Quay vềE-magazineTheo dõi Báo Lào Cai trênGoogle News
Đêm đông ở “thành phố trong sương”

Đêm đông ở “thành phố trong sương”

Những cơn mưa phùn dai dẳng kéo theo sương mù và gió lạnh không còn xa lạ với Sa Pa. Đêm mùa đông, nhiệt độ mỗi lúc càng xuống thấp, “thành phố trong sương” trở nên tĩnh lặng nhưng vẫn đầy cuốn hút. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, nhiều người lao động vẫn mưu sinh trong đêm lạnh, từng đoàn du khách vẫn ngồi tụ họp hoặc cầm ô tản bộ trên các tuyến đường.

2.jpg

9 giờ tối, nhiệt độ Sa Pa dưới 100C, sương rơi và gió rít lên từng cơn lạnh buốt. Khu vực trung tâm thị xã như nhà thờ đá, sân Quần hoặc bờ hồ Sa Pa không còn náo nhiệt như ban ngày. Nhiều ngôi nhà đã đóng cửa, những chiếc xe lao qua đường cũng vội vã để nhanh chóng trở về với tổ ấm gia đình, chỉ còn lại ánh sáng lung linh từ trung tâm thương mại, đèn đường và các biển quảng cáo hắt ra. Vài du khách ngồi quây quần bên hàng nước hay quán đồ nướng với ánh sáng vàng vọt từ chiếc đèn tích điện hay bếp than tạo nên những góc nhỏ mang lại cảm giác ấm cúng. Khung cảnh này khiến tôi nhớ đến những lời bài hát về Sa Pa: “Ơi Sa Pa! Thành phố trong sương… bốn mùa mây bay gió lạnh”. Để tận hưởng gió lạnh và sự lãng mạn của đêm đông Sa Pa, chúng tôi quyết định đi bộ xuống phố Cầu Mây. Trên đường, chúng tôi gặp từng nhóm du khách che ô đi chầm chậm, tuyến phố đi bộ này có lẽ là nơi nhộn nhịp nhất trong đêm mưa.

3.jpg

Không chỉ lạnh mà vì mưa phùn nên hàng quán hôm nay vắng vẻ hơn. Một quán đồ nướng hiếm hoi ven đường đang có nhóm nhỏ du khách ngồi ăn ngô và sưởi ấm. Đêm lạnh, quán vắng khách nên chúng tôi cũng dễ bắt quen và trò chuyện với người bán hàng và những du khách đang ngồi tại đây. Chị Chey Kannitha - du khách tới từ Campuchia và 3 người thân trong gia đình đã có mặt tại Sa Pa ngày thứ 2. Chị cởi mở và giao tiếp bằng tiếng Anh rất tốt. “Chiều hôm qua, chúng tôi có mặt ở Sa Pa và buổi tối chúng tôi đã ra quán này. Tôi thích ăn đồ bán tại vỉa hè vì cảm giác đồ ăn chuẩn hương vị miền núi. Đồ ăn ngon mà giá cũng phải chăng. Tôi thích không khí lạnh ở đây, thích cả sương đêm và những cơn mưa phùn, chúng khiến tôi gần nhau hơn và trò chuyện với nhau được nhiều hơn”, chị Chey tâm sự.

4.jpg

Khi nhóm của chị Chey rời đi, tôi mới có thời gian quan sát quán kỹ hơn. Gọi là quán nhưng thực chất chỉ là sạp nhỏ bán đồ nướng trên vỉa hè, che sương bằng tấm ni lông trắng. Trên bếp than nhỏ có vài bắp ngô, củ khoai, cơm lam, trứng và mấy xiên thịt, quanh đó là những chiếc ghế nhựa dành cho khách.

Sạp đồ nướng này là của bà Trần Thị Mười (60 tuổi) quê gốc Hà Nam. Bà Mười bán hàng được hơn 20 năm. Ban đầu bà bán hoa quả, nhưng từ năm 2018, nhận thấy nhu cầu thưởng thức đồ nướng của du khách ngày càng cao nên bà chuyển hướng. Mỗi ngày, bà thức dậy sớm đi chợ chọn nguyên liệu rồi về căn phòng thuê để sơ chế. 3 giờ chiều, bà chở đồ ra phố bán. Bà thường kết thúc công việc và dọn đồ về nhà vào khoảng 11 - 12 giờ đêm.

12333.jpg

Những đồ mà bà Mười bán rất dân dã, giá cả phải chăng nên khách nước ngoài thích lắm. Hôm nay mưa phùn nên vắng khách, chứ ngày thường, kể cả lạnh 1 - 2oC, quán vẫn đông khách. Ngày tết đông khách hơn, mình bà nướng đồ đến bỏng cả tay.

5.jpg

Bà Mười lên Sa Pa từ những năm 90, đến năm 2006 thì đón cả 3 người con lên đây, nhưng sau đó các con đều chuyển về quê, chỉ còn mình bà ở lại. “Ban đêm làm đến 12 giờ, về đến nhà mệt quá thì ngủ, sáng ra lại đi lấy hàng. Ngày nào cũng như vậy, vì không gặp con, gặp cháu, bà ngồi cả ngày ngoài đường, nói chuyện, tâm sự cùng khách cho đỡ buồn”, bà Mười tâm sự.

123456543.png

Hơn 10 giờ đêm, sương rơi dày hơn và mưa cũng không có dấu hiệu tạnh, nhiều hàng, quán đã đóng cửa tắt điện, chỉ còn lại 1 - 2 sạp hàng sáng đèn. Có lẽ, những sạp nhỏ này bán chưa hết hàng nên nấn ná để chờ gặp những vị khách cuối cùng trong đêm. Chúng tôi có ý định rời quán bà Mười thì lại bị níu chân bởi vị khách trẻ, vui tính bước vào quán. Đó là anh Vũ Công Dương, hơn 20 tuổi, quê ở Yên Bái.

Anh Dương làm nghề lái xe điện, vừa đưa một đoàn khách trở về khách sạn. “Có khách hay không có khách thì cứ phải qua quán ăn bắp ngô cho ấm bụng đã, rồi tính tiếp chuyện khác chị ạ”, anh Dương vào quán, hơ tay trên bếp than sưởi ấm và chọn một bắp ngô đang nướng nóng hổi. Hôm nay mưa, ít khách, cả ngày anh chỉ chở được vài chuyến xe đi loanh quanh khu vực trung tâm thị xã. Anh Dương làm tài xế xe điện thuê cho công ty. Có những đêm “thất thu”, ít khách thì được khoảng 1 triệu đồng và hưởng 25% tiền công, có ngày đông khách, số tiền có thể tăng 5 lần.

5432556432.png

Tuy tuổi trẻ nhưng anh Dương cũng từng “bôn ba” nhiều nơi, làm nhiều nghề, như phụ bếp, bốc vác, phục vụ quán bar, thậm chí từng đi lao động ở nước ngoài, nhưng cuối cùng anh chọn làm tài xế xe điện ở Sa Pa, vừa tận hưởng được không khí trong lành, vừa có cơ hội giao tiếp với nhiều người, đặc biệt là du khách nước ngoài.

9.jpg

Rời hàng đồ nướng của bà Mười, chúng tôi lên khu vực nhà thờ đá. Lúc này, đường phố chỉ còn vài chiếc xe. Tôi gặp lại một người quen, đó là bà Lý Cầm Mẩy, năm nay ngoài 60 tuổi, nhà ở xã Thanh Bình. Bà lên trung tâm thị xã Sa Pa bán hàng thổ cẩm được hơn chục năm. Lần đầu tôi gặp bà Mẩy cách đây 6 - 7 năm, vào đợt Sa Pa rét kỷ lục. Nhiệt độ thời điểm đó có lúc dưới 0oC, cả thị xã chìm trong sương lạnh và băng giá, bà Mẩy chọn một góc nhỏ trên đường Fansipan bán hàng thổ cẩm. Chồng mất từ ngày còn trẻ, một mình nuôi 9 người con khôn lớn, đến nay các con đã lập gia đình và ở xa, vì thế gánh hàng thổ cẩm giúp bà mưu sinh. Mùa hè, ngày nào bà cũng lên trung tâm thị xã bán hàng, còn mùa đông bán hàng vào dịp có lễ hội, tết hoặc tối cuối tuần. Ngày bán được nhiều thì 200 đến 300 nghìn đồng, nhưng cũng có những hôm ngồi đến tận 1 - 2 giờ sáng mà chẳng bán được gì. Bà Mẩy vội vã dọn hàng trong đêm lạnh cũng là lúc chúng tôi ra về.

10.jpg

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Trong trận lũ vừa qua, Bảo Yên là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều cán bộ cơ sở mặc dù nhà ở bị ngập lụt, tài sản bị cuốn trôi nhưng vẫn ưu tiên lo cho dân. Họ tạm gác việc nhà, tập trung hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống. Chỉ khi mọi người được an toàn, họ mới trở về lo cho gia đình mình.

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, những nhà giáo trên địa bàn tỉnh luôn dành trọn tâm huyết, tình yêu học trò qua từng trang giáo án. “Người đưa đò” thầm lặng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ, trở thành những “Chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu của Microsoft”, là tấm gương sáng cho học sinh về rèn đức, luyện tài.

Nữ hiệu trưởng ưu tú

Nữ hiệu trưởng ưu tú

Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, 13 năm làm công tác quản lý, trong đó 6 năm đảm nhiệm vai trò hiệu phó và 7 năm làm hiệu trưởng, dù ở cương vị nào, cô Phạm Thị Khánh Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lào Cai cũng nỗ lực hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Bằng sự nhạy bén và chuyên môn vững vàng, cô Hường đã xây dựng một tập thể đoàn kết, kiến tạo môi trường giáo dục và học tập hạnh phúc.

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Thời gian qua, các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai đã không ngừng nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đưa nhà trường trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của ngành giáo dục thành phố Lào Cai.

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 3, thầy giáo Lý Văn Hoàng (sinh năm 1996) công tác tại Trường THPT Chuyên Lào Cai, nhưng thầy và học trò đã có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao tại nhiều cuộc thi.

“Nả” Hương ở Lũng Pô

“Nả” Hương ở Lũng Pô

Sẩm tối, anh Lù Seo Súa mới chân thấp chân cao, tất tả ngược dốc đến điểm Trường Mầm non Lũng Pô đón con gái Lù Ánh Dương về nhà. Thấy bố, cô bé mừng reo hớn hở nhưng vẫn không quên khoanh tay lễ phép chào “nả” Hương, rồi mới ùa ra, gọn trong vòng tay của bố. Có lẽ, với cô giáo Hương, đó là niềm vui và phần thưởng lớn nhất khi gắn bó cả thanh xuân của mình ở vùng đất biên cương.

fbytzltw