Thực hiện Nghị quyết 10, huyện Bảo Thắng tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, với 5 nội dung đột phá: Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị, phát triển sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với chế biến, liên kết sản xuất; thực hiện giao đất, giao rừng, quy chủ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp; đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới.
Tại huyện Mường Khương, việc thực hiện tập trung vào 5 cây, con chủ lực: Chuối, dứa, chè, kinh tế đồi rừng và phát triển đàn lợn đen bản địa. Mường Khương hiện có hơn 4.900 ha chè, 1.580 ha chuối, 1.560 ha dứa và 1.170 ha quế; tổng đàn lợn hơn 30.000 con, sản lượng 712 tấn lợn thịt thương phẩm mỗi năm, riêng lợn đen chiếm 62% sản lượng. Huyện cũng đã chuyển đổi gần 2.000 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang phát triển các cây chủ lực (chè, dứa, chuối, quế). Cơ cấu cây trồng chuyển đổi theo hướng tăng diện tích cây trồng chủ lực, tiềm năng, có đầu ra ổn định theo chuỗi liên kết, đồng thời phát huy thế mạnh các vùng cây trồng đặc sản; chú trọng quy hoạch, cơ cấu lại vùng sản xuất hàng hóa; tích cực áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, xây dựng thương hiệu, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Từ việc thực hiện Nghị quyết 10 ở Bảo Thắng và Mường Khương cũng như các địa phương khác trong tỉnh cho thấy, nghị quyết ngày càng đi sâu vào cuộc sống.
Mục tiêu của Nghị quyết 10 đến năm 2025, giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực đạt trên 6.500 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt trên 10.400 tỷ đồng; chuyển đổi khoảng 12.000 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Định hướng đến năm 2050, giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, chiếm 75% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững.
Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 10, Lào Cai đã đạt nhiều kết quả: Bình quân tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp đạt trên 5%/năm; giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực năm 2022 đạt 4.200 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông - lâm - thủy sản đạt 4,95%. Ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm, đưa một số giống năng suất, chất lượng vào sản xuất phù hợp với chế biến và thị trường tiêu thụ. Các hình thức tổ chức kinh tế tập thể được đẩy mạnh, đến nay toàn tỉnh có 285 hợp tác xã nông nghiệp, 362 tổ hợp tác nông nghiệp, 118 trang trại. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh thu hút thêm 26 dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp nhà máy, cơ sở chế biến. Công tác xúc tiến thương mại được tổ chức góp phần kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, toàn tỉnh hiện có 103 doanh nghiệp/HTX với 327 dòng nông sản an toàn được cấp mã QR CODE...
Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Nghị quyết 10 đã được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện đồng bộ; các giải pháp nghị quyết đưa ra đã được vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tế. Điển hình như việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện; ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; triển khai xây dựng các kế hoạch giai đoạn, hằng năm và các văn bản cụ thể hóa nghị quyết.
Lào Cai xác định nông nghiệp là 1 trong 4 trụ cột của nền kinh tế, giữ vai trò là “trụ đỡ” duy trì đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Để nông nghiệp phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế thì phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp xanh và bền vững là điều cần thiết.