Tốt nghiệp hệ chính quy, chuyên ngành Sản, Trường Đại học Y Thái Nguyên, năm 1997, bác sỹ Lê Quỳnh Hoa rời quê hương Yên Bái lên nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa (nay là Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa). Ngay từ những năm đầu tiên, chị Hoa luôn cần mẫn học hỏi đồng nghiệp, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình phụ mổ. Năm 2002, khi hoàn thành khóa đào tạo chuyên khoa I, chị bắt đầu tham gia phẫu thuật chính.
Năm 2015, bác sỹ Lê Quỳnh Hoa chuyển công tác về Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh. Ở đơn vị mới, chị không ngừng trau dồi thêm kinh nghiệm và cập nhật những kỹ thuật, tiến bộ mới của y khoa để nâng cao tay nghề, ứng dụng vào cứu chữa, chăm sóc người bệnh. Năm 2021, bác sỹ Hoa được đề bạt là Trưởng khoa Sản. Mỗi tháng, chị thực hiện khoảng 50 ca phẫu thuật, nhiều ca phẫu thuật phức tạp đã giúp sản phụ vượt qua cơn nguy kịch, trong đó có nhiều ca mổ cấp cứu trong đêm.
Bác sỹ Hoa kể: Một trong những trường hợp tôi nhớ nhất đó là tham gia ca phẫu thuật cho sản phụ mang thai tuần thứ 29, bị nhau tiền đạo trung tâm chảy máu, sẹo mổ đẻ cũ, nhau cài răng lược, tiên lượng cực khó. Bệnh nhân có chỉ định chuyển tuyến nhưng xin lùi lại 1 ngày. Tuy nhiên, trong đêm, bệnh nhân bất ngờ chảy máu ồ ạt, ngay lập tức tôi huy động kíp trực chuẩn bị các điều kiện phẫu thuật và báo cáo lãnh đạo bệnh viện.
Kíp mổ huy động các bác sỹ có chuyên môn cao của bệnh viện, bệnh nhân bị thủng bàng quang, phải cắt tử cung và truyền 18 đơn vị máu. Trong thời gian phẫu thuật, có những lúc tình trạng bệnh nhân nguy cấp, mạch 0, huyết áp 0, vô cùng căng thẳng. Với kinh nghiệm dày dặn và sự phối hợp ăn ý giữa các đồng nghiệp, ca phẫu thuật đã thành công…
Ngày cận Tết, khi người người ngược xuôi lo sắm tết, đoàn viên cùng gia đình, bác sỹ Hoa và đồng nghiệp vẫn tất bật với công việc. Chị có mặt trong hành trình “vượt cạn” của nhiều sản phụ, đón những em bé đáng yêu chào đời để mang lại mùa xuân trọn vẹn yêu thương cho nhiều gia đình.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện nay chỉ có nam bác sỹ ngoại khoa. Bác sỹ Tô Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân - người được mệnh danh là bác sỹ có “bàn tay vàng”, chủ lực về ngoại khoa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho hay: Bác sỹ ngoại khoa phải trải qua quá trình học tập với thời gian dài, thực hành, rèn luyện nghiêm túc, tỉ mỉ và chịu áp lực rất lớn khi cầm dao mổ. Bác sỹ ngoại khoa cũng cần có sức khỏe tốt để có thể đứng phẫu thuật nhiều giờ đồng hồ chẳng kể ban ngày hay buổi đêm. Làm nghề y đã vất vả mà làm bác sỹ ngoại khoa còn vất vả hơn nhiều lần, đặc biệt là phụ nữ.
Tuy vậy, có một nữ bác sỹ trẻ của Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân đang theo học ngoại khoa, đó là bác sỹ Phạm Ngọc Anh. Thi đỗ bác sỹ nội trú sau khi tốt nghiệp đại học, trong 2 năm qua, tại Trường Đại học Y Thái Nguyên, bác sỹ trẻ Phạm Ngọc Anh đã được tham gia nhiều ca phẫu thuật ngoại khoa liên quan đến chuyên ngành ung bướu, như phẫu thuật cắt đoạn dạ dày, cắt tử cung toàn bộ, nạo vét hạch chậu, cắt cụt trực tràng...
Phẫu thuật ngoại khoa đã khó, phẫu thuật ung thư còn khó hơn nhiều lần, bởi các cấu trúc đã không còn bình thường, biến đổi, biến dạng. Xác định những khó khăn trên con đường mình lựa chọn, ngoài thời gian tham gia phụ mổ, bác sỹ Ngọc Anh còn dành thời gian đọc sách, nghiên cứu tài liệu để nâng cao vốn hiểu biết của mình. Mang trong mình khát vọng cống hiến và tình yêu nghề, bác sỹ Phạm Ngọc Anh đang có một quá trình học tập nghiêm túc và đầy nỗ lực.
Trong khoảnh khắc Tết đến, xuân về, những cán bộ y tế gác lại hạnh phúc riêng, kề vai chăm sóc, điều trị người bệnh. Hoa đào nở rực rỡ đón một năm mới hạnh phúc, bình an, hạnh phúc của người thầy thuốc chính là niềm vui của những người bệnh sớm bình phục, trở về đoàn viên với gia đình.