Ở thôn Bản Bô, xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn, câu chuyện của em Chu Thị Mai Trang khiến nhiều người không khỏi xót xa. Cha mất sớm, mẹ rời bỏ em từ khi mới 2 tuổi, Mai Trang lớn lên trong sự đùm bọc của ông bà nội già yếu. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, lại thêm bệnh hiểm nghèo bủa vây, suốt những năm tháng đi học, Trang vừa chịu nỗi đau thể xác, vừa mặc cảm, tự ti với các bạn đồng trang lứa.
Em Lồ Thị Kiều Anh ở thôn Sín Chải A, xã Dìn Chin (huyện Mường Khương) lớn lên trong cảnh thiếu thốn tình thương khi bố mất sớm, mẹ bỏ đi không lời từ biệt. Hiện tại, Kiều Anh sống cùng người chú và bà nội trong căn nhà xiêu vẹo giữa núi rừng.
Hai cô bé, dù cách xa nhau về địa lý, lại chung một hoàn cảnh: mồ côi, nghèo khó và khao khát được đến trường.

Trước hoàn cảnh của Mai Trang và Kiều Anh, năm 2024, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã nhận đỡ đầu hai em thông qua cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Từ đây, Trang và Kiều Anh nhận được sự hỗ trợ thiết thực để có thêm sách vở học tập, cải thiện điều kiện sống và vun đắp hy vọng cho tương lai.
Là người sát sao và giới thiệu nhận đỡ đầu Trang với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thầy giáo Lương Cảnh Toàn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thẳm Dương là người vui nhất khi chứng kiến nụ cười đã nở trên gương mặt của Mai Trang. Thầy Toàn chia sẻ: “Trước đây, Trang sống khép kín, ít cười nói với bạn bè, thầy cô. Từ ngày được nhận đỡ đầu, Trang không chỉ được hỗ trợ về vật chất mà còn được động viên về tinh thần. Nhìn Trang vui vẻ, hoà đồng với các bạn, tôi vui lắm...!”.

Những năm qua, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động được Lào Cai hưởng ứng, triển khai mạnh mẽ. Trên cơ sở tiêu chí “địa chỉ nhân đạo”, các cấp hội tiến hành khảo sát, lập hồ sơ đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được trợ giúp, bao gồm: hộ nghèo, trẻ mồ côi, người già neo đơn, người đơn thân, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật... Để giới thiệu các “địa chỉ nhân đạo” với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức và hiệu quả. Ngoài ra, hội cũng tích cực vận động cán bộ, hội viên gương mẫu, chủ động đi đầu trong việc trợ giúp các đối tượng khó khăn.

Bà Vàng Thị Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Chúng tôi lập hồ sơ từng trường hợp, trong đó đối tượng là trẻ em mồ côi như Mai Trang và Kiều Anh có số lượng lớn nên sẽ tập trung ưu tiên.
Hiện các cấp hội đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ 1.116 địa chỉ nhân đạo, phần lớn là trẻ em. Mỗi em được cá nhân hoặc tổ chức nhận đỡ đầu hỗ trợ từ 300 nghìn/tháng đồng đến 500 nghìn đồng/tháng.
Ngoài ra, cuộc vận động còn được Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai gắn với các chương trình khác của hội, như: “Người tốt, việc thiện”, “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”… Qua đó, các em không chỉ được hỗ trợ về tài chính mà còn được chăm sóc toàn diện, tạo động lực vươn lên trong cuộc sống.

Điều có ý nghĩa nhất trong hơn 15 năm qua là cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã chuyển hướng từ vận động đơn lẻ sang vận động diện rộng và cộng đồng trách nhiệm. Hội Chữ thập đỏ các cấp ngày càng trở thành cầu nối quan trọng trong việc xã hội hóa các hoạt động nhân đạo. Qua đó, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng chung tay, tham gia đóng góp thiết thực, làm nên sức sống và lan toả tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách trong cộng đồng dân cư và xã hội.
“Có những người là mẹ đơn thân, hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn tham gia nhận đỡ đầu, đều đặn gửi hỗ trợ cho các cháu. Tấm lòng đó thật đáng quý” - bà Vàng Thị Mai Hương bộc bạch.
Thời gian tới, bên cạnh việc duy trì hỗ trợ các “địa chỉ nhân đạo”, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai tiếp tục khảo sát, mở rộng thêm các đối tượng cần được giúp đỡ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm đưa công tác nhân đạo lan tỏa đến từng nhà, từng người, gắn với từng việc làm cụ thể, thiết thực và nghĩa tình