Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Lào Cai - vị thế mới trong hành trình phát triển đất nước sau 50 năm thống nhất

Lào Cai - vị thế mới trong hành trình phát triển đất nước sau 50 năm thống nhất

0:00 / 0:00
0:00

Trịnh Xuân Trường

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Năm 2025 đánh dấu tròn 50 năm đất nước Việt Nam thống nhất (1975 - 2025) - một cột mốc lịch sử trọng đại, gợi lên biết bao tự hào và xúc cảm thiêng liêng. Nửa thế kỷ qua, Lào Cai - mảnh đất biên cương Tây Bắc hùng vĩ - cũng đã có những bước chuyển mình ngoạn mục, vươn lên mạnh mẽ từ gian khó và khẳng định vị thế ngày càng quan trọng trên bản đồ đất nước.

1.jpg

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” - lời hiệu triệu bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang vọng trong trái tim triệu triệu người Việt Nam những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng đó, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, dù ở nơi biên viễn xa xôi đã một lòng hướng về miền Nam ruột thịt. Hàng vạn thanh niên của tỉnh đã tình nguyện lên đường nhập ngũ; hàng nghìn tấn lương thực, thuốc men và vật tư các loại được huy động gửi ra tiền tuyến. Không ít người con ưu tú của quê hương Lào Cai đã nằm lại nơi chiến trường phương Nam, góp phần tô thắm thêm những trang sử vàng chói lọi trong lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc.

2-1704.jpg

Đặc biệt, từ năm 1965 - 1971, tỉnh Lào Cai đã thành lập hai tiểu đoàn độc lập chi viện cho chiến trường miền Nam. Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I được thành lập ngày 30/7/1967 gồm 150 chiến sĩ; 100% là cán bộ, công nhân, viên chức của các cơ quan cấp tỉnh, được biên chế thành hai đại đội là C9 và C10. Sau hơn 6 tháng huấn luyện, ngày 12/2/1968, đơn vị lên đường vào Nam chiến đấu. Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn II có 497 chiến sĩ là con em của các huyện: Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng và thị xã Lào Cai nhập ngũ ngày 15/7/1968, biên chế thành 4 đại đội. Sau hơn 6 tháng huấn luyện, ngày 6/2/1969, Tiểu đoàn lên đường theo tiếng gọi của tiền tuyến vào miền Nam chiến đấu.

Tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Lào Cai có gần 2 vạn người trực tiếp tham gia chiến đấu và hỗ trợ chiến đấu, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975... Toàn tỉnh có 72 Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có những mẹ cả chồng và con đều hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

2.jpg

Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, non sông thu về một mối cũng là lúc cả nước bước vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế. Năm 1976, tỉnh Lào Cai, tỉnh Yên Bái và một phần tỉnh Nghĩa Lộ được sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Từ tháng 2/1979, quân và dân toàn tỉnh lại phải tiếp tục cùng với cả nước bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

3-9976.jpg

Tháng 10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập với muôn vàn khó khăn. Hạ tầng kinh tế - xã hội gần như trở về vạch xuất phát sau chiến tranh, đời sống Nhân dân thiếu thốn trăm bề. Tỷ lệ hộ nghèo đầu thập niên 1990 lên tới trên 60% (cao nhất cả nước), thu ngân sách địa phương chỉ vỏn vẹn 36 tỷ đồng; trình độ dân trí, năng lực cán bộ cũng rất hạn chế (30% cán bộ không biết chữ). Nhưng trong gian khó lại càng sáng lên tinh thần đoàn kết và ý chí vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai. Được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ và sự nỗ lực đổi mới sáng tạo của chính mình, Lào Cai dần dần “trút bỏ tấm áo cũ chật hẹp” để bắt đầu công cuộc tái thiết, xây dựng quê hương.

Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có của một tỉnh biên giới - cửa ngõ thông thương với Trung Quốc. Nhờ định hướng đúng và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị cùng Nhân dân, Lào Cai đã thoát khỏi diện tỉnh nghèo, từng bước khẳng định vai trò là một tỉnh trọng điểm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đồng thời là cửa ngõ quan trọng kết nối Việt Nam với vùng Tây Nam (Trung Quốc). Chặng đường vươn lên sau chiến tranh đầy gian nan ấy đã hun đúc trong Nhân dân Lào Cai một niềm tin mới, rằng quê hương mình nhất định sẽ đổi thay, “xây dựng lại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như di nguyện của Bác Hồ năm xưa.

3.jpg

Sau 50 năm đất nước thống nhất, đặc biệt là gần 35 năm kể từ ngày tái lập tỉnh (1991 - 2025), Lào Cai đã vươn lên mạnh mẽ, với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Kinh tế Lào Cai liên tục tăng trưởng ở mức cao; quy mô nền kinh tế địa phương năm 2024 đạt trên 78.000 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước đạt gần 13.000 tỷ đồng (gấp 360 lần so với năm 1991). Du lịch bứt phá mạnh mẽ, trở ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2024, Lào Cai đón trên 8 triệu lượt du khách (cao gấp hơn 10 lần dân số của tỉnh), trong đó có hơn 800 nghìn lượt khách quốc tế.

8.jpg

Kinh tế cửa khẩu và thương mại biên giới sôi động, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh có năm đạt trên 5 tỷ USD, giữ vai trò “cầu nối” kinh tế quan trọng giữa Việt Nam và thị trường Vân Nam (Trung Quốc). Môi trường đầu tư thông thoáng, chính sách ưu đãi hợp lý, tính đến đầu năm 2025, tỉnh thu hút được hàng trăm dự án với tổng vốn đăng ký hàng chục nghìn tỷ đồng. Sự có mặt của nhiều doanh nghiệp lớn không chỉ giúp kinh tế phát triển, tăng nguồn thu ngân sách, mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.

7.jpg

Diện mạo đô thị và nông thôn Lào Cai sau 50 năm đất nước thống nhất đã “thay da đổi thịt” ngoạn mục. Giao thông, từ chỗ chỉ có các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nhỏ hẹp, nay đã có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội lên Lào Cai còn khoảng 3 - 4 giờ (thay vì 7 - 8 giờ trước đây). Hệ thống Quốc lộ 4D, 70, 279… và các tuyến tỉnh lộ huyết mạch được nâng cấp; trên 80% đường giao thông tới các xã vùng sâu, vùng xa đã được nhựa hóa, bê tông hóa, giúp việc đi lại, giao thương thuận lợi quanh năm.

Các dự án trọng điểm, quan trọng như: Cảng hàng không Sa Pa, nâng cấp cao tốc đoạn Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn xe, đường sắt tốc độ cao khổ 1,435m chuẩn bị được khởi công. Thành phố Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế và giao lưu văn hóa hiện đại của vùng biên giới; thị xã Sa Pa trở thành 1 trong 10 trọng điểm du lịch quốc gia. Hạ tầng cửa khẩu và logistics ngày càng hoàn thiện, đưa Lào Cai thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực. Đến nay, 100% xã, phường trên địa bàn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 95%. Mạng lưới viễn thông và internet phủ sóng rộng khắp, kể cả vùng sâu vùng xa, đưa thông tin và tri thức đến từng bản làng.

6.jpg

Cùng với tăng trưởng kinh tế, Lào Cai cũng đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa và đảm bảo an sinh xã hội. Công tác giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều đạt khoảng 4 - 5% mỗi năm. GRDP bình quân đầu người của tỉnh cũng thuộc nhóm cao trong cả nước.

Hệ thống giáo dục và y tế được đầu tư mạnh; trường lớp xây dựng khang trang đến tận thôn bản, đưa tỷ lệ trẻ em đến trường thuộc nhóm cao nhất khu vực miền núi phía Bắc. Các bệnh viện, trung tâm y tế được trang bị hiện đại, người dân tiếp cận thuận lợi với dịch vụ khám - chữa bệnh.

Bản sắc văn hóa các dân tộc được trân trọng, giữ gìn và phát huy. Các chương trình an sinh xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát, phát triển nhà ở xã hội được quan tâm, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng trong tỉnh. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, biên giới hòa bình, hữu nghị. Công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả được triển khai quyết liệt và đồng bộ.

4.jpg

Với nền tảng thành tựu đạt được sau 50 năm đất nước thống nhất, Lào Cai tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế mới khi mở rộng không gian phát triển, quy mô dân số và những nguồn lực mới sau hợp nhất đơn vị hành chính. Từ chỗ “ẩn mình” nơi rừng núi Hoàng Liên, Lào Cai giờ đây đã vươn mình trở thành cực tăng trưởng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

4-1606.jpg

Nhờ vị trí địa chiến lược, Lào Cai được ví như “phên dậu vững chắc” nơi địa đầu Tổ quốc, đồng thời là cánh cửa mở ra thị trường quốc tế rộng lớn, là trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc. Trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lào Cai luôn đảm bảo luồng hàng hóa thông suốt từ Trung Quốc xuống các cảng biển Việt Nam và ngược lại. Tỉnh đã xây dựng quan hệ hợp tác hữu nghị gắn bó với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), trở thành hình mẫu trong quan hệ ở cấp địa phương giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc. Lào Cai cũng tích cực mở rộng liên kết kinh tế với khu vực tiểu vùng sông Mekong và ASEAN.

10.jpg

Thấm nhuần quan điểm phát triển không chỉ chạy theo tăng trưởng kinh tế mà phải bền vững, hài hòa, tỉnh Lào Cai đặc biệt chú trọng gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa. Du lịch Lào Cai cũng đang chuyển mạnh sang phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Lào Cai trở thành một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Những nỗ lực bền bỉ ấy đang đưa địa phương thành hình mẫu về cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và văn hóa, hướng đến một xã hội thịnh vượng và bền vững cho các thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu và vị thế đáng tự hào, Lào Cai cũng ý thức rõ còn nhiều thách thức trên chặng đường phía trước: Chất lượng nguồn nhân lực chưa đồng đều; hạ tầng kinh tế - xã hội tại một số địa bàn vùng cao vẫn cần tiếp tục đầu tư để bắt kịp miền xuôi; áp lực lên môi trường ngày càng lớn do tốc độ đô thị hóa, phát triển du lịch và công nghiệp; cạnh tranh kinh tế trong hội nhập ngày càng gay gắt.

9.jpg

Đứng trước vận hội và không gian phát triển mới, tỉnh Lào Cai đã đề ra định hướng chiến lược nhằm phát huy thành quả 50 năm thống nhất đất nước, vững tin bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng của dân tộc.

Trong đó tập trung vào các đột phá chiến lược về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh công tác giáo dục - đào tạo và dạy nghề, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn. Thu hút nhân tài, chuyên gia về công tác tại địa phương; khuyến khích thế hệ trẻ Lào Cai trau dồi tri thức, kỹ năng để làm chủ khoa học và công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo trên quê hương. Thúc đẩy phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trước mắt tập trung đầu tư hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối (cao tốc Nội Bài - Lào Cai nâng cấp đoạn Yên Bái - Lào Cai, đường sắt tốc độ cao, Cảng hàng không Sa Pa); phát triển hạ tầng đô thị hiện đại, hạ tầng số (viễn thông, internet tốc độ cao) và hạ tầng năng lượng sạch.

bia.jpg

Xây dựng các đô thị thông minh như Lào Cai, Sa Pa..., giúp quản lý hiệu quả tài nguyên và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thương mại điện tử, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh… Tăng cường liên kết vùng và chủ động mở rộng hợp tác với các tỉnh trong vùng và các đối tác quốc tế. Kiên trì quan điểm phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong quá trình thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, hợp nhất đơn vị hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Kết luận 121-KL/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Lào Cai đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, đồng lòng, chủ động, quyết liệt trong tinh gọn tổ chức bộ máy, tạo nền tảng vững chắc cho tiến trình hợp nhất đơn vị hành chính, mở ra không gian phát triển mới.

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo sát sao, ban hành nhiều đề án, phương án sắp xếp khoa học, đồng bộ, vượt tiến độ yêu cầu. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, tiết kiệm ngân sách hơn 1.720 tỷ đồng, giảm 4.113 chỉ tiêu biên chế. Công tác bố trí cán bộ, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã được thực hiện chủ động, bài bản, thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Với sự đồng thuận cao trong toàn hệ thống chính trị và Nhân dân, Lào Cai đã sẵn sàng về mọi mặt cho việc hợp nhất, mở ra chặng đường phát triển mới.

Những định hướng chiến lược nêu trên cho thấy tầm nhìn của Lào Cai trong giai đoạn mới: Phát triển nhanh nhưng phải bền vững, hội nhập sâu rộng nhưng vẫn giữ được bản sắc, biến thách thức thành cơ hội để vươn lên mạnh mẽ hơn.

Lịch sử nửa thế kỷ thống nhất đã khắc ghi biết bao đổi thay diệu kỳ trên mảnh đất Lào Cai. Những thành tựu to lớn và rất đỗi tự hào là minh chứng hùng hồn cho bản hùng ca vươn lên của Lào Cai suốt 50 năm qua, bản hùng ca được viết nên bằng mồ hôi, xương máu của bao thế hệ, bằng khát vọng và ý chí không gì khuất phục. Lào Cai hôm nay đã có một vị thế mới: tự tin sánh vai cùng các tỉnh phát triển trong cả nước, là trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng và là cầu nối vươn tầm quốc tế. Đó là kết quả của tầm nhìn đúng đắn, sự lãnh đạo sâu sát của Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ và trên hết là tinh thần đoàn kết, sáng tạo của người Lào Cai trên mảnh đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.

11.jpg

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Kết thúc cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc

Kết thúc cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc

Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi, một bản hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam. Đó là ngày non sông liền một dải, Bắc - Nam sum họp một nhà sau hơn hai mươi năm bị chia cắt bởi chiến tranh và âm mưu đế quốc. Chiến dịch Hồ Chí Minh - đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - là bản anh hùng ca kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ, khép lại cuộc trường chinh đầy hy sinh, gian khổ nhưng cũng đầy hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Đặc sắc chương trình giao lưu văn nghệ "70 năm - Tự hào, vững vàng, tiến bước"

Đặc sắc chương trình giao lưu văn nghệ "70 năm - Tự hào, vững vàng, tiến bước"

Nằm trong các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 70 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam, tối 28/4, tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Quân chủng Hải quân tổ chức chương trình văn nghệ với chủ đề: “70 năm - Tự hào, vững vàng, tiến bước”.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng 29/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn.

“Dân vận khéo” trong xóa nhà tạm, nhà dột nát ở vùng cao

“Dân vận khéo” trong xóa nhà tạm, nhà dột nát ở vùng cao

Những ngày này, các địa phương trong tỉnh khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát để hoàn thành mục tiêu trước ngày 30/6/2025. Đối với các xã vùng cao của tỉnh, một trong những khó khăn, trở ngại là đồng bào dân tộc thiểu số có tục lệ kiêng kị và xem tuổi, chọn ngày đẹp, giờ đẹp để làm nhà. Để khắc phục khó khăn này, một số xã đã làm tốt công tác dân vận, góp phần đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

[Infographic] 48 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai sau sáp nhập

[Infographic] 48 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai sau sáp nhập

Tại kỳ họp thứ 29, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI (kỳ họp giải quyết công việc phát sinh) đã ban hành Nghị quyết 37/NQ-HĐND về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai. Theo đó, sắp xếp 151 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 126 xã, 16 phường và 9 thị trấn) để thành lập 48 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 45 xã và 3 phường. Chi tiết như sau:

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đảng trong mùa Xuân đại thắng"

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đảng trong mùa Xuân đại thắng"

Tối 28/4, Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Đảng trong mùa Xuân đại thắng” diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội). Chương trình do Bộ Công an tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025), 20 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025).

Hội thảo sản phẩm của Đề tài nghiên cứu khoa học “Giải pháp phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai”

Hội thảo sản phẩm của Đề tài nghiên cứu khoa học “Giải pháp phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai”

Chiều 28/4, Đảng ủy Các cơ quan Đảng tỉnh tổ chức Hội thảo sản phẩm của Đề tài nghiên cứu khoa học “Giải pháp phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai”.

fb yt zl tw