Xác định là “lõi nghèo”, tỉnh đã có nhiều quyết sách dành cho 10 xã này.
Một trong những cách làm đột phá, hiệu quả đối với công tác giảm nghèo ở “lõi nghèo” là sự vào cuộc, chỉ đạo sát sao của 8 đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đối với 10 xã nghèo. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cũng tham gia giúp đỡ, hỗ trợ các xã nghèo theo sự phân công.
Trong 3 năm qua, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành và địa phương được phân công giúp đỡ 10 xã nghèo đã tổ chức nhiều buổi làm việc, nắm khó khăn của từng xã, đồng thời trực tiếp khảo sát, hướng dẫn xây dựng, bổ sung quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trên cơ sở đó lên kế hoạch, chương trình giúp đỡ cụ thể từng năm và cho cả giai đoạn đối với từng xã.
Tính riêng giai đoạn 2021 - 2023, tổng kinh phí xã hội hóa các hoạt động vận động giúp đỡ từ các đồng chí lãnh đạo được giao nhiệm vụ phụ trách 10 xã lên tới 4,4 tỷ đồng.
Để công tác giảm nghèo đi vào chiều sâu, có tác động đến mọi mặt đời sống, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn đã ban hành 35 văn bản chỉ đạo, điều hành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Cùng với công tác chỉ đạo, định hướng, việc triển khai các nội dung hỗ trợ 10 xã nghèo được tỉnh và các địa phương đặc biệt quan tâm. Đó là, công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ chủ chốt nâng cao năng lực cho xã tiếp tục được tăng cường. Đến nay, đã có 17 cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển đảm nhận các chức danh chủ chốt tại 10 xã nghèo của tỉnh.
Thực tế cho thấy, thông qua việc luân chuyển, đến nay chất lượng cán bộ, công chức 10 xã nghèo của tỉnh đã được nâng lên. Trong 3 năm, các xã đã cử 215 lượt cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, các lớp tập huấn, bồi dưỡng về quản lý nhà nước, các kỹ năng giải quyết thực thi công vụ và các lớp bồi dưỡng khác, qua đó cơ bản đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tham mưu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Việc triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đào tạo nghề tại 10 xã nghèo thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia được đẩy mạnh. Đến hết 2023, trên địa bàn 10 xã nghèo đã có 30 danh mục dự án hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí hơn 23 tỷ đồng được phê duyệt.
Đến hết ngày 31/12/2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND các xã xây dựng kế hoạch và triển khai, thực hiện 30 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Để người dân có nguồn lực phát triển sản xuất, hoạt động tín dụng trên địa bàn 10 xã nghèo tiếp tục được ngành ngân hàng tích cực triển khai, tăng cường cho vay đối với thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận vốn thuận lợi để tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, từ đó nâng cao đời sống. Lũy kế dư nợ cho vay tại 10 xã đến hết năm 2023 đạt 304,8 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cuối năm 2022.
Đầu tư kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn 10 xã nghèo được triển khai kịp thời. Tỉnh đã giao 231 danh mục công trình, trong đó 198 danh mục công trình được giao theo Kế hoạch 239/KH-UBND. Đến hết năm 2023, đã giao danh mục chuẩn bị đầu tư 106/231công trình; giải ngân đạt 357,7 tỷ đồng, bằng 87,4% kế hoạch giao.
Sau 3 năm triển khai, thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 20 ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 239 ngày 19/5/2021 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, tại 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao đã giảm được 1.306 hộ nghèo, tỷ lệ giảm nghèo bình quân/xã đạt trên 10%.
Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 10 xã nghèo còn lại 50,54% (tương đương còn lại 3.124 hộ); đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho số lao động trên địa bàn đi làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp được đảm bảo với số lượng lao động có việc làm, y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư và duy trì ổn định về số lượng, chất lượng; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả canh tác, cùng với phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa đã được ngành nông nghiệp tích cực triển khai...
Những kết quả đạt được sau 3 năm triển khai có thể khẳng định nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành cùng sự vào cuộc của người dân ở 10 xã nghèo nhất của tỉnh với ý chí phấn đấu vươn lên thoát nghèo, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu nghị quyết đề ra.
Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo các xã còn lại đạt 17,26%. Như vậy, trong 2 năm 2024 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 10 xã giảm từ 50,5% xuống dưới 20% (giảm tối thiểu 30,5%). Đây là thách thức đối với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Để hoàn thành mục tiêu nói trên, tỉnh Lào Cai tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, đơn vị, lãnh đạo thường xuyên xuống cơ sở, phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền các xã triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; giai đoạn 2024 - 2025 đầu tư thêm 125 hạng mục công trình ở 10 xã nghèo gồm giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế…; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn các xã, đặc biệt quan tâm hướng dẫn cấp xã tổ chức triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ từ huyện về xã, từ xã sang xã, đảm bảo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, tâm huyết thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho 10 xã nghèo để khuyến khích tạo việc làm cho người lao động; xây dựng kế hoạch chuyển đổi diện tích đất rừng trồng không hiệu quả sang đất sản xuất nông nghiệp.
Đổi mới công tác tuyên truyền, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, tích cực tham gia lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo… Gắn trách nhiệm người đứng đầu với công tác giảm nghèo của từng xã, từng huyện, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.