Tuy nhiên, các ngành và địa phương cần xác định rõ di sản văn hóa nào có thể phát triển thành sản phẩm, phục vụ phát triển du lịch. Bởi di sản văn hóa các dân tộc rất đa dạng, phong phú, nhưng không phải di sản nào cũng phù hợp để phát triển thành sản phẩm du lịch.
Đơn cử, những di sản văn hóa được tổ chức định kỳ, quy mô lớn mang tính cộng đồng như: lễ hội Gầu tào người Mông; lễ hội xuống đồng người Tày, Giáy; lễ cưới, cấp sắc của người Dao… có thể tạo sản phẩm du lịch hiệu quả; còn các nghi lễ ma khô, lễ giải hạn... quy mô nhỏ, không định kỳ nên không phù hợp.
Cần tôn trọng quyền làm chủ của cộng đồng trong bảo vệ và thực hành di sản văn hóa truyền thống của họ, nên để cộng đồng tự bàn bạc, quyết định. Chính quyền địa phương không nên làm thay vai trò của cộng đồng.
Cũng theo ông Dương Tuấn Nghĩa, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, tạo thành sản phẩm du lịch, nên ưu tiên đầu tư bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể và các di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh đang xuống cấp.
Đầu tư và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, sưu tầm, bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc nhất là những di sản có nguy cơ mai một. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở về văn hóa.
Với lợi thế tỉnh biên giới, Lào Cai cần mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao, du lịch; tranh thủ mọi nguồn lực trong và ngoài nước phát triển văn hóa, du lịch.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến vai trò của nghệ nhân dân gian trong bảo vệ, phát huy di sản văn hóa dân tộc; xây dựng đội ngũ nghệ nhân dân gian của từng dân tộc. Đây là lực lượng nòng cốt để bảo tồn, lưu truyền các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc.
Phải có sự đầu tư nguồn lực phù hợp và đồng bộ với các ngành khác. Xuất phát từ định hướng của lãnh đạo bộ, ngành, chính quyền địa phương cần thống nhất quan điểm và đưa vào các nghị quyết của Đảng, xây dựng thành các đề án chuyên đề, phục vụ công tác phục dựng, bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các di sản hằng năm; giao nhiệm vụ cụ thể cho những người có trách nhiệm; thống nhất quan điểm với các ngành liên quan để phát huy giá trị của di sản.
Cần coi di sản văn hóa là tài sản quý, để khi thực hiện phục dựng, tôn tạo, trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa phải có đội ngũ am hiểu sâu sắc về văn hóa (các chuyên gia trong và ngoài nước) hỗ trợ tư vấn, dựa trên căn cứ khoa học, lịch sử, tránh lệch lạc, sai sót, tạo ra phản ứng ngược trong xã hội.
Nghiên cứu, đầu tư thoả đáng để xây dựng các sản phẩm văn hóa có chất lượng cao, bền vững đưa ra thị trường, trong đó có sự tham gia của người dân địa phương để đảm bảo tính cộng đồng.
Cần có chính sách hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp, ngành trong điều tra, nghiên cứu, khảo sát; hỗ trợ văn nghệ sĩ nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các di sản văn hóa; tranh thủ hợp tác quốc tế để phát triển. Hiện tại, Lào Cai đang có sự hợp tác và hỗ trợ rất lớn từ các chuyên gia vùng Nouvelle Aquitaine của Pháp. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát huy tốt giá trị văn hóa và du lịch.
Phát huy giá trị văn hóa để phát triển du lịch cần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà nước - doanh nghiệp - người dân; đạt lợi ích tăng trưởng xanh, bền vững, không vì lợi ích nhỏ, ngắn hạn mà ảnh hưởng đến giá trị di sản văn hóa.