Nhưng ít ai biết được, cùng với những chuyến đi đẹp như mơ, cũng có chuyến đi đầy nhọc nhằn, gian khó, đôi khi còn là sự hiểm nguy. Vậy nên, nghề báo mới được xếp vào nghề nguy hiểm của xã hội. Chẳng vậy mà trong câu chuyện hướng nghiệp, nhiều bậc phụ huynh hay khuyên rằng: Không nên làm nghề báo bởi đó là nghề nguy hiểm, vất vả.
Làm nghề “hay đi”, nên có nơi nào gian khó mà bước chân các nhà báo chưa từng trải qua? Ngay cả khi những nơi ấy đang phải hứng chịu sự khắc nghiệt của thời tiết như lũ ống, lũ quét, mưa tuyết, cháy rừng, những bước chân lại vội vã lên đường “lao” vào vùng hiểm nguy để kịp ghi lại thông tin nóng hổi và chính xác nhất. Những lúc tác nghiệp trong điều kiện không thuận lợi, nhà báo không chỉ cần có sức khỏe, mà cần cả sự gan dạ, quyết đoán. Mỗi thông tin, bài viết đến với độc giả còn có cả sự xả thân. Phải chăng họ không sợ nguy nan, vất vả? Chắc chắn là không, mà bởi tình yêu nghề quá lớn và cũng bởi “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”.
Còn nhớ, tháng Chín năm ngoái, tại khu vực Nậm Cang, xã Liên Minh (thị xã Sa Pa) có mưa lớn kéo dài. Tại các con suối: Nậm Pá, Nậm Than và Nậm Cang, nước dâng lên đột ngột, hình thành lũ ống. Lũ lên nhanh, bất ngờ trong buổi tối nên người dân không kịp sơ tán tài sản, nhiều người cũng không kịp chạy lũ nên bị cuốn trôi. Cơn lũ dữ khiến 7 người tử vong, nhiều ngôi nhà, trang trại nuôi cá hồi bị “xóa sổ”, thiệt hại khoảng 250 tỷ đồng.
Ngay khi nhận được thông tin, bất chấp Lào Cai đang có mưa lớn, đường đến vùng lũ có nhiều điểm sạt lở, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, tổ phóng viên “nóng” của Báo Lào Cai lập tức lên đường. Sau khi sơ bộ hiện trường, mỗi phóng viên được giao một nội dung. Người thì đến với các gia đình bị thiệt hại nặng nề do cơn lũ dữ, người đến với công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả của các lực lượng, người lại men theo dòng suối cuồn cuộn chảy hòa vào dòng người tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ… Thời gian gấp, công việc đòi hỏi sự khẩn trương, mỗi phóng viên “căng như dây đàn” tác nghiệp, vừa thu thập thông tin vừa chụp ảnh, quay video để những tác phẩm “nóng” từ vùng lũ kịp gửi về tòa soạn.
Lại cả những ngày vùng núi Lào Cai có băng tuyết, mỗi phóng viên lại như “con thoi”, dầm mình trong mưa tuyết, trong cái lạnh gần như đông cứng của nền nhiệt dưới 0 độ C. Đường dốc núi, băng tuyết phủ dày, trơn trượt, có những đoạn “con ngựa sắt” bị chệch bánh khiến cả người và xe trượt dài, rồi đổ ngã. Sau cú ngã như trời giáng, người và “ngựa” mặc kệ, lại tiếp tục lên đường. Dẫu có phải khênh xe cũng nhất định phải đến nơi đã định. Có lúc nghĩ dại, lỡ đường trơn trượt quá, xe mất lái mà phía dưới là bờ vực sâu hun hút, những mũi đá sắc lẹm thì không biết điều gì sẽ xảy ra?
Cả những ngày nắng rát khô hanh, tin từ trên núi cao gửi về: Rừng đang cháy lớn. Những bước chân lại vội vã lên đường, hòa mình vào dòng người ngược núi. Không trực tiếp dập lửa, làm đường băng để cứu rừng xanh nhưng những thông tin, hình ảnh chân thực về sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, người dân trong việc bảo vệ “lá phổi” của Trái Đất... nhanh chóng hình thành, lên khuôn, kịp thời đến với bạn đọc.
Bao nhiêu chuyến đi của các nhà báo, phóng viên, ngay cả những chuyến đi đến những nơi đẹp như mơ cũng tiềm ẩn trong đó biết bao nguy cơ mất an toàn, bởi núi, bởi sông, bởi suối chứa đựng trong đó bao điều không thể đoán định. Đó là còn chưa kể đến những chuyến tác nghiệp với các đề tài “nóng”, ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người. Những lúc ấy được ví như nhà báo đang đi vào “hang cọp”. Nhiều tình huống còn đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của chính mình và người thân trong gia đình…
Còn rất nhiều, rất nhiều điều không thể lường trước theo những bước chân “hay đi”. Tuy nhiên, bất chấp tất cả, những bước chân ấy vẫn tiếp tục lên đường, quản gì gian nan và vô vàn khó khăn khác. Bởi trong họ luôn có một “trái tim nóng”, sự nhiệt thành, trách nhiệm với nghề. Bởi đam mê luôn gọi tên trên những nẻo đường. Càng đi nhiều, hiểu nhiều, càng thêm yêu những “thư ký thời đại” của cuộc sống...
Trình bày: Khánh Ly