Vệ sĩ, lái xe, phụ xây… những công việc tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông, nhưng vì “cơm áo gạo tiền”, những phụ nữ “chân yếu tay mềm” phải mưu sinh bằng những nghề vất vả này.
Chúng tôi đến công trình xây dựng nhà ở cá nhân trên đường Yết Kiêu, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai), bên cạnh những anh thợ xây chính đứng trên giàn giáo thì ở phía dưới có một phụ nữ tất bật đẩy từng xe gạch và chuyển từng xô vữa lên cao.
Chị Thiều Thị Quy (xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng) kéo khăn bịt mặt, quệt vội mồ hôi trên khuôn mặt đen sạm vì nắng gió, cho biết: "Tôi gắn bó với nghề này hơn 10 năm rồi. Có sức khỏe nên việc gì tôi cũng nhận làm, từ đào móng nhà đến vận chuyển vật liệu, trộn bê tông… nói chung từ những việc nặng nhọc đến những việc nhỏ nhất, tính từ lúc nhận công trình cho đến khi hoàn thiện".
Mặc dù đau lưng, tay chân thì xù xì, chai sạn hết rồi nhưng tôi còn phải nuôi con nhỏ đi học nên phải cố gắng vượt qua, lo cho các con, mong chúng sau này không khổ như mình.
Bỏ lỡ câu chuyện với chúng tôi khi nghe tiếng anh thợ xây phía trên gọi, chị Quy đeo vội khẩu trang, chạy đến xúc đầy các xô vữa, móc vào ròng rọc kéo lên tầng trên, rồi xách nước chuẩn bị trộn mẻ vữa mới. Nắng gió và gánh nặng mưu sinh đã làm người phụ nữ này già hơn tuổi 40 rất nhiều.
Khi nhắc đến nghề vệ sĩ, người ta thường nghĩ đến “phái mạnh”, tuy nhiên cũng có không ít những “bóng hồng” lựa chọn gắn bó với công việc này. Chị Đinh Thị Na, sinh năm 1979, hiện làm vệ sĩ tại Siêu thị Go Lào Cai.
Đối với nghề vệ sĩ, việc bảo vệ tài sản, tính mạng của chủ hoặc đơn vị thuê là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì vậy, những vệ sĩ như chị Na luôn xem việc giữ gìn tài sản của chủ hoặc đơn vị thuê như của chính mình. Chị Na luôn trang bị cho mình bản lĩnh và tâm lý vững vàng khi đối mặt với những tên trộm lưu manh và hung hãn.
Mặc dù mới vào nghề gần 2 năm nhưng chị Na đã có nhiều lần ngăn chặn vụ việc trộm cắp tài sản tại siêu thị. Chị Na kể: Để được tuyển dụng, chúng tôi phải trải qua các khóa đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và được trang bị một số “vốn” căn bản, từ trình độ võ thuật đến những kiến thức tổng quan, như Luật Lao động, Luật Hình sự, cách ứng phó với các tình huống (sơ cứu, phòng cháy, chữa cháy)... Tuy nhiên, những khó khăn, vất vả đó không phải trở ngại lớn đối với phụ nữ mà lại là định kiến xã hội và những ánh nhìn không mấy thiện cảm của nhiều người với nghề này.
Anh Trần Quang Huy, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Dịch vụ bảo vệ Đông Á Jipi cho biết: “Bóng hồng” đến với nghề này vô cùng hiếm. Hiện công ty chỉ có 3 nữ vệ sĩ và đa phần các chị không có ý định gắn bó lâu dài với nghề. Mặc dù vậy, công ty vẫn tuyển dụng bởi so với nam giới, nữ giới làm công việc vệ sĩ có nhiều ưu điểm, như mềm mỏng trong ứng xử, tính kiên trì và chịu đựng cao.
Chị Chương Thị Hồng Chính, phường Duyên Hải (thành phố Lào Cai) năm nay 47 tuổi và đã có 14 năm gắn bó với nghề lái taxi. Chị Chính tâm sự: Con đường đến với nghề lái taxi rất tình cờ. Trước đây tôi làm công việc buôn bán nhưng do thu nhập bấp bênh nên quyết định đi học lái xe ô tô vì muốn được đi đây đó, gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người.
Nhiều người nghĩ lái xe taxi là công việc của đàn ông nhưng tôi cho rằng phụ nữ cũng sẽ làm được công việc này nếu như hội đủ những tiêu chuẩn của người lái xe và thậm chí sẽ làm tốt nếu biết phát huy những thế mạnh vốn có của phái yếu.
Vì đây là nghề tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm nên phụ nữ càng cần trang bị cho bản thân những kỹ năng cho mỗi chuyến đi. Chị Chính chia sẻ: "Tôi có quy tắc riêng là không chở khách say rượu, bia khi không có người thân đi cùng, không nhận khách sau 22 giờ và không tranh cãi".
Câu chuyện về chị Quy, chị Na, chị Chính là những câu chuyện về những phụ nữ bản lĩnh và nghị lực. Gánh nặng mưu sinh hằng ngày đè nặng trên đôi vai khiến họ không ngại ngần lựa chọn và gắn bó với những công việc nặng nhọc và nguy hiểm.