Những năm qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tập huấn, dạy nghề nhằm nâng cao kỹ năng nghề, tạo việc làm, cải thiện thu nhập và đời sống cho hội viên, nông dân.
Năm 2024, xã Mường Hum (huyện Bát Xát) dự kiến trồng mới 10 ha cây cỏ ngọt tại các thôn Tả Pờ Hồ, Ky Quan San, Piềng Láo. Trước đó, cuối năm 2023, Hợp tác xã công nghệ cao Mường Hum đã trồng thử nghiệm 1 ha cây cỏ ngọt, mang về nguồn thu hơn 400 triệu đồng.
Mặc dù mới xây dựng mô hình nuôi gà lấy trứng nhưng ông Hoàng Văn Kiên ở xã Xuân Hòa (huyện Bảo Yên) đã nhanh chóng phát triển mô hình với quy mô 1.000 con và có thể tự kiểm soát các vấn đề dịch bệnh của đàn gia cầm. Mỗi ngày, trại gà của ông Kiên cung cấp 600 - 800 quả trứng ra thị trường với giá bán lẻ bình quân 2.000 - 2.500 đồng/quả. Ông Kiên cho biết, bản thân tích cực tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề chăn nuôi, thú y do địa phương tổ chức. Mô hình nuôi gà đẻ trứng này dự kiến cho hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình ông có thu nhập khá...
Để làm tốt công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho hội viên, hằng năm, Hội Nông dân tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nghề ngay tại các địa phương, có nội dung học lý thuyết đi đôi với hướng dẫn thực hành giúp học viên dễ tiếp nhận kiến thức, học hỏi được cách làm cũng như kinh nghiệm sản xuất. Chương trình đào tạo dạy nghề không chỉ tập trung vào các kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và chăm sóc cây trồng, mà còn bao gồm các chủ đề như quản lý đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nông nghiệp, kỹ năng tiếp cận thị trường và tiếp thị nông sản cũng như các phương pháp bảo vệ môi trường.
5 năm qua, các cấp hội đã trực tiếp và phối hợp đào tạo nghề cho 16.796 lao động nông dân, trong đó Trung tâm Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 42 lớp dạy nghề cho 1.207 lao động, đào tạo các nghề ngắn hạn, thời gian đào tạo nghề dưới 3 tháng cho nông dân, gồm các nhóm nghề may, thêu thổ cẩm, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi thủy sản và các ngành nghề khác theo Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho biết: Từ các lớp đào tạo nghề sẽ góp phần hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc tổ, hội nông dân nghề nghiệp, từng bước phát triển kinh tế tập thể, làm cơ sở kết nối người dân với doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, giúp hội viên, nông dân tăng thu nhập.
Đồng hành với hội viên, nông dân phát triển kinh tế, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn như Bưu điện, Viettel tăng cường tập huấn, hướng dẫn để truyền tải kiến thức, hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ mới trong việc tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại, giới thiệu, kết nối nông sản hàng hóa gắn với phát triển sản phẩm của địa phương. Phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho hơn 93.000 lượt hội viên; hướng dẫn thành lập mới và duy trì hoạt động của 83 hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị; tổ chức tập huấn, hướng dẫn, vận động hội viên sử dụng và truy cập internet, các trang mạng xã hội để khai thác thông tin về thị trường, giá cả, cập nhật quy trình sản xuất mới tiên tiến phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân. Các cấp hội rà soát nhu cầu học nghề của hội viên, nông dân, từ đó định hướng những ngành nghề phù hợp. Đẩy mạnh phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, tư vấn việc làm, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho hội viên, nông dân có nhu cầu. Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh, chuyển đổi cơ cấu giống… nhằm đạt năng suất, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cho hiệu quả kinh tế cao hơn.