Theo các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa, để thấy được giá trị to lớn về tư liệu lịch sử, quân sự thì cần đặt đền Quan trong sự kết nối với đền Cấm, đền Thượng, bởi 3 ngôi đền được xây dựng trên 3 tuyến đóng quân của quan quân nhà Trần. Nơi đền Thượng được xây dựng bây giờ là đỉnh đồi Hỏa Hiệu - khu tiền tuyến canh phòng biên giới; đền Cấm là khu quân đội nhà Trần lập trại đóng quân và khu vực đền Quan là nơi đặt trạm gác kiểm soát quan quân ra vào khu vực.
Trải qua các cuộc chiến tranh, thăng trầm và biến cố lịch sử, những tư liệu quý gắn liền với di tích lịch sử - văn hóa đền Quan bị thất lạc nhiều. Hiện nay, tư liệu về đền Quan chủ yếu được ghi chép trong lịch sử của các triều đại phong kiến và xuất hiện trong lịch sử các điểm di tích khác hoặc thông qua các câu chuyện dân gian kể lại.
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, vào thời nhà Trần, địa bàn Lào Cai thuộc châu Văn Bàn và Thủy Vĩ thuộc trại Quy Hóa. Năm 1256, toàn bộ vùng Vân Nam (Trung Quốc) dưới sự thống trị của quân Mông Cổ. Năm 1257, chúa Mông Cổ là Mông - Ke xuất 4 cánh quân tiến đánh Nam Tống trong đó có một cánh quân do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy đánh xuống Đại Việt rồi vòng lên Lạng Sơn đánh sau lưng quân Tống. Ngột Lương Hợp Thai kéo quân từ thành Áp Xích (Côn Minh) đóng tại A Nâm (Khai Viễn) áp sát biên giới nhà Trần lúc đó. Lúc này, Lào Cai trở thành địa bàn xung yếu, vì thế nhà Trần đã chủ động xây dựng lực lượng phòng bị trên biên giới. Ngọn đồi cao ven sông Ngân (sông Nậm Thi bây giờ) được chọn để xây dựng đồi hỏa hiệu nhằm đốt lửa báo hiệu cho cả vùng, đồng thời còn tổ chức các trạm chuyển thông tin cũng như lương thảo phục vụ quân đội. Do đó, triều đình nhà Trần luôn nắm chắc các thông tin vùng biên giới.
Để giữ vững được tiền tuyến, quân đội nhà Trần đã lập trại đóng quân tại khu vực đền Cấm và đặt trạm gác tại khu vực đền Quan ngày nay. Sau khi cuộc chiến chống quân Nguyên Mông tại Lào Cai kết thúc, quân đội nhà Trần trở về kinh đô.
Nhằm ghi nhớ công lao của quân đội nhà Trần, người dân địa phương đã lập các đền thờ phụng quan quân nhà Trần hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, chống giặc phương Bắc, trong đó đền Quan là công trình tín ngưỡng được người dân lập nên tại khu vực kiểm soát của doanh trại quân đội nhà Trần, vừa nhằm thờ vọng quan Giám sát trong tín ngưỡng thờ Tứ phủ, vừa nhằm thờ quan binh nhà Trần đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Có tư liệu thì ghi rằng khu vực đền Quan ở Lào Cai bây giờ là khu trạm kiểm soát ra vào tiền tuyến của quân đội nhà Trần. Sau khi trấn ải biên cương, quan quân nhà Trần rút về kinh đô, có một vị tướng được ở lại trông coi doanh trại, người dân trong vùng gọi ông là quan Giám sát, còn gọi là quan Thanh tra giám sát. Được biết, cho đến nay, quan Giám sát còn được thờ ở 2 nơi là ở huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn và ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, trong tín ngưỡng thờ quan Tứ phủ, quan Giám sát chính là quan Đệ nhị thượng ngàn, còn gọi là Đệ nhị giám sát, Đệ nhị vương quan.
Với những tư liệu lịch sử ghi lại cho thấy đền Quan ở Lào Cai được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVI - XVII (cách ngày nay khoảng 300 - 400 năm). Quá trình hình thành và phát triển của di tích đền Quan gắn liền với các thủ nhang. Đầu năm 1960, có cụ bà tên là Nhung (người Phú Thọ) tiếp quản làm thủ nhang đền Quan đến năm 1979. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới 1979 đã ảnh hưởng đến nhiều hạng mục của đền bị hư hỏng nặng, các hiện vật quý như tượng đồng, chuông đồng, lư hương… đều bị hỏng hoặc thất lạc. Sau cuộc chiến bảo vệ biên giới, người dân địa phương và các nhà hảo tâm tiếp tục đóng góp tiền của xây dựng lại đền, thu hút đông khách thập phương tới thăm viếng và bái vọng.
Ban Quản lý Khu di tích văn hóa và Du lịch thị xã Lào Cai thành lập ngày 4/1/2002, đơn vị này đã tiếp quản và quản lý đền Quan. Năm 2004, đền Quan được trùng tu xây dựng theo lối kiến trúc chữ Đinh, dân gian còn gọi là kiến trúc kiểu “chuôi vồ”, với khu đền chính, hai bên là tả vu, hữu vu và các hạng mục. Trước cổng đền treo bức hoành phi “Giám sát linh từ” (đền thờ quan giám sát linh thiêng). Trong gian chính điện có bức hoành phi với 4 chữ sơn son thếp vàng “Nhật nguyệt hợp minh”. Nội tự đền Quan treo nhiều đôi câu đối với các nội dung khác nhau, chủ yếu ca ngợi các đức thánh hiển linh bảo vệ cuộc sống của Nhân dân.
Hằng năm, đền Quan tổ chức các lễ: Lễ thượng nguyên vào sáng mùng 10 tháng Giêng; Lễ vào hạ: Mùng 10 tháng Tư; Lễ ra hè: Mùng 2 tháng Bảy. Lễ tất niên được tổ chức vào mùng 2 tháng Chạp, mục đích là cầu phúc, cầu lộc, cầu sức khỏe cho gia đình cũng như bản thân, cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu…
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, tâm linh, quân sự, khoa học và du lịch, tháng 2/2016, đền Quan đã được UBND tỉnh Lào Cai xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và cây đa đền Quan đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Đền Quan hiện nay là một công trình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, xứng tầm là “cột mốc” văn hóa, địa chỉ đỏ về loại hình tín ngưỡng dân gian thuần Việt vùng biên ải, đáp ứng đời sống tâm linh của cộng đồng các dân tộc tỉnh Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung.