Qua điều tra cung - cầu lao động năm 2022, hiện toàn tỉnh có hơn 512.000 người trong độ tuổi lao động, với gần 427.000 người đang tham gia thị trường lao động, trong đó 397.289 lao động có việc làm trong tỉnh (chiếm 93,2%) và 28.783 lao động có việc làm ngoài tỉnh (chiếm 6,8%).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án lớn, thu hút khoảng 15.000 lao động làm việc và có thu nhập cao (quần thể du lịch, dịch vụ cáp treo, vui chơi, giải trí, khách sạn Fansipan Sa Pa, Trung tâm thương mại Go! Lào Cai, Tập đoàn Biti’s; Công ty Cát Cát, các nhà máy thủy điện…). Bên cạnh đó, những ngành nghề ở ngoài tỉnh như sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may, đóng giày, khai thác than… tại Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bình Dương, Hà Nội, Quảng Ninh cũng đang thu hút 10.000 - 15.000 lao động của tỉnh. Cùng với giải quyết việc làm trong nước, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Rumani, Đức, Singapore… đã giúp người lao động có thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/tháng.
Có được kết quả trên, vai trò của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là rất quan trọng trong việc thông tin, điều phối, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Trung tâm thực hiện cung cấp thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, trong đó đặc biệt ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động cư trú trên địa bàn huyện nghèo, huyện biên giới, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Bình quân mỗi năm, trung tâm tổ chức 30 - 40 phiên giao dịch việc làm, thu hút hơn 50 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động và hơn 10.000 lượt lao động tham gia phỏng vấn, tư vấn tìm kiếm việc làm. Nhờ thực hiện tốt chính sách kết nối cung - cầu lao động, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 23.800 lao động và phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 13.200 lao động trong năm 2023.
Để tạo thị trường lao động đa dạng, linh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển thị trường lao động, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân, trong đó giao chỉ tiêu giải quyết việc làm cho các sở, ngành, địa phương. Tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường nghề trung ương để thống nhất nhu cầu đào tạo, xúc tiến ký cam kết đào tạo, cung ứng lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.
Đặc biệt, tỉnh chủ động mời các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh, doanh nghiệp nước ngoài như Samsung, TKV, Sungroup, Vingroup… tuyển dụng lao động của tỉnh đi làm việc. Thông qua ngày hội việc làm cấp tỉnh, cấp huyện và các phiên giao dịch việc làm, đã tư vấn, kết nối việc làm cho hơn 100.000 thanh niên, người lao động, trong đó khoảng 60.000 người dân tộc thiểu số.
Hằng năm, tỉnh Lào Cai ưu tiên ngân sách từ 3 - 5 tỷ đồng phân bổ cho các địa phương hỗ trợ giải quyết việc làm cho người dân. Đến nay, tổng vốn vay Quỹ quốc gia việc làm của tỉnh là 706,6 tỷ đồng, với hơn 22.000 người lao động và doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương để kịp thời kết nối, cung ứng lao động, nhất là nắm nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư đã có dự án hoặc đang nghiên cứu đầu tư vào Lào Cai.
Từ năm 2021 đến tháng 5/2023, tỉnh Lào Cai đã giải quyết việc làm cho 35.627 người/61.000 người, đạt 58,4% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, trong đó 15.968 lao động nữ; 21.259 lao động là người dân tộc thiểu số; có 8.515 lao động được vay vốn Quỹ quốc gia việc làm.