Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 825 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, đa số là công trình tự chảy và có quy mô nhỏ (793 công trình quy mô nhỏ từ 15 - 250 hộ sử dụng), nhưng mới có 35 công trình được đầu tư thiết bị xử lý lọc khử khuẩn đảm bảo chất lượng nước sạch theo quy chuẩn Việt Nam, còn lại 790 công trình cấp được nước hợp vệ sinh.
Theo báo cáo của các địa phương, toàn tỉnh có 649 công trình cấp nước đang hoạt động, chiếm 78,7%; 176 công trình không hoạt động, chiếm 21,3% (do đã được đầu tư từ 10 - 15 năm, bị hư hỏng hoặc do biến đổi khí hậu làm cạn kiệt nguồn nước, các địa phương đang làm thủ tục thanh lý).
Nhiều năm qua, để nâng cao hiệu quả sau đầu tư, tỉnh Lào Cai đã thực hiện mở rộng giao khoán quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Ngoài giao khoán cho cá nhân hoặc cộng đồng tại địa phương, hợp tác xã, từ năm 2019 trở đi, tỉnh đã thực hiện thí điểm giao khoán cho các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp.
Qua rà soát, đánh giá thực tế cho thấy, mô hình quản lý, khai thác công trình cấp nước tập trung do UBND cấp xã giao khoán cho cá nhân hoặc cộng đồng tại địa phương thực hiện không mang lại hiệu quả.
Tính đến hết năm 2023, trong số 746 công trình (chiếm 90,3%) do cá nhân hoặc cộng đồng quản lý, khai thác, chỉ có 150 công trình thu được tiền sử dụng nước, nhưng ở mức thấp (bình quân dưới 2.000 đồng/m3) hoặc thực hiện khoán thu theo năm, cuối năm thu với mức rất thấp (từ 5.000 - 10.000 đồng/hộ/tháng).
Mức thu này không đủ để duy trì hoạt động của công trình; khi bị hư hỏng, xuống cấp, không đủ kinh phí sửa chữa, dẫn đến công trình không cấp nước được thường xuyên, khiến nhiều hộ chuyển sang nguồn nước tự kéo và không đóng tiền sử dụng nước.
Đối với mô hình khoán cho hợp tác xã quản lý, khai thác, hiện có 5 hợp tác xã quản lý 16 công trình (chiếm 1,9%), trong đó có 13/16 công trình thu được tiền sử dụng nước theo mức thu quy định của tỉnh, đơn vị khai thác thực hiện tốt công tác vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, cấp nước thường xuyên cho người dân.
Đối với mô hình đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, khai thác, hiện có 9 đơn vị sự nghiệp công lập quản lý 31 công trình, chiếm 3,7%, trong đó Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tự quản lý, khai thác trực tiếp 23 công trình, tất cả công trình đang được vận hành, khai thác tốt và thu tiền sử dụng nước theo mức thu quy định của tỉnh. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã quản lý, khai thác 8 công trình.
Đến nay có 2/8 công trình thu được tiền nước theo mức thu quy định của tỉnh và được tổ chức vận hành tốt (trung tâm dịch vụ nông nghiệp 2 huyện Bảo Thắng, Văn Bàn); 1/8 công trình có thu tiền nhưng thu ở mức thấp (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên; có 3/8 công trình do trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện Bắc Hà, Bát Xát và thị xã Sa Pa trong 6 tháng đầu năm 2023 không thu được tiền vì nguồn nước bị suy giảm, không cấp nước thường xuyên; 2/8 công trình do trung tâm dịch vụ nông nghiệp 2 huyện Mường Khương, Si Ma Cai không thường xuyên tổ chức quản lý, vận hành nên không thu được tiền nước.
Đối với mô hình doanh nghiệp quản lý, khai thác, tính đến hết năm 2023, có 2 doanh nghiệp đang quản lý, khai thác 32 công trình (chiếm 3,8%), trong đó doanh nghiệp có vốn nhà nước (Công ty Cổ phần cấp nước Lào Cai) quản lý, vận hành 3 công trình, chiếm 0,36%; doanh nghiệp tư nhân (Công ty TNHH Dịch vụ cấp nước Lào Cai) nhận giao khoán vận hành, khai thác 29 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn (gồm 5 công trình nhận khoán từ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh và 24 công trình nhận khoán từ UBND các xã, phường thuộc huyện Mường Khương và thị xã Sa Pa). Tất cả các công trình do doanh nghiệp nhận khoán quản lý, vận hành, khai thác đều hoạt động tốt và thu tiền sử dụng nước hiệu quả.
Trong 4 mô hình đang áp dụng thì mô hình giao khoán cho đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp phát huy rõ nét hiệu quả, bởi các công trình được bảo dưỡng, duy tu thường xuyên, cấp nước ổn định, thu được tiền sử dụng nước.
Minh chứng rõ hơn hiệu quả của mô hình này, ông Nguyễn Tiến Lượng, Chủ tịch UBND xã Lùng Vai (Mường Khương) khẳng định: Từ khi giao khoán cho Công ty TNHH Dịch vụ cấp nước Lào Cai quản lý, khai thác, các công trình hoạt động rất tốt, người dân được sử dụng nước đảm bảo chất lượng và ổn định.
Từ hiệu quả giao khoán cho doanh nghiệp quản lý, vận hành công trình cấp nước ở Lùng Vai, Bản Sen, Bản Lầu (Mường Khương), nhiều địa phương trong tỉnh đã mở rộng áp dụng mô hình này. Ông Hoàng Mạnh Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ cấp nước Lào Cai cho biết: Tính đến tháng 3/2024, doanh nghiệp đã được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, UBND các xã, phường trên địa bàn thị xã Sa Pa, Văn Bàn, Bảo Thắng, Mường Khương giao khoán quản lý, vận hành, khai thác 50 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, với hơn 7.000 khách hàng, doanh thu tiền sử dụng nước gần 300 triệu đồng/tháng.
Từ thực tế, ngày 8/3/2024, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị nêu rõ: Thực hiện giao khoán công tác quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định, đảm bảo tất cả các công trình đều có tổ chức, cá nhân đủ điều kiện thực hiện quản lý, khai thác, đồng thời xem xét, đánh giá lựa chọn phương án giao khoán cho doanh nghiệp, hợp tác xã để đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động của công trình.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Nguyễn Quang Ngọc, đây là chủ trương đúng, tuy nhiên có những vướng mắc mà tỉnh cần giải quyết. Đó là các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được đầu tư bằng nguồn ngân sách, là tài sản công nên không thể giao cho doanh nghiệp. Do vậy, khi doanh nghiệp muốn cải tạo, mở rộng, nâng công suất rất khó thực hiện, chỉ có thể duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Mạnh Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ cấp nước Lào Cai đề nghị, UBND tỉnh cần ban hành quyết định giao khoán quản lý, vận hành, khai thác công trình với thời hạn lâu dài (hiện Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, UBND các xã, thị trấn chỉ hợp đồng giao khoán từ 3 - 5 năm) nên doanh nghiệp không yên tâm đầu tư. Cùng với đó, đề nghị tỉnh bố trí chế độ hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng công trình, bởi số tiền sử dụng nước mà doanh nghiệp thu được chỉ đủ chi phí cho công tác quản lý, vận hành. Các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân chia sẻ nguồn nước, tránh để xảy ra tình trạng tranh chấp.