các nương đồi, quế thay thế cây trồng kém hiệu quả, quế giúp người dân có nguồn thu ổn định quanh năm. Quế đã trở thành cây lâm nghiệp chủ lực của tỉnh, đóng góp quan trọng vào cơ cấu kinh tế và cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Mùa thu hoạch quế diễn ra 2 vụ mỗi năm, đó là vụ 3 (từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch) và vụ 8 (từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch). Trong khoảng thời gian này, vỏ quế dễ bóc và có nhiều tinh dầu, vì vậy công việc thu hoạch quế cần khẩn trương, bởi trái vụ, vỏ quế sẽ dính chặt vào thân, bóc không dóc.
Về các xã trồng quế của tỉnh những ngày mùa thu nắng vàng như mật, hương quế thơm đưa trong gió, gương mặt người dân phấn khởi khi nói về nghề trồng quế. Vùng nguyên liệu quế phát triển, gắn với đó là các cơ sở sản xuất, chế biến tinh dầu quế ra đời, sản phẩm quế có đầu ra thuận lợi, tin rằng cây quế sẽ ngày càng đem lại cuộc sống sung túc cho người dân.