Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 diễn ra từ ngày 14 đến ngày 28/8 và giành thắng lợi. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cuộc cách mạng Tháng Tám có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn, mở ra bước ngoặt quan trọng cho vận mệnh đất nước, đưa người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, đồng thời thể hiện bản lĩnh, khả năng dự báo, nhận định tình hình và chớp thời cơ của Đảng, lãnh đạo Nhân dân vùng lên đấu tranh.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhưng người dân Lào Cai chưa trọn niềm vui độc lập cùng Nhân dân cả nước. Theo sử liệu địa phương, từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8/1945, cũng như các huyện khác của tỉnh Yên Bái, các huyện Văn Bàn, Than Uyên, Lục Yên đã thành lập được UBND lâm thời từ huyện đến các xã. Phải một thời gian sau, khi đoàn cán bộ do Trung ương cử lên công tác tại Lào Cai, chính quyền cấp tỉnh và ở thị xã Lào Cai, Sa Pa, Phố Lu mới được thành lập.
Trong những ngày sục sôi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn đã nổi dậy chống lệnh thu thóc, thu bông của Nhật và nô nức đi phá các kho thóc của Nhật ở Bản Noỏng (Khánh Yên Thượng), xã Bảo Hà, xã Võ Lao lấy được 56 tấn thóc chia cho dân. Đặc biệt, ngày 5/8/1945, đơn vị võ trang đưa Nguyễn Đình Văn về châu lỵ Văn Bàn tại Dương Quỳ để triệu tập các hào lý trong châu về họp. Tại cuộc họp này, đại biểu của Việt Minh tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền do Nhật lập ra, thành lập chính quyền mới và giao lại cho Nguyễn Đình Văn làm Chủ tịch huyện.
Quyết tâm giữ vững thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tự hào là nơi thành lập chính quyền của huyện, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Nhân dân các dân tộc xã Dương Quỳ đã tích cực chiến đấu, góp phần giải phóng quê hương, nỗ lực lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống mới tự do, no ấm.
Bà Hoàng Thị Điệp ở thôn Bản Pàu, xã Dương Quỳ phấn khởi vì đời sống ngày càng nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Hiện tại, gia đình bà tập trung phát triển mô hình chăn nuôi lợn thịt và trồng lúa, ngô. Mỗi năm, gia đình xuất chuồng khoảng 5 tấn lợn hơi; thu khoảng 3,5 tấn lúa và 8 tấn ngô. Trừ các loại chi phí, mỗi năm mô hình kinh tế cho gia đình khoảng 150 triệu đồng.
“Có tự do, độc lập, mình tự quyết định trồng cây gì, chăn nuôi con gì trên mảnh đất của mình, miễn là mang lại hiệu quả kinh tế và không vi phạm các quy định của Nhà nước. Đó là điều chúng tôi sung sướng nhất”, bà Điệp khẳng định.
Đưa tôi đi thực tế tình hình đời sống của người dân xã Dương Quỳ, đồng chí Hà Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND xã cho hay: Những năm gần đây, bình quân tỷ lệ giảm nghèo của xã đạt hơn 2%; năm 2019, xã “về đích” nông thôn mới. Với vị trí trung tâm cụm xã phía Tây, giai đoạn 2020 - 2025, huyện Văn Bàn xác định mục tiêu phát triển hạ tầng cho địa phương, trong đó tuyến đường kết nối từ nút giao IC16 cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Lai Châu (Quốc lộ 279) đang được triển khai. Khi giao thông thuận lợi sẽ góp phần phát triển đô thị và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch. Theo định hướng của huyện, xã Dương Quỳ sẽ là điểm trung chuyển cho thị trấn du lịch Dần Thàng, kết nối với du lịch leo núi lên đỉnh Sinh Tchapao (xã Nậm Chày). Tương lai không xa, xã Dương Quỳ không chỉ là một đô thị đẹp, mà còn trở thành khu cung ứng dịch vụ cho du lịch và phát triển du lịch gắn với nông nghiệp.
Nói đến phong trào cách mạng của địa phương, không thể không nói đến phường Lào Cai, thành phố Lào Cai ngày nay, nơi ra đời của tổ Việt Minh tại ga xe lửa Phố Mới cuối tháng 5 năm 1945. Tổ đã đẩy mạnh tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi Nhân dân chuẩn bị thời cơ, phối hợp với cách mạng cả nước đứng lên giành độc lập dân tộc.
Khu Lào Cai là trung tâm thị xã tỉnh lỵ Lào Cai nên các sự kiện trong cuộc vận động giành và củng cố chính quyền cách mạng tỉnh Lào Cai những năm 1945 - 1947 chủ yếu diễn ra ở đây. Theo hồi ký của đồng chí Ngô Minh Loan, cuộc họp chuẩn bị thành lập chính quyền cách mạng của tỉnh ngày 24/10/1945 đã giới thiệu danh sách Ủy ban cách mạng lâm thời của tỉnh diễn ra tại dinh tỉnh trưởng, nằm cạnh sông Nậm Thi - Phố Tèo, nay là phố Phan Bội Châu, phường Lào Cai. Kết thúc cuộc họp, đồng chí Ngô Minh Loan công bố với Tỉnh trưởng Đàm Quang Vinh phải bàn giao công việc cho Ủy ban cách mạng ngày 25/10/1945, dinh Tỉnh trưởng sẽ là trụ sở làm việc của Ủy ban cách mạng.
2 năm sau, cũng chính tại phường Lào Cai, ngày 5/3/1947 đã diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh, là nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Lào Cai khi Người lên thăm năm 1958. Lịch sử đã chọn phường Lào Cai là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh.
Những năm sau này, Đảng bộ phường lãnh đạo Nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, cùng với quân, dân trong tỉnh chiến đấu giải phóng, xây dựng quê hương, nỗ lực đổi mới, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế để phát triển. Giờ đây, phường Lào Cai đã thay đổi toàn diện, trở thành cửa ngõ quan trọng, nối thành phố Lào Cai với các tỉnh miền xuôi, thông thương với nước bạn Trung Quốc và là điểm du lịch tâm linh mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan, chiêm bái. Đời sống người dân ngày càng nâng cao, không còn hộ nghèo. Phường phát triển mạnh theo hướng thương mại, du lịch, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp chỉ còn chiếm gần 1% trong cơ cấu kinh tế địa phương.
Đồng chí Trần Cao Thắng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Lào Cai cho biết, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn chú trọng phát huy truyền thống cách mạng, dự báo, đánh giá tình hình, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, ban hành nghị quyết sát hợp với thực tiễn và nhiệm vụ chính trị đặt ra ở từng giai đoạn cụ thể...
Sau cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra thành công, quân, dân tỉnh Lào Cai đã kiên trì đấu tranh để giành, giữ chính quyền, chiến đấu, giải phóng quê hương. Trên hành trình ấy, không chỉ xã Dương Quỳ của huyện Văn Bàn hoặc phường Lào Cai của thành phố Lào Cai, mà ở mỗi thôn, bản, xã, phường, thị trấn, mỗi huyện, thị xã, thành phố đến cấp tỉnh đều nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no, làm tỏa sáng thêm giá trị lịch sử của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong vị thế mới của đất nước hiện nay, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Tỉnh Lào Cai và từng huyện, thị xã, thành phố cũng đã và đang đặt ra những mục tiêu cụ thể cho mình để nỗ lực phát triển. Thành phố Lào Cai đang trên hành trình phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại 1; huyện Bảo Thắng đã được công nhận huyện nông thôn mới; huyện Mường Khương đặt ra mục tiêu trở thành thủ phủ chè của tỉnh; các huyện phấn đấu trở thành huyện phát triển. Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu lớn, thống nhất hành động, phấn đấu trở thành cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc. Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đứng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao của cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt trên 10%/năm. Đến năm 2050, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển, là một trung tâm phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước.
Lộ trình đã xác định, tất cả đều nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là mang lại no ấm cho Nhân dân, củng cố vững chắc vùng biên cương, góp phần vào xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.