Xã Hoàng Thu Phố có 7 thôn, tập trung 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, toàn xã có hơn 500 hội viên phụ nữ. Triển khai Dự án 8, có 5 thôn của Hoàng Thu Phố được thụ hưởng chính sách gồm Tả Thồ 1,2; Bản Pấy; Lao Phu Sáng; Sỉn Giáo Ngài. Xã đã thành lập 5 tổ truyền thông cộng đồng gồm 36 thành viên.
Các thành viên tổ truyền thông cộng đồng được tham gia 4 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, các kỹ năng hỗ trợ nạn nhân và vận hành địa chỉ tin cậy, hướng dẫn lập kế hoạch tổ chức sự kiện truyền thông, tổ chức sinh hoạt cho các thành viên nhóm truyền thông và hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; giáo dục kỹ năng sống, truyền thông mẫu về bình đẳng giới trong làm việc nhà...
Tùy tình hình thực tế từng thôn, các thành viên tổ truyền thông cộng đồng triển khai các hình thức tuyên truyền phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống, suy nghĩ của người dân địa phương để đạt hiệu quả.
Chị Giàng Thị Chư, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Các tổ truyền thông cộng đồng chủ yếu triển khai các hình thức tuyên truyền như phát tờ rơi, tuyên truyền riêng hoặc lồng ghép trao đổi, nói chuyện vào các dịp gia đình phụ nữ tổ chức tiệc cưới, ngày lễ, tết hoặc các buổi cùng đi làm nương... Để nâng cao hiệu quả truyền thông, các tổ chú trọng đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền như tổ chức chơi trò chơi, trả lời các câu hỏi kiến thức; chuyển đổi số trong truyền thông, tận dụng mạng xã hội thúc đẩy truyền thông. Tuyên truyền phải ngắn gọn, súc tích, phù hợp với thuần phong mỹ tục, lối sống, suy nghĩ của người dân thì mới phát huy hiệu quả.
Qua đó, nhận thức của phụ nữ nói riêng, người dân Hoàng Thu Phố nói chung về bình đẳng giới dần được nâng cao. Trước đây, quan niệm của người Mông là đàn ông chỉ làm việc lớn còn nội trợ, việc nhà là do phụ nữ đảm nhận, nhưng điều này đã dần thay đổi trong từng nếp nhà ở vùng cao. Chia sẻ của chị Vàng Thị Tuyết ở thôn Chồ Chải là ví dụ cụ thể cho sự đổi thay này. Gia đình chị Tuyết có 4 thành viên, kinh tế chủ yếu là từ trồng ngô, lúa, chăn nuôi. Chồng chị trước đây không mấy khi giúp vợ việc nhà, hiếm khi cầm chổi quét nhà và không bao giờ rửa bát thì nay đã giúp vợ nấu cơm, chị Tuyết đi vắng, anh có thể chu toàn mọi việc. Từ thay đổi trong gia đình chị Tuyết, các tổ truyền thông cộng đồng lấy đó làm gương để tuyên truyền, lan tỏa đến các hộ khác trong thôn.
Tuy nhiên, muốn xóa bỏ khoảng cách về giới, ngoài truyền thông, giải pháp quan trọng là nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ. Đến nay, Hoàng Thu Phố xuất hiện một số điển hình phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, có thu nhập ổn định từ 100 triệu đồng/năm. Đó là hộ chị Vừ Thị Cú ở thôn Chồ Chải với mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa mỗi năm xuất chuồng 20 con, trồng ngô, nuôi gia cầm, thu nhập mỗi năm đạt 100 triệu đồng.
Kinh tế phát triển, cuộc sống ổn định, gia đình thuận hòa, vị thế phụ nữ trong gia đình được nâng lên. Từ mô hình phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình, Hội Phụ nữ xã Hoàng Thu Phố đã nêu gương để các phụ nữ khác đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Trong quá trình triển khai truyền thông về Dự án 8 tại Hoàng Thu Phố vẫn còn một số khó khăn như khi dịch tài liệu tuyên truyền sang tiếng đồng bào khó tìm từ sát nghĩa nên một số nội dung không đạt hiệu quả như mong muốn. Tuy nhiên, theo chị Giàng Thị Chư, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, đổi mới cách thức truyền thông cộng đồng, chuyển đổi số trong truyền thông, truyền thông bằng tiếng đồng bào được triển khai sáng tạo tại Hoàng Thu phố góp phần đưa Dự án 8 đi vào cuộc sống, dần xóa bỏ khoảng cách giới, đề cao vai trò phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.