Bát Xát là huyện vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn. Trước đây, tại một số xã vùng cao, vùng sâu từng xảy ra tình trạng nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng cây thuốc phiện. Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng trong đấu tranh, triệt xóa cây thuốc phiện và đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của ma túy, tình trạng trên cơ bản không còn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lực lượng chức năng phát hiện một số người dân ở các thôn, bản vùng cao lén lút trồng loại cây nguy hiểm này.
Qua nắm tình hình, vào hồi 9 giờ ngày 2/3/2024, Tổ công tác của Công an xã Bản Xèo phát hiện tại khu vực rừng sâu thuộc thôn San Lùng, xã Bản Xèo có 1 điểm trồng hơn 500 cây thuốc phiện với diện tích 350 m2. Qua kiểm tra, toàn bộ số cây thuốc phiện đang trong giai đoạn sinh trưởng, chiều cao 15 - 40 cm, có cây bắt đầu ra hoa.
Tại huyện Văn Bàn, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 2 vụ trồng cây thuốc phiện trái phép. Cụ thể, vào hồi 11 giờ 30 phút ngày 12/3/2024, Công an xã Nậm Xây phát hiện tại tiểu khu 537 nằm trong khu vực rừng phòng hộ thôn Mà Sa Phìn, cách khu dân cư khoảng 3 giờ đi bộ, có 1 điểm trồng cây thuốc phiện với 372 cây đang ra hoa. Tiếp đó, vào hồi 12 giờ 10 phút cùng ngày, Công an xã Nậm Xây phát hiện thêm 1 điểm trồng cây thuốc phiện, gồm 454 cây đang ra hoa, ra quả. Tổ công tác Công an xã Nậm Xây đã lập biên bản vụ việc và nhổ bỏ 2 điểm trồng cây thuốc phiện (hiện chưa xác định được đối tượng trồng số cây thuốc phiện trên).
Tại thị xã Sa Pa, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng công an đã phát hiện 3 vụ trồng cây thuốc phiện trái phép. Cụ thể, hồi 17 giờ 30 phút ngày 14/3/2024, Công an phường Hàm Rồng phát hiện đối tượng Má A Páo (sinh năm 1942, trú tại tổ 2, phường Hàm Rồng) trồng 753 cây thuốc phiện trong vườn; hồi 9 giờ 30 phút ngày 15/3/2024, Công an xã Tả Van phát hiện Má A Tính (sinh năm 1987, trú tại thôn Tả Van Mông, xã Tả Van) trồng 94 cây thuốc phiện đã có hoa và có quả; hồi 14 giờ ngày 15/3/2024, Công an xã Tả Van phát hiện Má A Dế (sinh năm 1957, trú tại thôn Tả Van Mông, xã Tả Van) trồng 228 cây thuốc phiện đã có hoa và quả. Công an các xã, phường đã lập biên bản các vụ việc trên, thu giữ cây thuốc phiện và tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Trung tá Trần Phi Long, cây thuốc phiện thường được các đối tượng trồng và nhân giống từ vụ trước hoặc mua từ các hội, nhóm trên mạng xã hội về trồng xen lẫn những cây khác nên rất khó phát hiện. Khu vực trồng cây thuốc phiện chủ yếu ở vùng cao, đồi núi hiểm trở, xa khu dân cư. Sau khi thu hoạch, cây, quả thuốc phiện được các đối tượng bán tại các hội, nhóm trên mạng xã hội, chủ yếu để ngâm rượu, làm thuốc, bán hạt giống... Các đối tượng trồng cây thuốc phiện chủ yếu là người Mông, Dao sinh sống tại vùng cao, vùng sâu, hiểu biết pháp luật còn hạn chế.
Theo Thượng tá Đỗ Mạnh Tiến, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh, đơn vị tiếp tục chỉ đạo công an các cấp làm tốt công tác điều tra cơ bản; trinh sát trực tiếp bám địa bàn, khu vực có nguy cơ, điều kiện, khả năng các đối tượng dễ trồng các loại cây chứa chất ma túy để khoanh vùng, điều tra; lập danh sách các đối tượng nghi vấn có hoạt động trồng cây có chứa chất ma túy và các đối tượng đã vi phạm, bị xử lý về hành vi trồng cây thuốc phiện, cần sa để theo dõi, quản lý.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng trong đấu tranh triệt xóa cây thuốc phiện, chính quyền địa phương và các lực lượng khác cần đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tác hại của ma túy; làm tốt công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, động viên người dân tố giác tội phạm.