Người ta nói rằng, phục hồi chức năng là phương pháp sáng tạo cả về khoa học lẫn nghệ thuật, giúp người bệnh tiến triển cả về thể chất, tinh thần. Có chứng kiến tận mắt những cán bộ y tế tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tập phục hồi cho người bệnh, chúng tôi mới thấu rõ sự cẩn trọng và tâm huyết.
Gần 20 năm gắn bó với công việc, bác sỹ Đoàn Nam Chiến, Trưởng Khoa Trị liệu đã điều trị phục hồi cho hàng trăm bệnh nhân. Trong đó, bác sỹ Chiến nhớ nhất câu chuyện về “kỳ tích” của bệnh nhân Nguyễn P.A. ở thành phố Lào Cai, bị tai nạn giao thông. Từ bệnh viện tuyến Trung ương, chị P.A. trở về điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh trong tình trạng lơ mơ, ăn qua xông, liệt tứ chi... song song với điều trị nội khoa, dinh dưỡng, các bác sỹ đánh giá và đưa ra phác đồ tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu cho bệnh nhân. Trong 3 năm, với sự kiên trì của người nhà và nỗ lực của những cán bộ y tế, sức khỏe chị P.A. đã có biến chuyển tích cực.
Những can thiệp đúng hướng giúp “kỳ tích” dần xuất hiện. Sức khỏe chị P.A. cải thiện qua từng ngày, tháng tập luyện. Chị đã có thể ngồi dậy, đứng lên, tập đi, tập cầm nắm và đến nay đã hồi phục vận động hoàn toàn, có thể chạy, nhảy. Hơn 1.000 ngày chị P.A. điều trị, tập luyện là bao tâm huyết của đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, là sự nỗ lực vượt bậc của bản thân chị và sự kiên trì, tin tưởng của gia đình đã phối hợp cùng bác sỹ luyện tập, động viên, đồng hành với chị.
Câu chuyện về sự “hồi sinh” của chị P.A. là một trong những "câu chuyện cổ tích" giữa đời thực, được cán bộ y tế Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh nhắc lại như sự tự hào về thành công, hạnh phúc trong nghề và cũng là minh chứng để thắp lên niềm tin cho những người bệnh đang điều trị.
Cử nhân phục hồi chức năng Long Thanh Xuân bước sang năm thứ 7 gắn bó với công việc. Bàn tay nhỏ bé của nữ kỹ thuật viên nhịp nhàng, mềm dẻo tập vận động thụ động, xoa bóp vùng cho người bệnh và chị nhẹ nhàng hướng dẫn người bệnh tự tập để kích thích cơ. Sau khi kết thúc 20 phút tập luyện, chị Xuân dành thời gian chia sẻ: Chúng tôi tập phục hồi hoàn toàn bằng tay. Với những bệnh nhân có thể trạng cao, nặng thì việc đỡ, lật họ trong quá trình tập luyện rất mất sức. Tuy công việc vất vả nhưng đây là nghề mà tôi đã lựa chọn gắn bó. Sức khỏe người bệnh có tiến triển, phục hồi chính là niềm vui, nguồn động viên lớn đối với tôi.