Gia đình chị Lê Thị Nga, thôn Cánh Địa, xã Sơn Hải (Bảo Thắng) được biết đến là điển hình hiến đất làm đường giao thông tại địa phương. Trước nhu cầu giao thương, vận chuyển nông sản, tháng 10/2022, tuyến đường liên xã Sơn Hải đi Gia Phú được mở rộng. Trên tuyến đường này có đoạn qua đồi quế của gia đình chị Nga. Tuy nhiên, để mở rộng được nền đường không đơn giản, bởi nếu tránh đồi quế thì bắt buộc phải mở rộng về phía ta-luy âm, chi phí sẽ tăng do phải đắp nền, thậm chí có đoạn phải kè chống sạt lở, trong khi nguồn lực có hạn. Thấy vậy, chị Nga đã bàn với gia đình và quyết định hiến 1.500 m2 đất đồi và hơn 200 cây quế đã trồng được 3 năm để mở rộng đường.
Đến tháng 3/2023, khi xã có chủ trương mở rộng tuyến đường trục thôn Cánh Địa, gia đình chị Nga tiếp tục hiến 500 m2 đất, đồng thời di chuyển hàng chục cây dừa đã trồng 4 năm, cây xoài, mít đã cho thu hoạch 2 năm để việc mở rộng đường thuận lợi. Nói về việc làm của mình, chị Lê Thị Nga cho rằng mỗi người đóng góp một chút thì việc khó sẽ trở nên đơn giản.
Tạo khí thế thi đua xây dựng nông thôn mới
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết giai đoạn 2012 - 2015 gia đình chị Nga đã hiến 5.000 m2 đất để mở mới tuyến đường trục thôn Cánh Địa và đóng góp hơn 8 triệu đồng để đổ bê tông.
“Gia đình tôi chỉ có suy nghĩ được đóng góp vì việc chung là hạnh phúc, chứ không mong muốn trở thành điển hình hay gương sáng” - chị Nga trải lòng.
Cuối năm 2022, tuyến đường thôn Sả Hồ và tuyến đường thôn An Phong (xã Phong Niên) đi Hốc Đá (xã Xuân Quang) được mở mới với chiều dài 3,6 km. Đầu năm 2023, tuyến đường trục thôn Hốc Đá được mở rộng từ 3 m lên 7 m với chiều dài 2,2 km. Để mở mới và mở rộng các tuyến đường này, 40 hộ ở thôn Hốc Đá đã hiến hơn 40.000 m2 đất, chặt 28.000 cây quế, cây ăn quả, thậm chí còn dỡ bỏ tường rào, nhà tắm, lấp ao… Tuy nhiên, để có được sự đồng thuận của các hộ, vai trò gương mẫu, đi đầu và tích cực vận động người dân của ông Vũ Kim Trọng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hốc Đá rất quan trọng.
So với gia đình anh Phạm Mạnh Tuấn (hiến 4.000 m2 đất), gia đình anh Phạm Minh Dũng (hiến 1.600 m2 đất)… thì diện tích đất mà gia đình ông Vũ Kim Trọng hiến không nhiều. Tuy nhiên, không phải ông Trọng “hẹp hòi”, mà nhu cầu mở rộng tuyến đường qua phần đất của gia đình chỉ cần có vậy, trong khi ông sẵn sàng chặt bỏ gần 100 cây quế đã trồng được 10 năm, nhiều cây sưa, các loại cây ăn quả. Với vai trò là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, khi xã có chủ trương mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn hiện có, ông Trọng đã tiên phong chặt cây, dỡ bỏ các công trình của gia đình trong phạm vi cần mở rộng.
Đây không phải lần đầu gia đình ông Trọng hiến đất làm đường. Trước đó, năm 2013, khi có chủ trương mở mới các tuyến đường giao thông nông thôn, lúc đó tuyến đường thôn Hốc Đá chỉ là đường mòn, hẹp, ngoằn ngoèo, khuất tầm nhìn, ông Trọng cũng đã bỏ tiền thuê máy gạt nắn tuyến, mở rộng nền đường chạy qua vườn cây của gia đình mình, đồng thời chặt hơn 100 cây ăn quả các loại (xoài, mít, vải, nhãn)…
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh, từ vùng thấp đến vùng cao, từ thành thị đến nông thôn còn có rất nhiều hộ tự nguyện hiến đất làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Tiêu biểu như gia đình ông Giàng A Lềnh, thôn Ý Lình Hồ 1, xã Hoàng Liên (thị xã Sa Pa) hiến 1.000 m2 đất làm đường trục thôn; gia đình ông Giàng Seo Páo, thôn Cẩu Pì Chải, xã Thào Chư Phìn (Si Ma Cai) hiến 3.000 m2 đất mở đường giao thông nông thôn; gia đình ông Triệu Phúc Vương, thôn Hạ, xã Nậm Dạng (Văn Bàn) hiến 3.000 m2 và 1.800 cây quế để làm đường giao thông nông thôn…
Để phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục lan tỏa và hiệu quả, trong thời gian tới, các ngành và địa phương trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền để người dân nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, thường xuyên, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, lấy người dân làm chủ thể tham gia và hưởng thụ thành quả của nông thôn mới, từ đó tạo sự đồng thuận xã hội và có thêm nhiều điển hình hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới.