Nhớ lại khoảng thời gian cách đây 3 năm, bà Ngô Thị Nhung (thôn Tả Hà 3, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng) không khỏi xúc động. Đó là khoảng thời gian vợ chồng bà thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Ông Nguyễn Đức Minh (chồng bà) thường đau ốm, lại có bệnh về thần kinh. Mỗi lần say rượu, ông Minh nảy sinh tính ghen tuông, rồi mắng chửi vợ vô cớ. Đó cũng là lúc mâu thuẫn vợ chồng nảy sinh. Những trận cãi vã, lời qua tiếng lại dần nhiều hơn, đẩy gia đình bà Nhung đến nguy cơ đổ vỡ.
Nhận thấy bầu không khí ngày càng căng thẳng, bà Nguyễn Thị Lộc (sinh năm 1962), Trưởng thôn Tả Hà 3, cũng là hàng xóm thân thiết của gia đình ông Minh, bà Nhung liền tới hỏi thăm để tìm cách giảng hòa. Được vợ chồng bà Nhung tin tưởng, chia sẻ đầu đuôi câu chuyện, bà lựa lời khuyên can, giúp hai người hiểu rõ góc nhìn của đối phương, từ đó cảm thông cho nhau. Đến nay, ông Minh đã không còn uống rượu, không chửi mắng vợ, còn bà Nhung đã biết quan tâm, chăm sóc chồng nhiều hơn.
“Cô Lộc được mọi người trong thôn rất yêu mến, nể phục bởi tấm lòng nhiệt huyết với công việc của thôn, xóm. Mỗi sự việc mâu thuẫn ở thôn, cô đều có mặt đầu tiên, chỉ rõ đúng sai cho mọi người hiểu một cách tế nhị, nhẹ nhàng mà vẫn hợp lý, hợp tình”, bà Nguyễn Thị Mỷ, người dân sống tại thôn Tả Hà 3 chia sẻ.
Thôn Tả Hà 3 hiện có 220 hộ, với gần 740 nhân khẩu. Những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình học tập được người dân trong thôn nhiệt tình hưởng ứng. Năm 2023, 96% hộ của thôn đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 100% gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập. Đây cũng là thôn kiểu mẫu đầu tiên của xã Sơn Hà. Những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của bà Lộc.
Có hơn 10 năm làm công tác phụ nữ cũng như tư vấn, hòa giải hàng chục trường hợp mâu thuẫn tại địa phương, bà Nguyễn Thị Thoan (sinh năm 1965), Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) luôn hiểu rõ tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở. Với bà, việc chủ động chia sẻ, giúp chị em nhìn nhận vấn đề, giải quyết mâu thuẫn là điều cốt lõi để hòa giải thành công.
Theo bà Thoan, kinh nghiệm hòa giải không phải cứ nghiên cứu tài liệu, học hỏi trong vài ngày, mà phải đúc rút từ thực tế hoạt động nhiều năm. Khi xảy ra vụ việc, các bên đang trong không khí căng thẳng, nóng nảy, ai cũng muốn phần hơn về mình, nên không dễ gì ai nhường nhịn ai. Do đó, khi nhận được thông tin, các thành viên trong tổ hòa giải đều tổ chức họp để đưa ra biện pháp hòa giải, phân công thành viên trực tiếp đến gặp gỡ, nắm tình hình, đảm bảo khách quan, hướng các bên thương lượng những vấn đề cần tháo gỡ.
Nhờ thường xuyên gần gũi, được chị em tin tưởng, bà Thoan dần trở thành “tổng đài tư vấn” của nhiều phụ nữ trên địa bàn phường Cốc Lếu, việc thu thập thông tin nhờ đó thuận lợi hơn. Bà Thoan “bật mí”: Cần gần gũi, trò chuyện thường xuyên để chị em tin tưởng, từ đó dễ mở lòng tâm sự khi có mâu thuẫn xảy ra. Như vậy, người hòa giải như tôi sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận câu chuyện từ cả hai phía. Sau đó, cần lựa lời khuyên giải sao cho tế nhị, động viên hai bên thẳng thắn giải quyết.
Nói chuyện với ông Trần Văn Thơ, Tổ trưởng Tổ Hòa giải tổ dân phố số 6, phường Sa Pa (thị xã Sa Pa), chúng tôi cảm nhận được tinh thần trách nhiệm của ông dành cho công tác hòa giải mà ông đã đảm nhận suốt hơn 10 năm nay. Đến nay, 100% vụ việc ông Thơ tham gia hòa giải đều thành công.
Theo ông Thơ, làm công tác hòa giải ở khu dân cư là việc không hề đơn giản, nhất là đối với phường khu vực trung tâm như phường Sa Pa. Đây cũng là địa bàn phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, kiến nghị, nhất là các vấn đề liên quan đến trật tự xây dựng, đất đai thừa kế, mâu thuẫn trong các gia đình... rất khó hòa giải, mà nếu hòa giải thành thì mất nhiều thời gian, công sức. Ông Thơ cho biết, lúc thì trò chuyện với người này, khi thì tâm sự với người kia, tác động tư tưởng để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu, dần dần hóa giải được mâu thuẫn.
Hiếm có vụ việc nào chỉ hòa giải 1 lần là đã thành công, mà phải đi lại nhiều lần, lựa lời hỏi han, chia sẻ, động viên theo phương châm “mưa dầm thấm sâu”.
Câu chuyện hòa giải mà ông Thơ ấn tượng nhất xảy ra vài năm trước. Từng khó chịu vì hàng xóm sát vách là bà Mai (ở tổ 6, phường Sa Pa, thị xã Sa Pa) thường xuyên sử dụng than tổ ong gây khói bụi, chưa xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp khiến không khí bị ô nhiễm, người hàng xóm gần đó đã viết đơn gửi chính quyền địa phương đề nghị xem xét xử lý.
Để sự việc không phức tạp thêm, ông Thơ đã gặp mặt, cho hai bên nói lên suy nghĩ của mình. Sau đó, ông Thơ chỉ ra sự gần gũi, gắn kết giữa tình làng nghĩa xóm, để hai bên thông cảm cho nhau hơn, từ đó tìm ra tiếng nói chung bằng cách thống nhất cách xử lý vấn đề: Bà Mai sẽ hạn chế sử dụng than tổ ong trong khu vực gần nhà, đồng thời trang bị các thùng có nắp đậy kín để tránh mùi của rác thải ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt chung.
Có thể nói, những người làm công tác hòa giải ở cơ sở là những người không chỉ nắm được hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm của mỗi gia đình tại địa phương, mà còn là những người thân thiết, gần gũi trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày với người dân. Chính vì thế, mỗi hòa giải viên ở cơ sở được ví như “chiếc cầu” nối tình đoàn kết, gắn chặt tình nghĩa xóm làng.