Trong lịch sử dựng nước, giữ nước và cho đến hôm nay, Lào Cai luôn là mảnh đất địa linh “sơn kỳ, thủy tú” - “sông đầu nguồn - núi tuyệt đỉnh”, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa quan trọng ở vùng thượng lưu sông Hồng và chiếm vị trí trọng yếu, nơi biên cương Tổ quốc.
Ngày 12/7/1907, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ đạo quan binh 4 Lào Cai, bãi bỏ chế độ quân quản sang chế độ cai trị dân sự, thành lập tỉnh Lào Cai đã đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển. Tỉnh Lào Cai được thành lập là sự kiện quan trọng, không chỉ có ý nghĩa là thành lập một đơn vị hành chính cấp tỉnh mà còn tạo tiền đề để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cho vùng biên giới Tây Bắc Việt Nam.
Mùa Thu năm 1945, Cách mạng Tháng Tám nổ ra và nhanh chóng giành thắng lợi trên phạm vi cả nước thì vào trung tuần tháng 10/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ và Kỳ bộ Việt Minh đã cử đoàn cán bộ do đồng chí Ngô Minh Loan dẫn đầu lên Lào Cai vận động Nhân dân xây dựng chính quyền cách mạng. Đoàn mang thư của Bác Hồ gửi đồng bào Lào Cai, trong thư Bác báo tin Cách mạng Tháng Tám trên cả nước đã giành thắng lợi và động viên đồng bào Lào Cai đoàn kết cùng cán bộ thành lập và bảo vệ chính quyền cách mạng. Thư của Bác như lời hiệu triệu Nhân dân Lào Cai đứng lên đấu tranh, bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng.
Chỉ một thời gian ngắn, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, đoàn cán bộ Trung ương cùng cán bộ địa phương đã vận động thành lập được chính quyền cách mạng ở thị xã Lào Cai, Bảo Thắng và Sa Pa. Đến ngày 5/3/1947, Ðảng bộ tỉnh Lào Cai được thành lập, mở ra bước phát triển mới trong quá trình phát triển của tỉnh. Ngay từ phiên họp đầu tiên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua nghị quyết quan trọng chỉ rõ 2 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ này là: Tập trung củng cố chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang địa phương để đối phó với hành động xâm lược của thực dân Pháp.
Từ năm 1950 đến năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Nhân dân các dân tộc Lào Cai tiếp tục bước vào thực hiện nhiệm vụ “trừ gian tiễu phỉ”, cùng quân, dân cả nước tiến hành Chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng miền Bắc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh sản xuất để chi viện sức người, sức của giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những năm 1976 - 1991, ba tỉnh: Lào Cai - Yên Bái - Nghĩa Lộ sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hoàng Liên Sơn, Nhân dân các dân tộc Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng phòng tuyến biên giới, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Tháng 10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Nhân dân các dân tộc Lào Cai bắt tay vào khắc phục khó khăn do lịch sử để lại, tập trung phát triển kinh tế - xã hội với một tinh thần quyết tâm cao độ.
Những ngày đầu tái lập tỉnh, tình hình mọi mặt của tỉnh hết sức khó khăn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, giao thông đến tỉnh và từ tỉnh đến huyện, đến xã xuống cấp nghiêm trọng, 56/180 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, 7/10 huyện, thị chưa có điện lưới quốc gia, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, sản xuất tự cung, tự cấp là chủ yếu, thu ngân sách trên địa bàn cả năm mới đạt 19 tỷ đồng; trình độ dân trí thấp và không đồng đều...
Để đưa trung tâm tỉnh lỵ Lào Cai trở thành thành phố xứng tầm với vị thế cầu nối kinh tế - văn hóa - ngoại giao của tỉnh và của vùng đất nơi biên cương Tây Bắc, đầu năm 2003, Chính phủ ra Nghị định sáp nhập thị xã Lào Cai với thị xã Cam Đường và ngày 30/11/2004, thị xã Lào Cai chính thức trở thành thành phố. Dáng vóc một trung tâm đô thị lớn của Lào Cai và cả vùng Tây Bắc trong thế kỷ XXI dần hình thành.
Sau 33 năm tái lập, Lào Cai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, XI, XII, XIII, XIV, XV và XVI, bằng sự đoàn kết, thống nhất, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tập trung giải quyết khó khăn cho vùng cao, vùng sâu, vùng nông thôn. Chỉ trong 10 năm (1995 - 2005), tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân trên 10%, có năm đạt 14%. Cùng với đó, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 95,6% thôn, bản có đường liên thôn; 78% xã có điện lưới quốc gia; trên địa bàn tỉnh đã hình thành 4 khu kinh tế trọng điểm và 3 cụm công nghiệp Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải, Tằng Loỏng. Từ đây, tiềm năng, thế mạnh kinh tế cửa khẩu, công nghiệp và du lịch được khai thác hiệu quả. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 50 lần so với năm 1991. Năm 1991, cơ cấu kinh tế của tỉnh là nông - lâm nghiệp chiếm 61,7%; công nghiệp và xây dựng 15,9%; dịch vụ 22,3%, đến năm 2006, cơ cấu nông - lâm nghiệp giảm còn 31,4%; công nghiệp và xây dựng tăng lên 25,4%; dịch vụ tăng lên 39,1%. Cùng với đó, văn hóa - xã hội cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2007, Lào Cai đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, chỉ còn 7% (theo tiêu chí cũ); quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường, hoạt động đối ngoại không ngừng được mở rộng, hệ thống chính trị được tăng cường, củng cố từ tỉnh đến cơ sở, đội ngũ cán bộ các cấp được đào tạo bồi dưỡng đáp ứng được nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới...
Đặc biệt, bước sang nhiệm kỳ 2020 - 2025, với mục tiêu đặt ra là phấn đấu xây dựng Lào Cai phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc; đến năm 2025, Lào Cai tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng Trung du, miền núi phía Bắc; năm 2030, Lào Cai trở thành tỉnh khá của cả nước… Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng bằng 18 đề án trọng tâm cùng với 7 nhiệm vụ trọng tâm, 9 nhóm giải pháp, 2 lĩnh vực đột phá và các nghị quyết chuyên đề.
Với sự chủ động, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm trong thực hiện các mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) duy trì ở mức cao hơn mức bình quân của cả nước, trong các năm 2021, 2022 và 2023 lần lượt đạt 5,45%, 9,02%, 5,11% và 6 tháng đầu năm 2024 đạt 5,62%. Quy mô kinh tế tỉnh Lào Cai có sự tăng trưởng bền vững, hết năm 2023 đạt gần 74 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 40% so với năm 2020, đứng thứ 4/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc)...
117 năm đã qua đi với biết bao khó khăn, thử thách, thăng trầm của lịch sử, Lào Cai hôm nay đã có sự đổi thay mạnh mẽ, là điểm sáng tiêu biểu của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc - cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc, là trung tâm của hành lang Bắc - Nam trong hợp tác các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Đó là hiện thân của thành quả đoàn kết, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lào Cai.
Là người Lào Cai, hẳn ai cũng nhớ giai điệu bài hát “Lào Cai thành phố trẻ ta yêu” của nhạc sỹ, Nghệ sỹ Ưu tú Minh Sơn với giai điệu tự hào: Lào Cai bước vào ngày mới/Một ngày mới núi rừng xanh hơn/Nhịp cầu qua sông/Nhà nhà vươn cao/Một sức sống đang trào dâng... Đúng, Lào Cai đang vươn lên đổi thay từng ngày.