Mô hình dân vận khéo “Giờ vàng thứ Bảy” do Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố Na Quang 3 (thị trấn Bắc Hà) xây dựng đã trở thành điển hình trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các gia đình trên cùng tuyến phố thống nhất chọn 1 giờ đồng loạt vệ sinh, đổ rác, chỉnh trang đô thị. Ban Chủ nhiệm mô hình thường xuyên tổng hợp, tiếp nhận vật dụng không sử dụng của các hộ để bán phế liệu góp quỹ chung hoặc gọi công nhân môi trường đến thu gom.
Bà Phạm Thị Lụa, Trưởng Ban Công tác mặt trận tổ dân phố Na Quang 3 cho biết: Mô hình “Giờ vàng thứ Bảy” đi vào hoạt động và đạt kết quả thực chất. Vào mỗi thứ Bảy của tuần thứ nhất và tuần thứ tư hằng tháng, các hộ đồng loạt tổng vệ sinh, tạo khí thế thi đua xây dựng tuyến phố văn minh.
Thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình tập trung 100% đồng bào Mông sinh sống. Thực hiện Chỉ thị 05, người dân thôn Pả Chư Tỷ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch. Các hộ cũng tích cực xóa hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường để đón khách du lịch.
Năm 2023, thôn đã đón 5.000 lượt khách du lịch. Hiện Pả Chư Tỷ có 9 ha cây dược liệu, 4 ha cây ăn quả ôn đới, 6 ha rau trái vụ và rau chất lượng cao. Thôn còn có 1 trang trại trồng và chế biến các sản phẩm từ cải kale, 1 homestay gắn với trải nghiệm nông nghiệp, đem lại thu nhập cao cho người dân; trong thôn xuất hiện nhiều điển hình nông dân người dân tộc thiểu số vượt khó vươn lên.
Thăm mô hình phát triển nông nghiệp của anh Mai Văn Cương, tổ dân phố Nậm Cáy, thị trấn Bắc Hà, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Mô hình trồng mận rộng khoảng 6.000 m2 với hơn 200 gốc mận Tam hoa và mận hậu được anh Cương khởi trồng từ năm 2015, đến nay đã cho thu hoạch. Vườn mận được thiết kế mô phỏng ruộng bậc thang với hàng lối khoa học, có view nhìn toàn cảnh thị trấn Bắc Hà.
Hiện vườn mận mang về cho gia đình anh Cương nguồn thu khoảng 100 triệu đồng/năm. Anh Mai Văn Cương còn là Giám đốc Hợp tác xã du lịch Bắc Hà với 9 thành viên, chuyên nấu rượu, làm các sản phẩm từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, mỗi năm thu nhập hơn 300 triệu đồng. Anh dự định phát triển vườn mận thành điểm du lịch nông nghiệp đón du khách đến tham quan, trải nghiệm hái mận tại vườn. Mô hình phát triển kinh tế của anh Mai Văn Cương truyền cảm hứng cho nhiều hộ nông dân người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bắc Hà.
Đó chỉ là 3 trong hàng chục cá nhân, tập thể điển hình học và làm theo Bác trên địa bàn huyện Bắc Hà, qua đó khẳng định việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 trên địa bàn Bắc Hà có sức lan tỏa sâu rộng, tạo khí thế thi đua từ vùng thấp đến vùng cao, trên tất cả các lĩnh vực.
Đồng chí Nguyễn Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Hà cho biết: Để học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc thường xuyên, liên tục và thực chất, cấp ủy các cấp trên địa bàn huyện đã chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị 05, các kết luận, quy định của Tỉnh ủy gắn với các nghị quyết, kết luận về công tác xây dựng Đảng bằng các mô hình, câu chuyện cụ thể, có sức lan tỏa.
Đồng thời, chỉ đạo tổ chức học tập nghiêm, chất lượng nội dung chuyên đề từng năm; các chi bộ, đảng bộ, cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến cán bộ, đảng viên.
Năm 2023, Bắc Hà đã tổ chức 126 điểm tiếp sóng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trực tiếp theo dõi, nghiên cứu học tập chuyên đề với gần 4.700 đảng viên tham gia.
Bên cạnh đó, Bắc Hà còn chú trọng làm tốt công tác biểu dương, nhân rộng các điển hình học Bác. Năm 2023, các chi bộ, đảng bộ, cơ quan, đơn vị đã biểu dương 46 tập thể, 98 cá nhân tiêu biểu; Huyện ủy Bắc Hà ghi danh 30 tập thể, 60 cá nhân tiêu biểu, đề xuất Tỉnh ủy ghi danh 16 tập thể, 19 cá nhân...