Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Lên Kin Chu Phìn ngắm “hoa hậu lê”

Lên Kin Chu Phìn ngắm “hoa hậu lê”

Ngay từ sáng sớm, mặc dù trời mưa nhưng vẫn có cả nghìn người dân và du khách vượt đường dốc đá gập ghềnh về thung lũng Kin Chu Phìn (xã Nậm Pung, huyện Bát Xát) trong niềm vui của ngày hội Trải nghiệm thu hái lê VH6 - bà con quen gọi là lê Tai nung. Năm nay lê Tai nung chín sớm hơn mọi năm, nên lễ hội lê cũng được tổ chức sớm hơn thường lệ.

Lên Kin Chu Phìn - 2.jpeg

Buổi sớm tháng Sáu, sương mờ giăng đầy thung lũng Kin Chu Phìn. Cơn mưa ào xuống phủ lên không gian bát ngát của núi rừng một chút se lạnh, choàng lên những vườn lê trĩu quả một tấm áo voan trắng mờ ảo. Nhìn mưa rơi chưa ngớt, anh Lý Gì Mờ, Chủ tịch UBND xã Nậm Pung nét mặt lo lắng. Nếu trời cứ mưa dày hạt như vậy thì lễ hội trải nghiệm thu hoạch lê tại đây sẽ khó có thể thành công, bởi phần hấp dẫn nhất là cuộc thi hái lê và thi “hoa hậu lê” để chọn ra người hái lê giỏi nhất, những quả lê thơm ngon đều diễn ra ngoài thực địa tại một số vườn lê của thôn.

Lên Kin Chu Phìn - 3.jpeg

Bất chấp trời mưa, dòng người đổ về khu tổ chức lễ hội trải nghiệm thu hoạch lê tại thôn Kin Chu Phìn 2 ngày càng đông, làm tuyến đường độc đạo vào thôn trở nên chật hẹp. Tiếng nhạc vang lên rộn ràng. Hàng trăm đại biểu, người dân và du khách cuốn theo làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào Mông, Dao, Hà Nhì được biểu diễn tại lễ hội. Trời cũng chiều lòng người, khoảng 10 giờ, trời tạnh ráo. Du khách và người dân dõi theo những hoạt động của lễ hội và thích thú trải nghiệm vào vườn tự tay hái và thưởng thức những quả lê thơm ngon.

Từ sáng sớm, chị Trần Hải Yến cùng những người bạn ở thành phố Lào Cai vượt chặng đường xa đến với thung lũng Kin Chu Phìn tham gia lễ hội hái lê.

Nhiều lần tôi đã nghe xã Nậm Pung có loại quả đặc sản nổi tiếng là lê Tai nung nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến nơi này. Thật tuyệt vời vì nơi đây núi non hùng vĩ, khí hậu trong lành, mát mẻ chẳng khác gì Sa Pa. Tuyệt vời nhất là được tự tay hái và thưởng thức lê trong vườn. Lê Tai nung ở đây quả to, màu đẹp, ăn ngọt mát và đậm vị. Tôi và các bạn đã mua gần 1 tạ quả lê về làm quà cho bạn bè và người thân.

Chị Yến chia sẻ.

Lên Kin Chu Phìn - 4.jpeg

Là du khách đến từ Hà Nội, anh Phạm Trần Quyết, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia cho biết: Được hòa mình vào lễ hội lê tại xã Nậm Pung là trải nghiệm hoàn toàn mới với tôi, khác hẳn với việc đi mua hoa quả tại quầy hàng hoặc siêu thị. Tôi ấn tượng nhất là những vườn lê xanh mát, trĩu quả, khi thưởng thức lê Nậm Pung tôi cảm nhận được vị ngọt và thanh mát đặc biệt. Người dân Nậm Pung thật giản dị, chân chất và hiếu khách, đón tiếp chúng tôi rất nồng nhiệt, chân thành. Tôi sẽ quay lại nơi này.

Lên Kin Chu Phìn - 5.jpeg

Trong khi rất đông du khách đang tham quan vườn lê và trải nghiệm hái lê trong vườn, ngắm những quả lê to đẹp nhất được gọi tên “hoa hậu lê”, chị Tẩn Tả Mẩy, dân tộc Dao, chủ vườn lê ở đây đang tất bật bán vé cho khách vào thăm vườn và bận rộn nghe điện thoại gọi đến đặt mua lê ship về các nơi. Chị Mẩy giọng đầy phấn khởi: Năm nay lê được mùa, khách đến lễ hội vào vườn rất đông. Dự kiến vụ lê này, gia đình tôi bán 4 tấn quả, nếu giá ổn định như hiện tại sẽ thu được khoảng 120 triệu đồng. Không chỉ gia đình tôi, vườn lê của các hộ trong thôn như Tẩn Láo Tả, Lồ A Chính, Tẩn Sài Lù… đều sai trĩu quả. Vui hơn nữa là việc tổ chức lễ hội lê đã quảng bá để du khách khắp nơi biết đến quả lê Nậm Pung, giúp bà con bán lê thuận lợi hơn.

Lên Kin Chu Phìn - 2.jpeg

Trước khi đến xã Nậm Pung mùa lê Tai nung năm nay, chị Nụ, người dân xã Quang Kim (Bát Xát) không khỏi hồi hộp. Lý do không phải nơi đây gắn với chị nhiều kỷ niệm mà bởi chị đang nóng lòng muốn đến thăm khu vườn có cây lê gắn biển mang tên mình để tận tay hái những quả lê căng mọng. Thật tuyệt vời khi có mặt tại khu vườn, hái được hơn 30 kg quả lê từ chính cây lê mang tên mình. Chị Nụ bảo, từ đầu năm, khi quả lê còn nhỏ, mình đã đặt mua 1 cây lê trong vườn với giá 500 nghìn đồng. Chủ vườn sẽ làm cỏ, bón phân, chăm sóc cây lê, tỉa quả, bọc quả lê đến lúc quả cho thu hoạch. Đều đặn hằng tháng, chị được cập nhật thông tin tình hình cây lê phát triển ra sao.

Lên Kin Chu Phìn - 6.jpeg

Thật thú vị khi hỏi thêm về những cây lê được gắn biển tên trong khu vườn, chúng tôi được biết đây là một sáng kiến của lãnh đạo địa phương, với mô hình mang tên “Cây lê nhà mình”. Người tiên phong thử nghiệm trên chính vườn lê của gia đình là chị Cao Xe Mẩy, dân tộc Hà Nhì, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Pung.

Hiện nay, trong vườn lê của gia đình tôi có 80 cây lê được gắn biển tên khách từ khắp nơi, trong đó có những người ở tận thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Chỉ với 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, bất kỳ ai cũng có thể sở hữu 1 cây lê trong vườn chờ đến khi thu hoạch quả. Điều làm tôi phấn khởi hơn là đến mùa quả chín, nhiều người sẽ đến tận vườn thu hái quả lê. Những người năm nay chưa đến hái lê trực tiếp được cũng rất thích thú khi được xem video “hái lê online” và được ship về tận nhà.

- Chị Mẩy cho biết

Lên Kin Chu Phìn - 7.jpeg

Lễ hội trải nghiệm thu hoạch lê VH6 và mô hình “Cây lê nhà mình” tại Nậm Pung góp phần tạo sân chơi để du khách có thể tham gia trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển du lịch bền vững theo hướng bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với sản xuất nông nghiệp, sinh thái.

Lên Kin Chu Phìn - 8.jpeg

Theo anh Lý Gì Mờ, Chủ tịch UBND xã Nậm Pung, cây lê Tai nung bén rễ đất Nậm Pung đã được 15 năm.

Đến nay, xã Nậm Pung trở thành vùng trồng lê lớn nhất huyện Bát Xát với hơn 176 ha, trong đó hơn 70 ha đang cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở thôn Kin Chu Phìn 1, Kin Chu Phìn 2. Tổng sản lượng lê của xã năm nay ước đạt 80 tấn quả, đem lại nguồn thu khoảng 2,5 tỷ đồng. Điều quan trọng là sản phẩm quả lê Tai nung của xã đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, được quảng bá rộng rãi, tạo nên thương hiệu và nhiều người ưa chuộng.

Cùng với việc đem lại giá trị kinh tế, cây lê Tai nung ở Nậm Pung đang được khai thác cả ở giá trị về du lịch. Mùa xuân, khi hoa lê nở trắng núi rừng, du khách đến Nậm Pung được hòa mình vào lễ hội hoa lê trắng. Sang mùa hè, quả lê chín mọng, cũng là khi diễn ra lễ hội trải nghiệm thu hoạch lê.

Lên Kin Chu Phìn - 9.jpeg

Nghe anh Mờ nói, tôi tưởng tượng ra viễn cảnh tươi sáng về vùng lê bát ngát nơi thung lũng Kin Chu Phìn, bao quanh bản làng người Dao, người Hà Nhì đậm đà bản sắc văn hóa. Mỗi mùa lễ hội, những vườn lê đầy ắp biển tên sẽ vẫy gọi hàng nghìn du khách về đây để ngắm hoa, ăn quả, xem điệu múa chuông của các thiếu nữ Dao, hòa cùng điệu nhảy que của các chàng trai, cô gái Hà Nhì, để rồi vấn vương nhớ mãi không thôi...

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Mô hình nuôi sâu canxi ở Xuân Quang

Mô hình nuôi sâu canxi ở Xuân Quang

Mô hình nuôi sâu canxi đang trở thành điểm nhấn tại xã Xuân Quang khi vừa giúp giảm chi phí chăn nuôi, vừa xử lý chất thải hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường, mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp bền vững.

"Sơn ngư" trên đỉnh Dền Sáng

"Sơn ngư" trên đỉnh Dền Sáng

CÁ TẦM NẶNG HƠN 50KG NGỠ CHỈ LÀ CHUYỆN HOANG ĐƯỜNG NHƯNG LẠI CÓ THẬT Ở MỘT TRANG TRẠI NUÔI CÁ NƯỚC LẠNH TRÊN ĐỈNH DỀN SÁNG. 6 CON CÁ TẦM, MỖI CON NẶNG HƠN 50KG ĐANG ĐƯỢC NUÔI DƯỠNG TẠI ĐÂY, NGOÀI RA CÒN VÀI TRĂM CON NẶNG TỪ 10KG TRỞ LÊN. CHỦ TRẠI CÁ LÀ LÃO NÔNG U70 CÓ NIỀM ĐAM MÊ VỚI CÁ NƯỚC LẠNH, ÔNG GỌI CHÚNG LÀ “SƠN NGƯ” KHỔNG LỒ.

Hình ảnh người dân xã Tân Lĩnh đan rọ tôm.

Đan rọ tôm - Nghề của “người miền núi làm việc miền xuôi”

Nơi núi non trùng điệp ôm ấp những bản làng yên bình, có một nghề thủ công đã tồn tại suốt hơn ba thập niên, đó là nghề đan rọ tôm. Tại vùng đất trước kia gọi là Phan Thanh - một xã của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cũ, nay thuộc xã Tân Lĩnh, tỉnh Lào Cai, nghề truyền thống này giúp hơn trăm hộ dân có nguồn thu nhập ổn định.

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Ngày hè, nắng như rót mật xuống những thửa ruộng ở thung lũng Nghĩa Đô, cũng là lúc những sợi rơm vàng óng phơi mình trên bãi đất sau mùa gặt. Ở Nghĩa Đô, rơm không còn là phế phẩm nông nghiệp chỉ dùng để đun nấu hay lót chuồng trại chăn nuôi gia súc. Rơm đang “sống lại” trong những đôi tay tài hoa của phụ nữ bản người Tày, bản người Dao bên bếp lửa, dưới mái nhà sàn; hay góc sân nhỏ của những ngày nông nhàn sau mùa gặt, trong những câu chuyện đời thường đẹp như thơ…

Bát Xát mở rộng mô hình rau hữu cơ

Bát Xát mở rộng mô hình rau hữu cơ

Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón hóa học, mô hình trồng rau hữu cơ do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bát Xát triển khai bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Từ mô hình điểm với cây rau bí, huyện đang từng bước mở rộng sang nhiều loại rau màu khác, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.

Triển vọng phát triển kinh tế từ cây chè dây

Triển vọng phát triển kinh tế từ cây chè dây

Từng là cây mọc tự nhiên trong rừng, nay chè dây đã được người dân xã Nậm Pung (Bát Xát) đưa về trồng tại vườn nhà, bước đầu mang lại thu nhập ổn định. Nhờ sự hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm từ doanh nghiệp, cây chè dây đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho xã vùng cao này.

fb yt zl tw