Quay vềE-magazineTheo dõi Báo Lào Cai trênGoogle News
“Nả” Hương ở Lũng Pô

“Nả” Hương ở Lũng Pô

Sẩm tối, anh Lù Seo Súa mới chân thấp chân cao, tất tả ngược dốc đến điểm Trường Mầm non Lũng Pô đón con gái Lù Ánh Dương về nhà. Thấy bố, cô bé mừng reo hớn hở nhưng vẫn không quên khoanh tay lễ phép chào “nả” Hương, rồi mới ùa ra, gọn trong vòng tay của bố. Có lẽ, với cô giáo Hương, đó là niềm vui và phần thưởng lớn nhất khi gắn bó cả thanh xuân của mình ở vùng đất biên cương.

na-theo-tieng-dia-phuong-nghia-la-me-1.jpg

Tôi đến điểm trường Lũng Pô, trời sắp tối nhưng nán lại trò chuyện với hai cô giáo “cắm bản” ở đây, may mắn được nghe tiếng chào non nớt mà đong đầy niềm thương yêu của cô bé học sinh người Mông ấy. “Con chào nả Hương, con về ạ!”. Từ “nả” theo tiếng địa phương nghĩa là “mẹ”. Câu chào mẹ Hương cất lên ở núi rừng biên giới, nơi “con sông Hồng chảy vào đất Việt” sao mà ấm áp, thân thương đến thế.

na-theo-tieng-dia-phuong-nghia-la-me-2.jpg

Bản Lũng Pô hình thành từ năm 2007, khi Nhà nước đầu tư xây dựng “điện - đường - trường - trạm” theo Chương trình 135 giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. Cũng sát Tết năm ấy, theo chân già làng Ma Seo Páo, 17 hộ người Mông đã rời mảnh đất khô khát Dìn Chin ở tít trên núi cao huyện Mường Khương đến đây lập nghiệp cho đến bây giờ.

na-theo-tieng-dia-phuong-nghia-la-me-3.jpg

Bản Lũng Pô nay đã sinh sôi và thêm đồng bào Dao, Hà Nhì ở nơi khác đến, thành ra đông đúc hơn, gần 90 hộ cùng chung tay xây bản, giữ đất đai biên giới.

“Em nhớ buổi chiều mùa đông năm 2007, bố và cậu em trai đi xe máy đưa em khi ấy vừa tốt nghiệp trung cấp sư phạm ở Vĩnh Phúc lên A Mú Sung nhận công tác; núi rừng hoang vu, đường khó, dân thưa, ở nhờ nhà dân mái gianh vách nứa, gió núi lùa buốt xương, đèn dầu chập chờn...

thay-lai-lan-2.jpg

Trường phân công cô Hương về dạy học sinh mầm non ở “yên ngựa” Ngải Trồ, Nậm Mít ngang lưng đồi cao, rồi tụt xuống thung sâu Phù Lao Chải, xuống ngã ba Tùng Sáng, rồi ra sát mép nước đường biên Lũng Pô này. Vậy là trọn một vòng gần hết các bản khó khăn nhất của xã A Mú Sung, bộ đội biên phòng gọi chệch là “A mờ sương” bởi mùa đông rét thấu gan, sương mù đặc quánh, quần áo ẩm mốc hôi rình. Cả thanh xuân của cô giáo Hương trải cùng bà con người Mông và con em họ trên các bản làng xa xôi ở mảnh đất biên giới này.

na-theo-tieng-dia-phuong-nghia-la-me-5.jpg

Điểm trường Lũng Pô có 22 học sinh, từ 2 - 5 tuổi, hầu hết là người Mông, một số ít người Dao và Hà Nhì. Hằng ngày, bố mẹ các em lên nương, tờ mờ sáng vội đưa con đến lớp học, giao cho hai cô giáo Hương và Hà, với niềm tin như giao con cho người thân ruột thịt của gia đình, của bản. Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, bà con cắt cử nhau đến nấu cho các con ăn, rồi ngủ trưa tại lớp, buổi chiều học và vui chơi, sát tối thì đón về nhà.

Thời khoá biểu 7 giờ 15 phút - giờ học bắt đầu, 16 giờ 30 phút thì nghỉ, nhưng ở đây thời tiết khắc nghiệt, nắng rát và rét buốt, đời sống còn nhiều khó khăn, đi lại vất vả nên hễ có học sinh đến là đón, các gia đình đón hết học sinh mới nghỉ, không kể thời gian sớm tối...

na-theo-tieng-dia-phuong-nghia-la-me-6.jpg

Cô Hà bảo, nhiều học sinh đến lớp vội quá, bố mẹ quên áo ấm, mũ che đầu, dép đi chân hoặc đã hỏng, thậm chí còn nhiều ngày quên tắm. Thương các con, hai cô giáo lụi cụi lau mũi, rửa mặt, đi xin các nhà hảo tâm áo và dép cho các con.

na-theo-tieng-dia-phuong-nghia-la-me-7.jpg

Cái khó nhất ở lớp ghép của cô giáo Hương, tựa lưng trên đồi cao nhìn xuống dòng Lũng Pô ngày đêm ầm ào đổ nước ra sông Hồng, là có đến 4 độ tuổi (2-3-4 và 5 tuổi) cùng học chung. Các bé 2 tuổi thì mới rời cha mẹ phải chăm chút, dỗ dành; các bé 4-5 tuổi thì hiếu động, nghịch ngợm, rất dễ xảy ra điều không mong muốn nếu chỉ lơ là chốc lát. Khó nữa, các con đều là người dân tộc thiểu số, ở bản xa, ít được giao tiếp nên tiếng phổ thông rất hạn chế, nhiều học sinh ngay tiếng mẹ đẻ cũng chậm nói, ít vốn từ.

na-theo-tieng-dia-phuong-nghia-la-me-8.jpg

“Ngoài giờ học tiếng Việt, chúng em phải dạy hát, dạy múa, rồi mở tivi cho các con nghe tiếng Việt, thậm chí lúc sáng đón vào lớp hay lúc chiều dắt các con về cũng tranh thủ dạy các con từng câu chào, gọi tên cô giáo, tên các bạn trong lớp cho dần quen tiếng phổ thông…”- cô Hương chia sẻ. Có nghĩa là, tận dụng mọi lúc, mọi nơi có thể để dạy nói và viết tiếng Việt cho học sinh tựa như con chim nhỏ mới rời tổ còn non nớt, tinh khôi cần nâng niu, thương yêu mà dạy đánh vần, học chữ.

na-theo-tieng-dia-phuong-nghia-la-me-9.jpg

Nhà cô giáo Hương ở Bản Vược, cách điểm trường Lũng Pô hơn 40 km. Chồng cô làm nghề tự do, hai con đang tuổi đi học. Điều không may mắn là ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã cướp đi ngôi nhà cấp 4 ở tạm của hai vợ chồng và các con. Cô Hương phải chắt chiu đồng lương để thuê nhà, trang trải cuộc sống gia đình.
Điều an ủi và động viên lớn nhất đối với cô Hương là được Liên đoàn Lao động huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, nhà trường, chính quyền địa phương, đồng nghiệp, các nhà hảo tâm trên mọi miền đất nước chia sẻ, đùm bọc hỗ trợ làm lại nhà, ổn định cuộc sống...

na-theo-tieng-dia-phuong-nghia-la-me-10.jpg

Ở Lũng Pô, tối đến nhanh hơn ngoài thành phố. Khi mặt trời vừa tắt nắng là cái lạnh thấm ngay sau lưng. Nhìn hai cô giáo lui cui sắp đồ, xỏ dép, đội mũ cẩn thận rồi dắt từng trẻ đặt vào tay ông bố, bà mẹ vừa từ nương đồi trở về vẫn còn lấm đất, chợt thấy lòng mình chùng xuống.

Ngày 20/11 ở nơi đây có lẽ cũng như những ngày bình thường, khác chăng là các em bé vùng cao cùng nhau mang thêm bó hoa dã quỳ nở vàng sẵn có bên bờ rào đá vườn nhà hay bên đường đi đến lớp, mà bố mẹ hay ông bà gửi vào tay chúng để mừng cô giáo.

Cô Hương đã 17 năm, còn cô Hà cũng 11 năm, sẽ còn gắn bó với với nơi này để dạy chữ, vun đắp nết người, bồi xây nhân cách cho học sinh, mai đây sẽ là chủ nhân của miền đất Lũng Pô biên giới. Tôi cứ nghĩ mãi, điều gì mà có sức hút lớn như vậy, để các cô giáo quê tận miền xuôi Nam Định, nhà ở cách xa mấy chục cây số, ngày đêm cùng mưa nắng, đi xe máy “trèo lên” núi cao biên giới “trồng người”?

na-theo-tieng-dia-phuong-nghia-la-me-11.jpg

Cô Hương kể tôi nghe, chuyện làm cô nhớ mãi, bực phát khóc định bỏ nghề nhưng rồi cô đã ở lại nơi đầu nguồn biên giới Lũng Pô này. Sau Tết năm ấy, cô đi bộ gần tối đến nhà một gia đình người Dao cheo leo ngang núi Ngải Trồ, để đón học sinh ra lớp nhưng bà mẹ ôm chặt cô con gái nhất định không cho đi học. Đang bữa cơm, ông bố mời cô giáo ăn “mèn mén”. Trời tối lại đói nên cô ngồi lại. Nhà nghèo chả có gì nhưng ông bố cứ loay hoay chọn cái gì ngon nhất trên mâm cơm cho cô giáo. “Nhìn cảnh ấy em ứa nước mắt..."

na-theo-tieng-dia-phuong-nghia-la-me-12.jpg

Chuyện ngày trước là vậy, còn hôm nay, tôi đến điểm trường Lũng Pô và đã hiểu vì sao các con chào “nả” Hương ấm áp và thân thương như thế…!

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cán bộ quản lý tâm huyết

Cán bộ quản lý tâm huyết

26 năm công tác, trong đó có 10 năm làm cán bộ quản lý, thầy giáo Đỗ Hải Tùng được biết đến là người luôn tâm huyết với công việc.

Cô giáo dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Cô giáo dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Vững chuyên môn, hòa đồng, giản dị, đó là nhận xét của Ban Giám đốc, đồng nghiệp và học sinh tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên tỉnh về cô giáo Chử Thanh Tâm.

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh giành giải Nhất vòng loại Cuộc thi Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy cho học sinh khu vực Tây Bắc

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh giành giải Nhất vòng loại Cuộc thi Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy cho học sinh khu vực Tây Bắc

Sáng 12/11, tại thành phố Lào Cai, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai tổ chức vòng loại Cuộc thi Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy cho học sinh khu vực Tây Bắc năm 2024.

Lắng nghe học sinh nói

Lắng nghe học sinh nói

Trên tinh thần vừa là thầy vừa là bạn, Phòng tham vấn tâm lý học đường của Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Cam Cọn (huyện Bảo Yên) đã trở thành địa chỉ tin cậy giúp học sinh chia sẻ khó khăn của tuổi mới lớn.

Chạy đua "săn vé" vào đại học sớm

Chạy đua "săn vé" vào đại học sớm

Trong bối cảnh tuyển sinh đại học giảm phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, ngày càng nhiều thí sinh lựa chọn phương thức xét tuyển khác để “săn vé” vào đại học sớm.

Còn bao nhiêu cột kim loại nữa?

Còn bao nhiêu cột kim loại nữa?

Ở nhiều thôn bản vùng cao của tỉnh còn bao nhiêu cột điện, bao nhiêu hộ dân dùng cột kim loại để làm trụ đỡ đường dây kéo điện? Nên chăng, chính quyền địa phương và ngành điện cần có cuộc rà soát toàn tỉnh để có phương án hỗ trợ người dân sử dụng điện lưới quốc gia an toàn, hiệu quả.

fbytzltw