Thực hiện nghị quyết, nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai và nhân rộng trên địa bàn tỉnh, như chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; các hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh nhằm hạ thấp tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ… Tuy nhiên, thói quen “tự bắt bệnh”, tự làm “thầy thuốc tại gia” trong Nhân dân vẫn còn. Do đó, cùng với việc nâng cao năng lực, tay nghề cho đội ngũ làm công tác dân số, y tế để thực hiện tốt các quan điểm chỉ đạo của Trung ương và địa phương, thì công tác truyền thông, nâng cao hiểu biết cho người dân cần được đẩy mạnh.
Ngay sau khi Nghị quyết 27 được triển khai, Sở Y tế đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học về tăng cường chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, góp phần nâng cao tuổi thọ trung bình của người Lào Cai với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh. Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu lên thực trạng và đưa ra các giải pháp, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, trong đó tập trung công tác truyền thông và xác định “truyền thông phải đi trước một bước”.
Thôn Lao Chải, xã Y Tý (huyện Bát Xát) có 100% người Hà Nhì sinh sống. Cuộc sống trên núi cao, nên mọi thói quen sinh hoạt, tập quán của người Hà Nhì gắn chặt với tự nhiên. Những quan niệm chữa bệnh “truyền miệng” theo phương thức cổ xưa được thực hành rộng rãi, như sinh con tại nhà, tự bắt bệnh, chữa bệnh bằng kinh nghiệm dân gian, không đi khám - chữa bệnh tại các cơ sở y tế… Anh Chu Che Xá, Trưởng thôn Lao Chải và cũng là y tế thôn Lao Chải chia sẻ: Nhận thức của người dân về các vấn đề dân số chưa cao, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe vị thành niên, sức khỏe giới tính, người già. Với vai trò là trưởng thôn, y tế thôn, bản và cũng là người uy tín của thôn, tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Không chỉ cùng cán bộ y tế xã thực hiện các chiến dịch truyền thông cộng đồng, tôi còn lồng ghép truyền thông tại các buổi họp thôn, sinh hoạt đông người hoặc đến từng nhà nói cho người dân hiểu về ích lợi và tác hại, từ đó thay đổi thói quen và hành vi.
Ví dụ như về quy mô dân số, các nội dung, hình thức tuyên truyền phải phù hợp với thực trạng mức sinh của từng địa phương. Với các huyện chưa đạt mức sinh thay thế thì cần tiếp tục tuyên truyền các nội dung, thông điệp để giảm sinh nhằm đạt mức sinh thay thế bình quân; lợi ích của kế hoạch hóa gia đình, quy mô gia đình ít con. Còn đối với những địa phương đã đạt mức sinh thay thế hoặc dưới mức sinh thay thế, cần truyền thông mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con, duy trì khoảng cách giữa các lần sinh, ổn định mức sinh...
Từ năm 2017 đến tháng 11/2024, toàn tỉnh đã truyền thông trực tiếp gần 28 nghìn buổi tại các trường học, cộng đồng về vấn đề dân số, thu hút hơn 1,4 triệu lượt người tham gia; truyền thông gián tiếp gần 22 nghìn buổi trên truyền hình, phát thanh, cung cấp gần 12 nghìn cuốn bản tin về dân số và phát triển cho Ban Chỉ đạo các cấp; cung cấp hơn 28 nghìn tờ rơi, áp phích, sách mỏng, cuốn cẩm nang, hồ sơ người cao tuổi cho các huyện, thị xã, thành phố… Ngoài ra, Chi cục Dân số tỉnh đã biên tập tài liệu đăng tải trên website, Cổng thông tin điện tử để các đơn vị tuyến huyện, tuyến xã khai thác và sử dụng làm tài liệu tuyên truyền tại cộng đồng với hơn 40 nghìn tin, bài truyền thông được khai thác. Nhờ đẩy mạnh truyền thông, chỉ tiêu các nhóm nâng cao chất lượng dân số được thực hiện hiệu quả, quyết liệt.
Thời gian tới, ngành dân số tỉnh sẽ đổi mới các biện pháp tuyên truyền, tăng cường truyền thông về dân số và phát triển, đổi mới toàn diện nội dung truyền thông, nâng cao chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội; tập trung kiểm tra, giám sát, sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 27 của Tỉnh ủy, tạo đà cho sự phát triển bền vững của tỉnh.